
Về chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga, Les Echos đặc biệt chú ý đến những khó khăn của nước Đức trong việc chuyển hướng chính sách : « Tình thế tiến thoái lưỡng nan của thủ tướng Sholz cũng là vấn đề chung của toàn nước Đức ». Hồ sơ trang nhất của Les Echos nhận xét : « Những lưỡng lự » của chính phủ Đức trong việc hỗ trợ mạnh mẽ Ukraina chống xâm lược Nga bị nhiều đối tác châu Âu phê phán. Bức biếm họa kèm theo hồ sơ này, vẽ thủ tướng Đức chân tiếp tục đi về phía trước, khoác trên tay một xe tăng mang cờ ba màu Đen Vàng Đỏ, đầu ngoảnh ngược về phía sau, về hướng Ukraina, minh họa rõ ràng cho tình trạng phân tâm cao độ hiện nay của nước Đức.
Tuy nhiên, theo Les Echos, đây không phải chỉ là khó khăn riêng với chính phủ Đức, mà bản thân toàn thể xã hội Đức cũng không dễ dàng trong việc xem xét lại định hướng lớn của quốc gia. Đó là liệu nước Đức có thể xét lại chính sách đối ngoại và quốc phòng, khi đặt các lợi ích kinh tế xuống hàng thứ hai hay không ?
Trong lúc nước Đức bị kẹt trong thế lưỡng lự, « Nhật Bản nỗ lực vận động ngoại giao chống Nga » là tựa đề một hồ sơ mục quốc tế của Le Monde. Thủ tướng Fumio Kishida đã cố gắng tập hợp nhiều quốc gia Đông Nam Á vốn có thái độ trung lập về cuộc khủng hoảng Ukraina. Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga khiến Nhật Bản, thành viên châu Á duy nhất của khối G7, thoát ra khỏi ứng xử chừng mực lâu nay liên quan đến các khủng hoảng quốc tế.
Nhật Bản đã ngay lập tức thừa nhận là cuộc chiến tranh tại Ukraina có thể dẫn đến việc hủy hoại các chuẩn mực quốc tế. Đe dọa trực tiếp với Nhật không chỉ là Nga láng giềng phía bắc của Nhật, mà còn là Trung Quốc với các tham vọng lãnh thổ. Le Monde nhấn mạnh là, trong chuyến công du Việt Nam cách đây ít hôm, Hà Nội và Tokyo thống nhất chia sẻ lập trường chung « phản đối mọi hành động vũ lực để thay đổi nguyên trạng ». Nhật Bản có thế mạnh là có các quan hệ kinh tế quan trọng với Đông Nam Á, bên cạnh chính sách hòa bình hơn nửa thế kỷ khiến Nhật Bản trở thành đối tác tin cậy của khu vực Đông Nam Á. Không cổ vũ các nước Đông Nam Á đối đầu trực diện với Trung Quốc, nhưng nỗ lực để góp phần tập hợp toàn khu vực xung quanh « các giá trị chung » về một nền an ninh tập thể, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vùng Thái Bình Dương, Bộ Tứ Ấn Độ – Thái Bình Dương, và các cường quốc châu Âu, Đức, Anh, Pháp tiếp tục là ưu tiên của Nhật. Chính sách « đi từng bước một » theo hướng này xuyên suốt chuyến công du châu Á vừa qua của thủ tướng Kishida.