Đăng ngày: 08/05/2023
Vào cuối tuần vừa qua, ngày 06/05/2023, Charles Đệ Tam chính thức đăng quang, đội lên vương miện cao quý nhất của Hoàng gia Anh, 8 tháng sau khi nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị tạ thế. Vậy vị tân vương ấy là người như thế nào ? Trong cuộc phỏng vấn đăng trên trang mạng của báo Figaro, Philip Kyle, tác giả của cuốn tiểu sử về Charles III, đưa ra giải đáp, RFI xin trích dịch.
Philip Kyle, từng làm tuỳ viên báo chí trong một quỹ được vua Charles III thành lập khi còn là thái tử, ông cũng làm việc tại ban truyền thông của BBC và từng làm lãnh đạo kênh truyền hình quốc tế Euronews, tất cả những kinh nghiệm này đã khiến ông trở thành người viết cuốn tiểu sử Charles III, cuốn đầu tiên bằng tiếng Pháp.
Đâu là những nét chính trong tính cách của Charles Đệ Tam, có điểm nào mà công chúng không rõ hoặc không đánh giá đúng về ông ấy hay không ? Về cách cư xử của Charles, ông ấy khiến người ta cho rằng mình là một vị vua trẻ con, một người xa rời thực tế và vẫn yêu cầu người khác buộc dây giày cho ? Liệu người ta có nhầm hay không ?
Philip Kyle : Tôi đã làm việc trong gần 3 năm tại một quỹ do Charles thành lập khi ông còn là thái tử, quỹ The Prince’s Trust. Tôi không phải là cấp dưới của ông ấy, tôi không làm việc cho cung điện. Tuy nhiên, tôi đã có thể hiểu thêm về nhân vật công chúng này. Có một điểm mà tôi thấy sai đó là khi cho rằng Charles dường như xa rời thực tế và mọi người xung quanh. Quỹ The Prince’s Truse được thành lập bởi một vị vua, làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ người trẻ có việc làm hoặc đi làm lại. Trong các sự kiện mà quỹ thường tổ chức, tôi đã bị ấn tượng khi nhìn thấy người mà lúc đó chỉ là hoàng tử xứ Galles, có thể giao lưu với những người trẻ. Đó là những người khá căng thẳng khi gặp ông ấy và thường là thuộc tầng lớp khác, tương phản với hoàng gia. Charles Đệ Tam là một người dễ đồng cảm, luôn trao đổi với những người mà ông ấy gặp, qua đó, đưa ra những ý nghĩ và định hướng hành động của mình. Chúng ta có thể nhìn lại chặng đường này từ nhiều năm qua, ông ấy đã nhiều lần đấu tranh cho giới trẻ, cho môi trường và một xã hội đa dạng.
Charles III rõ ràng là thể hiện rõ những quan điểm chính trị hơn là mẹ của ông. Liệu tiếng nói của ông có giá trị trên chính trường ở Anh Quốc hay không ?
Philip Kyle : Đúng vậy, nhưng cũng cần lưu ý rằng nếu như ông ấy hay thể hiện quan điểm cá nhân về những chủ đề được cho là chính trị, thì Charles chưa bao giờ thể hiện những cam kết đảng phái. Hiện giờ, khi đã là vua, ông ấy sẽ không làm những việc liên quan đến chính trị khiến chính phủ Anh gặp rắc rối. Nghĩa là giờ đây, ông ấy có sức ảnh hưởng lớn hơn, với tư cách là nguyên thủ quốc gia và có thể gửi những thông điệp qua các chuyến công du hoặc qua các sự kiện mà ông tổ chức tại cung điện. Khi Liz Truss còn là thủ tướng, bà đã yêu cầu Charles không tham dự COP 27. Thay vào đó, vị tân vương đã tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi các nhà lãnh đạo, chính trị, và kinh tế cũng như những người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ về sinh thái, tại cung điện Buckingham. Ông coi vai trò của mình là một người có thể tập hợp những người có thể đưa ra quyết định, nhất là khi nói đến tương lai của hành tinh. Đặc biệt là với vị trí mới này, Charles III có đặc quyền được gặp riêng thủ tướng Anh Quốc hàng tuần sau cánh cửa đóng kín. Người ta hay nói, quốc vương Anh có quyền “được thông báo, khuyến khích và cảnh báo”. Tôi thích thú khi mường tượng ra việc nữ hoàng Elizabeth II thường sử dụng hai quyền đầu tiên trong các cuộc họp hàng tuần, nhưng lại ít sử dụng quyền cảnh báo hơn. Ngược lại, Charles III sẽ không bỏ qua quyền này.
Liệu Charles có thực sự mong muốn trở thành vua hay không ? Có phải ông ấy đã để cả đời để chờ đợi được lên ngôi ?
Philip Kyle : Thời điểm lên ngai vàng là một kinh nghiệm cá nhân, khá khó khăn đối với một tân vương, phải trở thành nguyên thủ quốc gia vào lúc mà cha mẹ qua đời. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao lại có những nghi ngờ về mong muốn trở thành vua của Charles. Ông ấy chưa bao giờ nghĩ đến việc (không lên ngôi và) sẽ nhường ngôi cho thái tử William, như người ta nghe nói. Tất cả các hành động của Charles cho thấy ông ấy quyết tâm làm việc, vượt qua những thách thức trong cuộc sống của ông. Trên thực tế, Charles đã chuẩn bị rất kỹ càng để trở thành vua.
Trở thành vua ở tuổi 73 phải chăng không cho phép ông ấy có nhiều thời gian để thực hiện thay đổi, phải chăng là đã quá muộn ?
Philip Kyle : Tôi thấy khá thú vị khi Charles trở thành vua ở 73 tuổi. Dù ngắn hay dài, thời gian trị vì của Charles Đệ Tam không phải là không thú vị. Charles không hề có một cuộc sống đơn giản. Ông ấy không phải lúc nào cũng được lòng dân. Nhưng nay, ông ấy đã trở nên khôn ngoan, điềm tĩnh và có những kinh nghiệm nhất định. Ông ấy đã lên ngôi vào thời điểm thuận lợi cho ông ấy và cho Anh Quốc.
Về Camilla, liệu chúng ta có thể nói rằng bà ấy là nguồn sức mạnh cho Charles chứ không phải gánh nặng ?
Philip Kyle : Thực ra, Camilla từ lâu đã trở thành sức mạnh của Charles. Câu chuyện tình yêu của họ khá đẹp và tuyệt vời. Tôi không nghĩ rằng Camilla là một gánh nặng đối với Charles dù chỉ một ngày, ngay cả khi ông ấy đã phải chịu đau khổ rất nhiều khi bà ấy bị vùi dập trong bùn lầy. Nhiều năm sau, ông ấy đã hợp pháp hóa mối quan hệ này. Đầu tiên đó là kết hôn bất chấp ý kiến trái chiều từ dư luận. Cuối cùng, thời gian đã chứng tỏ, Camilla thực hiện cam kết một cách chân thành về một số vấn đề, nhất là trong cuộc chiến chống lại bạo lực đối với phụ nữ. Bà không phải là người muốn thu hút sự chú ý, bà cũng không muốn làm công nương hay hoàng hậu, mà chỉ muốn ở cùng chồng bà. Người Anh đã hiểu điều đó và cuối cùng chấp nhận bà. Elizabeth Đệ Nhị cũng đã đăng một thông cáo vào tháng 02/2022, nói rằng khi Charles lên ngôi, cố nữ hoàng mong muốn Camilla được phong làm hoàng hậu. Khi chúng ta nhìn lại quãng đường đó, thì không khác gì một bộ phim Holywood !
Liệu giai đoạn đầu trị vì của ông ấy có được gọi là thành công ?
Philip Kyle : Vẫn còn hơi sớm để nói là thành công hay không, nhưng điều mà tôi thấy đó là ông ấy đã được công luận Anh biết đến và chấp thuận. Điều đặc biệt là khi chúng ta nhớ lại quãng thời gian ông ấy không được lòng dân vào những năm 1990. Hơn nữa, Camilla cũng đã được công chúng chấp nhận, bà được trao vương miện hoàng hậu. Đây là một khoảnh khắc đáng nhớ. Đó là sự thành công của một người phụ nữ, đã từng bị vùi dập trong bùn lầy, nhưng vẫn đứng vững và giờ trở thành hoàng hậu bên cạnh nhà vua.
Charles III sẽ phải đối mặt với những thử thách nào ?
Philip Kyle : Giai đoạn đầu của triều đại, ông ấy sẽ bị thử thách là tình đoàn kết. Trước tiên là đoàn kết người Anh. Từ nhiều tháng qua, Anh Quốc đã phải trải qua nhiều cuộc đình công lớn. Môi trường xã hội, kinh tế và chính trị khá là căng thẳng. Đó là lúc mà vị vua có thể đóng vai trò của mình như làm một biểu tượng của tình đoàn kết và sự ổn định. Thách thức thứ hai đó là làm sao để duy trì sự thống nhất của Anh Quốc trong khi những ý định mong muốn độc lập (từ những nước thuộc Liên Hiệp Anh) có thể được thể hiện một cách công khai rõ ràng, nhất là ở Scotland.
Hơn nữa, Charles cũng phải giữ gìn sự thống nhất của Khối Thịnh Vượng chung, khi biết rằng một vài nước mà ông làm nguyên thủ chắc chắn sẽ muốn chuyển sang chế độ Cộng Hòa, như là Barbade đã làm vào năm 2021. Ông sẽ cần phải hỗ trợ những nước này, bảo đảm rằng quá trình này diễn ra tốt đẹp và cần phải giải quyết câu hỏi nhạy cảm về quá khứ thuộc địa tại những nước này, nhất là với những nước ở vùng Caribe.
Cuối cùng, nhà vua sẽ phải duy trì sự thống nhất của dòng tộc Windsor, đã bị suy yếu sau khi Meghan và Harry rời bỏ tước hiệu hoàng gia và sự ra đi của nữ hoàng Elizabeth II. Để trở thành người bảo đảm sự thống nhất cho một vương quốc, thì cần phải biết làm được điều đó trước hết là trong chính gia đình của mình. Người Anh rất chú ý đến điều này.