Giáo hoàng Francis và các lãnh đạo thế giới tưởng nhớ Đức Thánh Cha Benedict XVI

  • Tác giả,Nadeem Shad
  • Vai trò,BBC News
  • 1 tháng 1 2023
Benedict XVI

Giáo hoàng Francis đã dẫn đầu những lời bày tỏ lòng kính trọng đối với người tiền nhiệm của mình, Đức Benedict XVI, người vừa qua đời ở tuổi 95.

Giáo hoàng nói rằng Benedict là người “cao quý” và “tử tế” – và “được ban tặng” cho Giáo hội Công giáo La Mã.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Brazil Lula nằm trong số hàng chục nhà lãnh đạo ca ngợi cố giáo hoàng.

Cố Giáo hoàng Benedict thoái vị năm 2013 vì sức khỏe kém – Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên làm như vậy trong 600 năm. Tang lễ Ngài sẽ được tổ chức tại Vatican vào ngày 5/1.

Là nhà lãnh đạo thứ 265 của Giáo hội Công giáo, Benedict là một nhân vật gây tranh cãi.

Một số người thương tiếc ca tụng Ngài là người kiên quyết bảo vệ đức tin, những người khác thì chỉ trích vì trong thời Ngài trị vì, Giáo hội đã không giải quyết các cáo buộc nhiều giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Nhưng vài giờ sau thông báo về cái chết của ông, Giáo hoàng Francis đã ca ngợi người tiền nhiệm “thân yêu nhất” của mình, nhấn mạnh “những hy sinh của Ngài vì lợi ích của Giáo hội”.

Nhà Trắng đã công bố tuyên bố của Tổng thống Joe Biden – người Công giáo thứ hai sau John F Kennedy nắm giữ chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.

Nhớ lại lần gặp gỡ cố Giáo hoàng Benedict tại Vatican vào năm 2011, Tổng thống nói rằng Ngài sẽ “được nhớ đến như một nhà thần học nổi tiếng, dành cả cuộc đời tận tụy với Giáo hội, được hướng dẫn bởi các nguyên tắc và đức tin của Ngài”.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia có đông người Công giáo trên khắp thế giới cũng bày tỏ lòng kính trọng, trong đó Thủ tướng Ý Giorgia Meloni ca ngợi Đức Benedict là “người vĩ đại của đức tin và lý trí” và là “một vĩ nhân mà lịch sử sẽ không quên”.

Tại Brazil – quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới – Tổng thống sắp nhậm chức Luiz Inácio Lula da Silva cho biết ông mong “sự an ủi cho các tín hữu và những người ngưỡng mộ Đức Thánh Cha”.

Người tiền nhiệm của ông – Tổng thống Jair Bolsonaro – ca ngợi “công việc tuyệt vời của một nhà thần học vĩ đại” và nói rằng Ngài đã để lại một “di sản to lớn cho Giáo hội Công giáo, cho tất cả các Kitô hữu và cho nhân loại”.

Tại Anh, tân Vương Charles III cho biết ông “vô cùng đau buồn” khi nhận được tin cựu Giáo hoàng qua đời.

Gửi thông điệp chia buồn tới Giáo hoàng Francis, ông nêu bật “những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy hòa bình và thiện chí cho tất cả mọi người” của Đức Benedict và những hành động của ngài nhằm củng cố mối quan hệ giữa người Công giáo và Anh giáo.

Benedict
Chụp lại hình ảnh,Giáo hoàng Benedict tặng quà cho Nữ hoàng Anh và Công tước xứ Edinburgh tại Cung điện Holyrood trong chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010

Thủ tướng Anh Rishi Sunak gọi Đức Benedict XVI là “một nhà thần học vĩ đại mà chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010 của Ngài là một thời khắc lịch sử đối với cả người Công giáo và người không theo Công giáo trên khắp đất nước chúng ta”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã ca ngợi cựu Giáo hoàng về “cam kết bền bỉ đối với bất bạo động và hòa bình” của ông.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz mô tả cố Giáo hoàng là “một nhân vật hình thành nên Giáo hội Công giáo, một nhân cách thẳng thắn và một nhà thần học thông minh”.

Đức Benedict sinh ra ở Bavaria với tên Joseph Ratzinger và năm 1977 được bổ nhiệm làm tổng giám mục Munich.

Trong phần lớn thời kỳ Ngài làm giáo hoàng, Giáo hội Công giáo phải đối mặt với các cáo buộc, khiếu nại pháp lý và các báo cáo chính thức về tình trạng lạm dụng trẻ em của các linh mục trong nhiều thập kỷ.

Đầu năm nay, cựu Giáo hoàng thừa nhận rằng đã có sai sót trong việc xử lý các vụ lạm dụng khi Ngài còn là tổng giám mục Munich từ năm 1977 đến 1982.

Việc thừa nhận được đưa ra sau khi một cuộc điều tra pháp lý của Đức với Giáo hội Công giáo, theo đó cáo buộc Ngài đã không hành động trong bốn trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em.

Trong một bức thư do Vatican công bố, cựu Giáo hoàng xin tha thứ cho bất kỳ “lỗi lầm nghiêm trọng” nào nhưng phủ nhận sai trái cá nhân.

Bài Liên Quan