Châu Phi: Chính sách « ngoại giao Kalashnikov » của Nga và « ngoại giao nợ » của Trung Quốc lên ngôi

Đăng ngày: 14/03/2023

Ngoại trưởng Nga, Sergueï Lavrov (T) và đồng nhiệm Mali, Abdoulaye Diop, họp báo ở Bamako, Mali, ngày 07/02/2023. © Ministère russe des Affaires étrangères/ via REUTERS

Thùy Dương

Tại các nước châu Phi, thuộc địa cũ của Pháp, chính quyền Nga của Vladimir Putin, Trung Quốc của Tập Cận Bình và Thổ Nhĩ Kỳ của Recep Erdogan đang tận dụng thái độ bài Pháp, để thiết lập ưu thế của họ đối với châu lục vốn rất giàu tài nguyên, đặc biệt là Nga áp dụng chính sách « ngoại giao Kalashnikov » và Trung Quốc, với « ngoại giao nợ ». Trên đây là nhận định của nhà báo Julien Peyron, trên báo Le Point, ngày 10/03/2023. RFI trích dịch bài viết. 

Trong chuyến công du hôm 07/02 của ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov, nhân vật không được hoan nghênh ở châu Âu và châu Mỹ do chiến tranh Ukraina, ngoại trưởng Mali đã trao tặng cho đồng nhiệm Lavrov « takouba », một thanh kiếm mà các chiến binh vùng Sahel thường đeo bên người. Khi trao thanh gươm biểu tượng này cho người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, Mali chính thức đặt mình dưới sự bảo vệ của Vladimir Putin, đồng thời giễu cợt nước Pháp, bởi « Takouba » cũng chính là tên mà Paris đã chọn để đặt cho lực lượng vũ trang châu Âu được thành lập hồi năm 2020 để hỗ trợ chiến dịch Barkhane.

Như vậy, 8 tháng sau khi liên minh này tan rã, sau đó là sự rút lui của quân đội Pháp khỏi đất nước Mali, thanh kiếm takouba đã đổi chủ. Pháp thất thế còn Nga được chào đón như một vị cứu tinh ở quốc gia châu Phi Mali. Phát biểu trong cuộc họp báo ở Mali, ngoại trưởng Nga tuyên bố : « Bất chấp cuộc hỗn chiến chống Nga mà Washington, Luân Đôn và Brusselles dàn dựng, chúng tôi (Nga và Mali) đang củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp ».

Về phía Mali, hầu như không thấy căng thẳng bởi những cáo buộc liên quan đến lính đánh thuê Nga, chính quyền quân sự Mali vẫn đang dựa vào người của công ty lính đánh thuê Wagner để hỗ trợ cho quân đội và củng cố quyền lực. Nhân cơ hội này, Matxcơva đã mở rộng vùng ảnh hưởng của Nga ở châu Phi. Quả thực, hoạt động của Wagner ở Mali không phải là trường hợp cá biệt. Từ vùng Sahel (Mali, Burkina) đến Đông Phi (Sudan), qua vùng Maghreb (Libya) và Trung Phi (CH Trung Phi), lực lượng lính đánh thuê Wagner thân điện Kremlin đang hoạt động ở khắp nơi tại châu lục này.  

Chiến tranh Ukraina : Dịp để Nga đẩy mạnh ảnh hưởng đối với châu Phi

Cuộc tranh giành ảnh hưởng của Nga ở châu Phi thực ra không phải là mới. Ngay từ thời Chiến Tranh Lạnh, một số người trong giới tinh hoa châu Phi đã đến Đại học Hữu nghị Nhân dân Patrice-Lumumba ở Matxcơva để học về chủ nghĩa Mác-Lênin. Gần đây hơn, hồi năm 2019, một hội nghị thượng đỉnh lớn giữa Nga và châu Phi đã được tổ chức bên bờ Hắc Hải của Nga, quy tụ 43 nguyên thủ quốc gia châu Phi. Thế nhưng, cuộc chiến ở Ukraina và việc phương Tây cô lập điện Kremlin lại càng thúc đẩy tham vọng châu Phi của chế độ Putin. Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov đang cấp tập các chuyến công du châu Phi. Từ tháng 01/2023 đến nay, ông đã đi thăm 7 nước.

Theo Nina Wilen, giám đốc chương trình Châu Phi tại Viện Egmont của Bỉ (Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Bỉ), bằng cách cung cấp dịch vụ dân quân và vũ khí cho các chế độ thân hữu với điện Kremlin, Matxcơva đang tiến hành chính sách « ngoại giao Kalashnikov ». Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm, 44% vũ khí thế giới xuất khẩu sang châu Phi trong giai đoạn 2017 – 2021 là từ Nga. Nhà nghiên cứu Nina Wilen tin rằng chính sách « ngoại giao Kalashnikov » mang lại « lợi đơn đợi kép » cho Nga, bởi « vừa cho phép Nga gây ảnh hưởng ở một số quốc gia châu Phi mà không phải thanh minh giải thích gì hết, vừa cho phép Nga được chơi ở các sân chơi lớn chỉ với những phương tiện tương đối hạn chế. »

Mỗi cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến ở Ukraina đều có thể đo lường mức độ ảnh hưởng của Nga. Trong cuộc bỏ phiếu gần đây nhất, hôm 23/02, chỉ có 7 nước bỏ phiếu chống nghị quyết kêu gọi « rút ngay lập tức quân đội Nga, đội quân đã xâm lược Ukraina ». Bên cạnh các đồng minh truyền thống của Matxcơva (Belarus, Syria, Bắc Triều Tiên, Nicaragua) là 2 nước châu Phi : Eritrea, nơi Matxcơva đang nhắm tới việc xây dựng căn cứ quân sự, và Mali. Đáng lo ngại hơn cho phương Tây là có tới 22 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trống. Trong số 54 nước châu Phi, gần một nửa đã từ chối lên án cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraina, trong số đó, có những nước được xem là có trọng lượng, như Nam Phi, Algeri, Senegal, Ethiopia hay Sudan. Sau nhiều năm đàm phán, Sudan có lẽ chuẩn bị cho phép Matxcơva mở một cảng quân sự nhìn ra Hồng Hải.

Ảnh hưởng của Pháp suy giảm vào thời điểm các cường quốc đang thèm khát châu Phi, lục địa có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn nhất hành tinh và đà tăng dân số cũng mạnh nhất toàn cầu. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, châu Phi sẽ chiếm ¼ dân số thế giới. Trong suốt thời gian dài bị xem là một khu vực xa xôi, nay châu Phi đã trở thành trung tâm các vấn đề địa chính trị.

Tiền đồn trong tay Trung Quốc

Và hiện giờ, Trung Quốc đang giữ tiền đồn của công cuộc tấn công cả về ngoại giao và thương mại với châu Phi. Tổng cộng, có 46 nước châu Phi đã ký thỏa thuận tham gia dự án con đường tơ lụa mới theo sáng kiến của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho phép thương mại song phương Trung Quốc – châu Phi, chỉ riêng trong năm 2021, đã tăng 35%. Từ nay đến cuối thập niên này, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua châu Âu và trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của châu Phi, theo nhận định của cơ quan tư vấn Economist Intelligence Unit của Anh. Bắc Kinh đang rót hàng tỷ nhân dân tệ vào châu Phi và muốn thu lời từ chính sách « ngoại giao nợ ».

Trong khi thị phần tại châu Phi của Pháp, Mỹ và Đức đã giảm, nhất là Pháp, giảm từ 10,6% xuống chỉ còn 4,4% sau 20 năm, từ năm 2002 đến năm 2021, thì thị phần của Trung Quốc lại tăng vọt gần gấp 5 lần, từ 3,8% lên thành 18,8%, vượt xa mức tăng của các nước Ấn Độ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.   

Về quân sự, kể từ năm 2017, Trung Quốc đã có một căn cứ quân sự ở Djibouti, được xây dựng bất chấp sự hiện diện của Mỹ và Pháp tại quốc gia châu Phi này. Bắc Kinh cũng đang tính tới việc xây dựng một căn cứ quân sự khác ở đầu kia của châu lục, tại Guinée Xích Đạo. Tình báo Mỹ đã cảnh báo về việc Bắc Kinh có một cảng quân sự nhìn ra bờ Đại Tây Dương.

Mối quan tâm mới của Mỹ thời Biden

Trên thực tế, dưới thời Donald Trump, Mỹ đã không có nhiều bước tiến ở châu Phi. Việc tổng thống Donald Dtrump miệt thị, gọi châu Phi là « các quốc gia thối tha » đã để lại hậu quả. Chính quyền của tổng thống Biden đã phải nỗ lực bù đăp khoảng thời gian đã mất. Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, liên tục công du châu Phi, và một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt với châu Phi đã được tổ chức tại Washington hồi tháng 12/2022. Nhân dịp này, Joe Biden đã tìm cách lấy lại vị thế của Mỹ là một đối tác ưu tiên của châu Phi khi bày tỏ mong muốn thấy châu Phi gia nhập khối G20.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, như đã làm đối với hồ sơ Syria hay Ukraina, tổng thống Erdogan cũng đang cố gắng thu lời ở những khu vực có sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Tại châu Phi, với 44 đại sứ quán, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác ngoại giao lớn thứ tư của châu lục, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Pháp. Cũng giống như Nga, Ankara dùng một đòn bẩy đặc biệt : khai thác thái độ bài phương Tây ở châu Phi. Bộ Ngoại Giao Pháp ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm mục tiêu vào các thuộc địa cũ của Pháp, đầu tư vào các nước này và đã giành được nhiều hợp đồng hấp dẫn, bằng cách hứa hẹn một mối quan hệ « công bằng và cân đối » với chính quyền các nước muốn giữ khoảng cách với Pháp, nước từng đô hộ họ.

Bài Liên Quan