Ảnh hưởng của Nga tại châu Phi : 1/5 Di sản thời Liên Xô

Nhân hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai được tổ chức tại Saint Petersburg, Nga,  trong hai ngày 27 và 28/07/2023, RFI và France 24 có loạt bài làm rõ ảnh hưởng của Nga tại châu Phi. RFI Tiếng Việt giới thiệu.

Đăng ngày: 20/07/2023

Dưới sự lãnh đạo của Nikita Khrouchtchev, Liên  Xô đã tiến hành nhiều hợp tác với châu Phi.
Dưới sự lãnh đạo của Nikita Khrouchtchev, Liên Xô đã tiến hành nhiều hợp tác với châu Phi. © Studio graphique FMM

Đức Tâm

Bài đầu tiên (*) trong loạt bài về « Ảnh hưởng của Nga tại châu Phi » đưa chúng ta đi ngược thời gian, trở về thời Liên Xô trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Nikita Khrouchchev, bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trương ương đảng Cộng Sản Liên Xô, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết, đã nhanh chóng nhận ra rằng để ngăn chặn khối phương Tây, cần ủng hộ các nước châu Phi trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Luận điểm này do Nikita Khrouchtchev phát triển từ cuối những năm 1950, giờ đây được Matxcơva « dùng lại ». 

Trong một bài diễn văn hồi tháng 08/1961, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrouchtchev lên án những hành động của các thế lực đế quốc tại châu Phi. Ông tố cáo : « Chính các nước đế quốc đã tổ chức cuộc trấn áp đẫm máu những người yêu nước ở Congo, chính các nước này đã giết hại người anh hùng dân tộc Patrice Lumumba ».  

Dưới sự lãnh đạo của Khrouchtchev, Liên Xô đã tiến hành nhiều hợp tác với châu Phi. Bán ồ ạt vũ khí và huấn luyện quân sự, gửi chuyên gia, phát triển các cơ sở hạ tầng, cấp học bổng, rất nhiều sáng kiến và đa dạng. Hàng nghìn sinh viên tới học tại các trường đại học của Liên Xô.

« Hòa nhập với sinh viên Liên Xô »

Đối với một số người, thời gian học ở Liên Xô là một kinh nghiệm chua chát, khắc nghiệt, giữa phũ phàng và phân biệt chủng tộc, nhưng đó không phải là trường hợp của Louis-Patrice Ngagnon, được đi học ở Kiev trong những năm 1970. Ông cho RFI biết : « Chúng tôi đã được đào tạo rất, rất tốt. Đó thực sự là mối quan hệ hợp tác có lợi cho cả hai bên. Chúng tôi sang Liên Xô học trong những điều kiện thuận lợi nhất, bởi vì tất cả đều trong tầm tay của chúng tôi » và nhấn mạnh, « không có sự chia tách sinh viên. Chúng tôi hòa nhập với sinh viên Liên Xô và chúng tôi học cùng một chương trình ».

Kỹ sư người Congo này cho rằng kinh nghiệm đào tạo ở Liên Xô đã cho phép thế hệ của ông đào tạo thế hệ kế tiếp ở trong nước. Nếu như họ có được một trình độ nhất định khi hồi hương, thì không phải các sinh viên này đều trở thành một lực lượng cộng sản tiên phong, như Matxcơva hy vọng. Theo Tatiana Smirnova, nhà nhân chủng học, thuộc trung tâm FrancoPaix, đại học Québec, ở Montréal, đa số các nước vừa mới giành được độc lập đã « chơi » lá bài cạnh tranh giữa hai khối Đông-Tây.

Quan hệ phức tạp với Liên Xô

Chuyên gia Smirnova giải thích : « Cần nhấn mạnh là quan hệ giữa châu Phi và Liên Xô rất phức tạp, vượt ra bên ngoài hình ảnh đối đầu giữa hai khối Đông-Tây, giữa hai người Anh Cả tìm cách giúp đỡ các nước nghèo bị áp bức ». Các nước châu Phi không hài lòng chấp nhận đứng ở ngoại vi, mà ngược lại, bản thân họ rất năng động. « Lãnh đạo các nước châu Phi ít nhiều khai thác lá bài cạnh tranh giữa hai khối đối lập tùy theo cơ hội từng lúc ». Bà Smirnova đưa ra ví dụ Nigeria, « vào lúc đó, nước này đã khai thác rất tốt lá bài quan hệ với cả hai khối ».

Từ những năm 1980 trở đi, Liên Xô từng bước sụp đổ. Mối quan tâm đến châu Phi suy giảm. Nước Nga mới hầu như vắng bóng ở châu lục này cho đến những năm gần đây, khi giới lãnh đạo Nga dùng lại những lập luận có từ thời Liên Xô.

Bà Smirnova chỉ rõ : « Nước Nga giải phóng châu Phi khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây ; hiển nhiên, lập luận này được xây dựng trên cơ sở quá khứ Liên Xô », nhưng « không thể nói rằng mối quan hệ hiện nay giữa Nga và châu Phi được tạo dựng từ mạng lưới các sinh viên cũ », tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô trước đây. Diễn giải này giờ đây được chấp nhận trong một bộ phận công luận châu Phi bị cảm thấy hẫng hụt do thất bại của các tiến trình dân chủ tiến hành không chọn vẹn, kể từ khi thoát khỏi chiến tranh lạnh. 

(* Tác giả François Mazet)

Bài Liên Quan