Đăng ngày: 19/12/2022
Hôm nay, 19/12/2022, đại diện chính phủ của khoảng 190 quốc gia đã thông qua một thỏa thuận « lịch sử » tại Hội nghị đa dạng sinh học COP15 ở Montréal, Canada. Đây được coi là một thỏa thuận có ý nghĩa nhất trong việc bảo vệ đất liền và các đại dương, cũng như cung cấp nguồn tài chính để cứu đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển.
Theo AFP, sau 4 năm đàm phán căng thẳng, 10 ngày và một đêm ”chạy marathon ngoại giao”, các nước đã đạt được thỏa thuận với tên gọi ”Côn Minh-Montréal”. Thỏa thuận được đánh giá có ý nghĩa ”lịch sử” đối với việc bảo vệ đất liền và đại dương cũng như các loài sinh vật khỏi ô nhiễm môi trường và khủng hoảng khí hậu. Phần có ý nghĩa lớn nhất trong thỏa thuận đó là cam kết bảo vệ 30 % diện tích của Trái đất, được cho là quan trọng đối với đa dạng sinh học của hành tinh chúng ta, từ nay đến năm 2030. Hiện tại, chỉ có 17 % đất liền và 8 % vùng biển là được bảo vệ.
Trong gói hỗ trợ tài chính này, các nước cũng cam kết huy động ít nhất 20 tỷ đô la hàng năm từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ các nước nghèo (gấp đôi con số hiện nay). Con số này sẽ tăng lên 30 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030. Thỏa thuận cũng kêu gọi huy động thêm các nguồn khác nhau, bao gồm khu vực tư nhân, để có ít nhất 200 tỷ euro hàng năm cho đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, và đặc biệt là cắt giảm 500 tỷ đô la/năm trợ giá cho các năng lượng hóa thạch từ đây đến 2030.
Theo AFP, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh thỏa thuận mang tính lịch sử và đã bổ sung vào Thỏa thuận khí hậu Paris. Bà nhấn mạnh rằng ”thế giới kể từ nay có hai cơ may để chúng ta hành động nhằm tiến tới một nền kinh tế bền vững từ nay đến năm 2050”.
Hãng tin AP trích dẫn nhận địch của bộ trưởng Môi Trường và Biến Đổi Khí Hậu Canada Steven Guilbeault cho đây là một thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự biến mất của đa dạng sinh học, phục hồi tự nhiên và giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Biến đổi khí hậu cùng với môi trường sống bị biến mất, và tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Trái đất. Vào năm 2019, một báo cáo cảnh báo rằng 1 triệu loài động thực vật sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong vòng nhiều thập kỷ – tỷ lệ này cao gấp 1.000 lần so với dự kiến. Báo cáo cho biết con người thường xuyên tiêu thụ khoảng 50.000 loài sinh vật hoang dã : cứ 5 người thì có 1 người trong tổng dân số 8 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào các loài đó để có thực phẩm hoặc có thu nhập.