Người Việt tại Nhật biểu tình chống Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Người Việt tại Nhật biểu tình chống Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Một nhóm người Việt tại Nhật đã xuống đường biểu tình phản đối

voatiengviet.com


Một nhóm người Việt tại Nhật đã xuống đường biểu tình phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc vào cuối tuần. Với biểu ngữ “Phản đối Trung Cộng dùng luật hải cảnh ăn cướp biển đảo Việt Nam,” nhóm người Việt góp tiếng nói giúp cộng đồng và thế giới hiểu rõ sự hung hăng và bá quyền của Bắc Kinh.

Bà Hoàng Dung, một người Việt sinh sống tại Tokyo, chia sẻ với VOA về cuộc biểu tình trưa ngày 7/3, tại công viên Kogai trước Đại sứ quán Trung Quốc và sau đó là tại khu Shibuya, trung tâm thương mại và nhà ga ở Tokyo.

“Luật Hải cảnh Trung Quốc cho phép họ sử dụng vũ khí hạng nặng, nhẹ khác nhau để bắn vào tàu các nước. Tôi muốn lên tiếng để phản đối. Đây là việc làm quá phi pháp.”

“Chúng tôi biểu tình để cho người Nhật và thế giới nhận biết.”

“Chúng tôi không thể hèn nhát ngồi đó để cho Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mình.”

Cuộc biểu tình ngày 7/3/2021 tại Tokyo, Nhật. Photo Antichicom via Hoang Dung.
Cuộc biểu tình ngày 7/3/2021 tại Tokyo, Nhật. Photo Antichicom via Hoang Dung.

Vào ngày 22/1, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, công khai cho phép cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp chung quanh Trung Quốc. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/2.

Một đoạn video được phát trên trang Facebook của Antichicom, Phong trào Phản đối Trung Cộng tại Nhật, cho thấy nhóm hàng chục người biểu tình hô vang các khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Nhật, Anh, Việt trước đại sứ quán Trung Quốc: “Dừng ngay Luật Hải cảnh Trung Cộng!” Đả đảo Trung Cộng bá quyền ở Biển Đông.”

Ông Lê Đạt, một thành viên của Antichicom, viết trên Facebook hôm 9/3 về cuộc biểu tình ngày 7/3: “Đó là một ngày tôi có thể làm một việc mà tôi cảm thấy nó có ý nghĩa, khi mình đã góp phần lên tiếng được cho thế giới biết được về tình hình biển đảo của quê hương đang bị xâm chiếm bởi Tàu Cộng như thế nào.”

Ông Lê Đạt viết tiếp: “Với tâm thế đó tôi đến với cuộc biểu tình, sự chuẩn bị rất chỉnh chu từ người chào đón, âm thanh, hệ thống điều hợp… Tôi cảm thấy sự gần gũi từ mọi người, không phải vì chúng tôi là những người con xa xứ mà vì trong tâm các bạn và tôi đều có một tư tưởng giống nhau: Làm sao để đất nước chúng ta được toàn vẹn lãnh thổ.”

Cũng liên quan đến Luật Hải cảnh Trung Quốc, hôm 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội của Trung Quốc, rằng đạo luật mới này “không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào,” và rằng đạo luật này là “phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến hôm 4/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhật đã chia sẻ những lo ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh của Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của Washington và Tokyo đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan