Đăng ngày: 29/06/2023
Cuộc chiến giữa Ukraina và Nga vẫn diễn ra ác liệt và đẫm máu hàng ngày từ hơn một năm qua. Hiện nay, quân Ukraina đang phản công để giành lại phần đất bị Nga xâm chiếm. Vatican đang nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Kiev và Matxcơva, hy vọng sẽ giúp vãn hồi hòa bình.
Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Hồng Y Matteo Zuppi đã đến Matxcơva tối thứ ba 27/06/2023 và trên nguyên tắc sẽ được cố vấn ngoại giao của tổng thống Vladimir Putin tiếp. Trước đó, vào đầu tháng sáu, Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã đến Kiev trong một chuyến đi nhằm tìm kiếm cơ hội chấm dứt cuộc chiến.
Khi trở về, đúng vào lúc Đức Giáo hoàng Phanxicô phải nhập viện cho một cuộc phẫu thuật tầm soát ung thư, nên những kết quả chưa được chính thức công bố trong khi chờ đợi sự bình phục của Người đứng đầu Toà Thánh. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực được chính đương sự và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, cho biết. Và chính phía Nga cũng tỏ dấu tích cực về vai trò của Toà Thánh Vatican.
Vậy phải chăng có một kế hoạch hoà bình bí mật mà Đức giáo hoàng Phanxicô và Vatican đang thực hiện cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraina ? Mời quý vị theo dõi phần giải thích của linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Bỉ
Ngay từ đầu cuộc chiến, Đức giáo hoàng Phanxicô luôn tỏ cho thấy ngài sẵn sàng làm cầu nối hoà bình, nói rằng ngài sẵn sàng đi Maxcơva và Kiev, cũng như mời gọi mọi người cầu nguyện cho những nạn nhân và sự kết thúc của cuộc chiến trong những dịp như lễ Giáng Sinh, Năm Mới và Phục Sinh khi ngài xuất hiện ở quảng trường thánh Phêrô. Thực sự là tin đồn về “kế hoạch bí mật” bắt đầu lan truyền từ sau chuyến viếng thăm Hungary của Đức giáo hoàng Phanxicô. Trong cuộc họp báo “như thường lệ” trên chuyến bay trở về Roma, 30/04/2023, Đức giáo hoàng đã tuyên bố ngài cố gắng nắm bắt những dấu hiệu dù là nhỏ nhất để ngăn chặn chiến tranh:
“Hoà bình luôn được tạo ra bằng cách mở ra các kênh, không bao giờ có thể đạt được nếu đóng chúng lại. Tôi luôn mời các bạn mở ra các mối quan hệ, các kênh kết bạn. Điều này không dễ dàng.”
Trong chuyến viếng thăm Hungary, ngài đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Orban và giáo chủ Hilarion của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga.
Liệu Đức giáo hoàng Phanxicô có thể thực sự làm hạ nhiệt tiếng súng ở Ukraina ? Theo Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, “Toà Thánh có một cái nhìn mang tính phổ quát khác với các quốc gia khác và có một cách tiếp cận riêng để theo đuổi hoà bình”. Còn Đức giáo hoàng Phanxicô luôn bày tỏ ý muốn được đến Matxcơva và Kiev, “bởi ngài tin rằng việc phục vụ hoà bình chỉ có thể thực hiện, nếu ngài gặp được hai vị tổng thống, Vladimir Putin và Volodymir Zelensky.” Đây là viễn cảnh mà Đức giáo hoàng và Toà Thánh đang theo đuổi.
Đó không phải là ý kiến cá nhân nào, nhưng là tuyên ngôn của một quan điểm được Đức giáo hoàng và Tòa Thánh theo đuổi kể từ khi nổ ra cuộc xung đột đẫm máu ở châu Âu từ hơn một năm qua. Một quan điểm được hình thành từ những tuyên bố rõ ràng phản đối chiến tranh, những lời kêu gọi lặp đi lặp lại đối với tất cả những nhân vật chính của đời sống chính trị quốc tế nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến đối thoại và sự cởi mở hoàn toàn từ phía Toà Thánh, thậm chí coi mình là “sẵn sàng làm mọi thứ có thể”, trước tình trạng đóng cửa leo thang các vụ đánh bom, ủng hộ một con đường đối thoại và hợp tác hợp lý để “chấm dứt tình trạng huynh đệ tương tàn đang diễn ra ở Ukraina”.
Chuyến thăm Vatican của tổng thống Zelensky
Chiều thứ Bảy 13/05, tổng thống Volodymir Zelensky đã có cuộc viếng thăm bất ngờ và chóng vánh tới Vatican. Cuộc gặp giữa Đức giáo hoàng Phanxicô và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky chỉ kéo dài khoảng 40 phút. Tổng thống Zelensky đã cảm ơn về sự quan tâm theo cách riêng một cách đặc biệt của Đức Giáo hoàng tới tấn bi kịch của hàng triệu người Ukraina, và chính thức nhờ Đức giáo hoàng Phanxicô giúp hồi hương hàng chục ngàn trẻ em Ukraina bị đưa trái phép qua Nga. Ông đã yêu cầu việc lên án tội ác của Nga vì không có sự tương đương giữa kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược. Còn về một Công thức hoà bình, tổng thống Ukraina cho biết đang tìm kiếm như một giải pháp duy nhất để đạt tới một nền hoà bình công bằng (una pace giusta).
Về phần Đức giáo hoàng Phanxicô, ngài cảm ơn sự viếng thăm của tổng thống Zelensky và bảo đảm ngài vẫn cầu nguyện với Chúa cho nền hoà bình của Ukraina. Ngài cũng bảo đảm làm hết sức mình cho các vấn đề nhân đạo, nhất là trợ giúp những nạn nhân vô tội của cuộc chiến này.
Đây là lần thứ hai tổng thống Zelinsky viếng thăm Vatican, lần đầu là vào tháng 2 năm 2020, khi vừa đắc cử tổng thống. Lúc đó, ông và vợ đến chào Đức giáo hoàng trong bộ y phục complet và cravatte. Lần này, ông đến trong trang phục quân đội và được Đức giáo hoàng tiếp đón trong văn phòng của mình.
Sau cuộc hội kiến với Đức giáo hoàng, Tổng Thống Zelensky được ngoại trưởng Toà Thánh, đức tổng giám mục Paul Richard Gallagher tiếp đón (vì đức hồng y Quốc vụ khanh, Pietro Parolin, đang ở Fatima, Bồ Đào Nha).
Sứ mệnh hoà giải của đức hồng Y Matteo Zuppi ở Ukraina
Sau những tin đồn lan truyền, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố hôm 26/05 về việc Đức Hồng y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Giáo phận Bologna, được Đức giáo hoàng Phanxicô ủy thác nhiệm vụ giúp làm giảm căng thẳng trong chiến tranh giữa Nga và Ukraina, với sự cộng tác với Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Đức Hồng y Zuppi đã từng thi hành nhiệm vụ hòa giải tương tự trong hai trường hợp. Khi còn là linh mục thuộc Cộng đồng thánh Egidio ở Roma, ngài đã giúp làm trung gian hòa giải cuộc nội chiến ở Mozambique năm 1990. Lần thứ hai ngài giúp thương thuyết để lực lượng bán quân sự ETA ở xứ Basco đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha hạ võ khí. Cuộc thương thuyết lâu dài giữa ETA và chính phủ Tây Ban Nha kết thúc vào tháng Tư năm 2017, với quyết định đơn phương của ETA.
Khi sứ mệnh của đức hồng y Matteo Zuppi được công bố, Đức Tổng giám mục Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, đã đính chính tin “sẽ được gửi sang Matxcơva trong một sứ mệnh tương tự”.
Theo báo chí, đây thực sự là nhiệm vụ hết sức khó khăn và có thể nói là bất khả thi cho Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý. Trong khi những đòi hỏi của hai bên tham chiến đều không thể tìm thấy điểm chung. Phía Nga cho biết chỉ ngồi xuống thương thuyết khi Ukraina buông vũ khí và rút đơn gia nhập EU và NATO. Còn phía Ukraina phủ nhận chuyến đi này.
Cũng cần nhớ lại là trước cuộc chiến Vùng Vịnh (1991), Đức Gioan Phaolô II cũng đã gởi 2 đại diện là đức hồng y Pio Laghi đến Washington và đức hồng y Roger Etchegaray đến Baghdad, Irak, nhưng đã không ngăn chặn được cuộc chiến.
Các phản ứng trước chuyến đi
Vị đại diện Tòa thánh đến Kiev, nhưng không ai nghĩ đến sự thành công đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Truyền hình Telemundo bằng tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ, phát ngày 25/05, Đức giáo hoàng nói rằng Ukraina tuyên bố không cần những người trung gian, vì chính phủ nước này cảm thấy mình ở thế mạnh, nhờ Âu châu và Mỹ. Và nếu cần đến sự trung gian hòa bình của Toà Thánh, thì ông cũng xin với Đức Giáo hoàng tuân theo công thức hòa bình của Ukraina. Ông chỉ chính thức xin với Toà Thánh qua Đức giáo hoàng sự giúp đỡ về mặt nhân đạo, cụ thể là giúp hồi hương trẻ em Ukraina bị đưa sang Nga.
Còn về phía Nga, trước tin này, Ngoại trưởng Nga, Sergeij Lavrov cho biết: “ ghi nhận mong muốn chân thành của Toà Thánh là thúc đẩy tiến trình hoà bình”. Và “Matxcơva đánh giá tích cực sáng kiến hoà bình của Đức giáo hoàng”.
Về phần Ukraina, Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống ở Kiev, cho biết: Một hội nghị thượng đỉnh về hoà bình “là cần thiết” và nên được tổ chức “càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là vào tháng 7”. Cơ sở cho hội nghị thượng đỉnh này sẽ là “10 điểm của tổng thống Volodymyr Zelensky” nhưng “chúng tôi sẵn sàng lắng nghe tất cả những quốc gia tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi.”
Chuyến đi Kiev của Đức Hồng y Matteo Zuppi
Vị đại diện của Đức giáo hoàng đến Kiev trong hai ngày 5 và 6/06, trong khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt. Đập thuỷ điện Nova Kakhovka bị vỡ, nhấn chìm Kherson và gây ra nhiều hậu quả lâu dài không chỉ cho người dân miền Nam Ukraina, mà còn cho môi trường sống trong vùng.
Theo nhật báo công giáo Avvenire, trong hai ngày ở Kiev, Đức hồng y Matteo Zuppi đã có cuộc gặp với tổng thống Zelensky và cuộc gặp gỡ được đánh giá là tích cực. Với ý định mở ra một hành lang “ngoại giao nhân đạo” (diplomazia umanitaria) mà người đại diện Toà Thánh muốn cụ thể hóa ý tưởng làm trung gian cho cuộc đối thoại hoà bình từ những lời ngỏ của tổng thống Ukraina tại Vatican trước đó.
Hành lang “ngoại giao nhân đạo” này là việc phóng thích các tù binh và hồi hương trẻ em bị đưa sang Nga. Điều này cho thấy quan điểm mạnh mẽ từ phía Ukraina qua lời của ủy viên nhân quyền của Quốc Hội, Dmytro Lubinets trong cuộc gặp gỡ vào buổi tối ngày đầu tiên của chuyến đi, với vị đại diện Toà thánh, đức hồng y Zuppi và khâm sứ Toà Thánh tại Kiev, đức cha Visvaldas Kulbokas. “Ukraina phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình, vì đây là cơ chế (meccanismo) duy nhất để bảo vệ trẻ em!” và “chúng tôi không biết con số chính xác và không biết các trẻ đang ở đâu. Tuy nhiên, chúng tôi phải đưa các em về nhà và mỗi trường hợp là một câu chuyện về một chiến dịch đặc biệt”, Lubinets nhấn mạnh.
Sau ông Zelensky, đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk, người chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động nhân đạo. Họ đã thảo luận về “tình hình và các sáng kiến khả thi đối với trẻ em bị bắt cóc – phái đoàn Vatican giải thích – và nói chung là của tất cả trẻ em Ukraina ».
Khi về đến Vatican, ngài đã có buổi làm việc với đức hồng y Pietro Parolin, nhưng cả hai đều không có tuyên bố chính thức về kết quả của chuyến đi trong khi chờ đợi sự hồi phục sức khoẻ của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ từ phía Matxcơva. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, theo tường thuật của thông tấn xã TASS, ghi nhận “những nỗ lực tích cực của Vatican nhằm giúp chấm dứt xung đột ở Ukraina”.
Trong khi chờ đợi diễn biến, cả hai vị hồng y đã có những cuộc gặp khác nhau với giới báo chí và ở đó họ đã bày tỏ ít nhiều thông tin. Đức hồng y Zuppi, bên lề buổi giới thiệu sách “Il senso religioso” (Ý nghĩa tôn giáo) của Don Giussani, cho biết sứ mệnh của ngài “không phải là một sự hoà giải, mà là biểu hiện của sự quan tâm, gần gũi, lắng nghe, để cuộc xung đột tìm thấy con đường dẫn đến hoà bình.”
Ngày 10/6, gặp gỡ các nhà báo trước buổi khai mạc Hội nghị về tình Huynh đệ Nhân loại ở Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, cho biết bước tiếp theo trong sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi có thể là cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Kirill, Giáo chủ Chính Thống Giáo Nga. Với tiến trình hồi phục mau chóng về mặt sức khoẻ của Đức Giáo hoàng Phanxicô chúng ta sẽ biết được rõ hơn về hành lang “ngoại giao nhân đạo” mà Toà thánh đã thành công bước đầu từ Kiev.
RFI