Các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Jakarta, Indonesia, hôm 11/07/2023, với trọng tâm là khủng hoảng ở Miến Điện, một hồ sơ đang gây chia rẽ các nước thành viên.
Đăng ngày: 11/07/2023
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tháng 02/2021, lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, Miến Điện đã rơi vào khủng hoảng với các vụ bạo động gây chết người và những vụ đàn áp đẫm máu nhắm vào phe đối lập.
Miến Điện đã bị loại khỏi các cuộc họp cao cấp của ASEAN do chính quyền quân sự vẫn không thực hiện kế hoạch gọi là bản “đồng thuận 5 điểm” đạt được cách đây 2 năm, nhằm chặn đứng bạo lực và mở lại đàm phán để giải quyết khủng hoảng.
Các nỗ lực của ASEAN để thúc đẩy việc thực hiện “đồng thuận 5 điểm” vẫn không thành, trong khi tập đoàn quân sự Miến Điện vẫn phớt lờ những chỉ trích của quốc tế và từ chối mở đối thoại với phe đối lập.
Cho tới nay, các thành viên của ASEAN vẫn chưa nhất trí về việc có nên nối lại đối thoại với tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện hay không, cũng như bất đồng về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở nước này.
Theo hãng tin AFP, sự chia rẽ này được thể hiện qua bản dự thảo thông cáo chung, mà trong đó phần nói về Miến Điện bị bỏ trống, do các nước ASEAN cho tới nay chưa đạt được đồng thuận về một lập trường chung.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho AFP biết, trong những ngày trước cuộc họp ở Jakarta, đã có thêm những nỗ lực để cố đạt được đồng thuận về vấn đề Miến Điện, nhưng nhà ngoại giao này không mấy lạc quan về kết quả các cuộc thảo luận, do “một số nước thành viên có quan điểm rất khác biệt về cách thức giải quyết vấn đề”.
Sau khi họp trong hai ngày, đến 13/07, các ngoại trưởng Đông Nam Á sẽ có các cuộc họp ASEAN + 3, với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, trước khi diễn ra cuộc họp với đại diện 18 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.
Theo AFP, tuyên bố với báo chí hôm thứ Bảy 08/07, ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đặc trách Đông Á, cho biết Mỹ và các nước ASEAN sẽ tìm cách « đẩy lùi » các hành động của Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Bản dự thảo thông cáo chung của ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời ghi nhận là đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở vùng biển tranh chấp này đã có một “đà tiến tích cực”.