Liên Âu hướng sang kim loại hiếm châu Phi để tránh phụ thuộc Trung Quốc

Đăng ngày: 09/03/2023

Trên công trường khai thác mỏ Cobalt ở Shabara gần Kolwezi, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 12/10/2022. AFP – JUNIOR KANNAH

Thu Hằng

Liên Hiệp Châu Âu đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và  thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Liên Âu và Cộng Hòa Dân Chủ Congo đàm phán một thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuỗi khoáng sản quý hiếm, trong đó có đồng và coban.

Hai bên dự kiến sớm thông báo một biên bản ghi nhớ « đôi bên cùng có lợi » và một lộ trình về những dự án hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực hiện giờ vẫn do Trung Quốc nắm giữ ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Thông tín viên RFI Patient Ligodi tại Kinshasa cho biết thêm :

« Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Liên Hiệp Châu Âu đã có một bước ngoặt được coi là « lịch sử » trong sản xuất công nghiệp và muốn củng cố chính sách cung ứng khoáng sản quý hiếm và chiến lược. Một thách thức khác là phải giảm phụ thuộc vào một số nước như Trung Quốc, nơi những quặng này đang được chế biến, theo nhiều nguồn tin của Liên Hiệp Châu Âu.

Thách thức cũng lớn đối với Cộng Hòa Dân Chủ Congo, quốc gia đang có tham vọng phát triển chuỗi giá trị tầm cỡ quốc gia và một thị trường cho ngành công nghiệp sản xuất pin, xe điện và các nguồn năng lượng tái tạo. Chiến lược này phù hợp với đề nghị của Liên Hiệp Châu Âu, theo bà Jutta Urpilainen, ủy viên châu Âu về Hợp tác Đối tác quốc tế.

Bà cho biết : « Chúng tôi muốn tạo giá trị tại CHDC Congo, giá trị gia tăng ở cấp quốc gia, chứ không chỉ xuất khẩu nhiên liệu của các vị sang Phần Lan, sang châu Âu, sau đó tinh chế chúng ở châu Âu ».

Theo bà, cách tiếp cận sẽ không giống với cách mà các đối tác khác đề xuất với CHDC Congo, như trường hợp Trung Quốc, dù bà không nêu đích danh. Bà nói tiếp : « Chúng tôi không muốn tạo ra lệ thuộc, chúng tôi cũng không muốn chủ nghĩa thực dân mới. Chúng tôi thực sự muốn tạo chuỗi giá trị quốc gia và chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi ».

Theo đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Kinshasa, CHDC Congo còn được hưởng lợi từ khả năng hỗ trợ sản xuất năng lượng xanh cho các ngành công nghiệp của nước này ».

Bài Liên Quan