Đại gia Nguyễn Cao Trí, trò ‘bắt cóc’ của an ninh và ‘cuộc đào tẩu bằng đường âm ty’…*

Saigon Nhỏ

Ông Nguyễn Cao Trí tại một talkshow trong năm 2020. Ảnh: Hoàng Phong/VNExpress

Thông tin ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn – Đại Ninh, bị bắt từ ngày 15 Tháng Giêng, vừa được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, công bố tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ Tháng Bảy, nhưng diễn ra vào ngày 5 Tháng Tám.

Sau gần 7 tháng âm thầm tạm giữ ông Trí, giờ công an mới công bố thiên hạ, trong khi đó nhiều nguồn tin trên mạng xã hội đã đoán được sự việc sau khi công an “úp sọt” ông Trí vài ngày.

Việc công bố tin trên, lại một lần nữa cho thấy cách hành xử của Bộ Công an có gì đó mờ ám, khuất tất. Bởi vì nếu tin vào lời giải trình lý do bắt ông Trí của ông Tô Ân Xô, người ta thấy rằng việc bắt giữ này chẳng có gì phải giấu diếm suốt gần 7 tháng cả.

Báo chí trích lời ông Xô, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Công ty An Đông (Vạn Thịnh Phát), cơ quan CSĐT phát hiện bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có quan hệ làm ăn, đầu tư với Nguyễn Cao Trí. Bà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Nguyễn Cao Trí hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh.

Nhưng khi Trương Mỹ Lan bị bắt, Nguyễn Cao Trí nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bà Lan đã chuyển cho Trí. Ông Xô nói “Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy toàn bộ giấy tờ, chứng cứ Lan chuyển 40 triệu USD với mục đích chiếm toàn bộ số tiền trên”.

Ông Xô cho biết tại cơ quan điều tra, “Nguyễn Cao Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt”. Cơ quan CSĐT cũng đã kê biên, phong tỏa tài sản của Trí để bảo đảm thu hồi tài sản cho vụ án.

Một tài khoản trên mạng xã hội tên X.O. nhận định rằng “thường những vụ án như thế này, công an sẽ làm rùm beng lên để phô trương thanh thế ngay lúc khám xét nhà nghi phạm, đọc lệnh tạm giam nghi phạm để điều tra. Đằng này Bộ Công an lại chọn thái độ im lặng, y như bọn mafia, cho đến khi ‘moi hết ruột gan’ ông Trí được rồi mới công bố sự việc. Điều này cho thấy vụ này còn có dính đến nhiều tay gạo cội đáng gờm khác”.

Một tài khoản khác tên B.C. viết: “Vụ này làm tôi nhớ đến hai vụ ‘bắt cóc’ khác do an ninh Việt Nam thực hiện trong quá khứ, một ở Đức và một ở Thái Lan. Trong chế độ độc tài, cách hành xử này rất hay được xử dụng”.

Ông Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa ngày 3 Tháng Hai năm 2018. Ông bị an ninh Việt Nam cử người qua Đức “bắt cóc” về nước – Ảnh: VNExpress

Ông Nguyễn Cao Trí là ai mà an ninh phải ‘bắt cóc’?

Về mặt nổi, theo báo chí đưa tin, thì ông Trí là một doanh nhân, từng đảm nhiệm chức vụ tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành như Giám đốc đầu tư tại Bến Thành Tourist, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Địa ốc Bến Thành.

Năm 2015, Địa ốc Bến Thành đổi tên thành Capella Holdings, ông Trí giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Doanh nghiệp này hoạt động trong hai mảng chính là bất động sản và F&B.

Ông Trí bắt đầu tham gia Hội đồng quản trị SaigonBank từ tháng 10/2019. Tháng 6/2021, ông mua vào gần 580.000 cổ phiếu SGB – tương đương 0,19% vốn điều lệ ngân hàng.

Hồi Tháng Giêng, SaigonBank cho biết ông Trí “đương nhiên mất tư cách” thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng từ ngày 19/1.

Quyết định cách chức ông Nguyễn Cao Trí của SaigonBank

Dư luận lúc đầu rất ngạc nhiên với cách dùng từ “đương nhiên mất tư cách” một cách bí ẩn này. Có lẽ bên an ninh gởi cho Hội đồng quản trị SaigonBank một mật thư vỏn vẹn chỉ một dòng ngắn gọn, bắt họ phải làm theo, đại loại như: “Cách chức ông Trí ra khỏi các chức vụ, và im miệng”.

Thế thì “bố thằng nào dám nói!”

Chẳng “thằng nào dám nói” chính thức nên dư luận phải tự điều ra, và tìm được nhiều điều mờ ám trong vụ mất tích bí ẩn này. Chỉ vài ngày sau, dù bên an ninh có dán băng keo một số nhân vật, công ty có liên quan đến ông Trí, mạng xã hội bắt đầu úp mở về nhiều giả thiết quanh vấn đề này.

Tuy nhiên, do luật an ninh mạng được thực hiện gay gắt, sẵn sàng “chụp mũ” bất cứ ai hó hé về chuyện “an ninh quốc gia”, nên dân mạng trong nước cũng chỉ bàn tán “mấp mé bờ dậu” thôi, chứ họ không dám vượt qua “làn ranh đỏ” để “rước họa vào thân”.

Họ chờ sự phân tích của các Facebooker bên ngoài “bức tường sắt”. Một trong số rất ít Facebooker dư luận trong nước tin tưởng là Bùi Thanh Hiếu.

Chỉ một ngày sau khi SaigonBank cách chức ông Trí, Bùi Thanh Hiếu đã dự đoán ông Trí có khả năng cao là bị bắt để điều tra về vụ án Vạn Thịnh Phát, nhất là có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan (đã bị bắt trước đó).

Ông Nguyễn Cao Trí sở hữu doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, tập đoàn kinh doanh chuỗi nhà hàng, tiệc cưới, quán bar sang trọng ở Sài Gòn… cùng nhiều công ty có liên quan khác. Ông bị công an “bắt cóc” và trung tuần Tháng Giêng, và đến Tháng Tám mới được Bộ Công an thông báo chính thức lạ bị tạm giam về cáo buộc chiếm đoạt 40 triệu USD do bà Trương Mỹ Lan chuyển mua bán dự án – Ảnh: Tuổi Trẻ

Đến ngày 21 Tháng Giêng, trên trang Facebook Hậu cung đình (một trang của Facebooker Bùi Thanh Hiếu), có bài phân tích về việc ông Trí bị bắt. Xin trích:

“Ông Trí có quan hệ mật thiết với ông Trương Tấn Sang, Trương Hòa Bình, Nguyễn Công Khế, Donlam… quan sát thành công nhanh chóng của ông Trí trong nhiều năm qua, nhất là những vụ thâu tóm đất vàng ở TP. HCM dễ dàng với giá bèo bọt, đều có bóng dáng của ông Trương Tấn Sang. Ông Trí cũng nhiều lần tháp tùng ông Sang đi khắp nơi trên danh nghĩa ủng hộ từ thiện. Thực ra đó là cách ông Tư Sang và ông Trương Hoà Bình giới thiệu ông Trí là đệ tử thân cận của mình.

Giám đốc công an TP. HCM Lê Hồng Nam hiện nay vốn từng là cục trưởng C03, vào năm 2018 khi mà hầu hết những doanh nghiệp sân sau của cánh ông Tư Sang, Phúc không ưa đã bị đẩy vào tù, ông Nam được chuyển về làm giám đốc công an tỉnh Long An. Tức phía ông Trọng đã dùng xong quân của ông Phúc, Tư Sang diệt các nhóm khác, họ trả ông Nam về lại cho các ông Trương Tấn Sang và Trương Hoà Bình. Trước khi ông Trương Hòa Bình về hưu, năm 2022 ông đã đòi hỏi phải đưa ông Nam về làm giám đốc CA TP. HCM với mục đích che đỡ cho các doanh nghiệp sân sau của nhóm mình.

Đấy cũng là lý do tại sao việc Bộ công an bắt bà Trương Mỹ Lan lại xảy ra rất đột ngột, khi mà bà Lan còn đang trong phòng ngủ, cũng chính là lý do vì sao bắt Nguyễn Cao Trí ra ngoài Hà Nội. Nghe tin Trí bị bắt, Trương Tấn Sang đã bay gấp ra Hà Nội để tìm cách can thiệp. Vào ngày 12, 13 (Tháng Giêng) ông Sang đòi gặp ông Tô Lâm, ông Trọng nhưng không được tiếp. Đây cũng là lý do mà ông Phúc phải về trước Tết, lẽ ra ông Phúc sẽ về giữa năm sau hoặc còn có thể xem xét, cân nhắc. Nhưng phe ông Trọng nhận thấy nếu không để ông Phúc về sớm nhanh, nhân dịp chúc lễ tết, các ông Sang, Trương Hoà Bình sẽ cấu kết với ông Phúc và nhóm này có cơ hội gặp mặt bàn bạc và tác động đến các lãnh đạo cao cấp về hưu, gây áp lực cản trở việc truy vết nguồn tiền Vạn Thịnh Phát. Ông Trọng và phe Nghệ An đã quyết định giải quyết ông Phúc ngay trước Tết nhằm tước đi cơ hội để các ông Phúc, Sang, Bình lật thế cờ.

Ông Phúc cũng lường được việc phải về vì vụ Việt Á, nhưng ông bất ngờ không nghĩ phải ra đi trước tết có mấy ngày!!! Quyết định ông Phúc phải về gấp như vậy, cũng tại sự năng nổ, đi lại đòi hỏi của ông Trương Tấn Sang cứu người của mình.

Việc bắt bất ngờ bà Trương Mỹ Lan và bắt Nguyễn Cao Trí ngoài Hà Nội, cho thấy Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (thực chất là ông Trọng và phe Nghệ An) có cảnh giác trước những thế lực trong Nam còn chịu ảnh hưởng của các ông Tư Sang, Trương Hòa Bình”. (Hết trích)

Chẳng ai biết được nguồn tin trang Hậu cung đình cung cấp có mức độ khả tin như thế nào. Tuy nhiên, dư luận trong nước rất tin tưởng vào sự phân tích này. “Công an càng im lặng, chúng tôi càng tin vào sự phân tích của anh Hiếu và trang Hậu cung đình”, một người chia sẻ như thế trên Facebook.

“Đào tẩu bằng đường âm ty”*

Ngày 4 Tháng Ba, báo chí loan tin ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, đột nhiên bị đột quỵ. Ông được người nhà gọi xe cấp cứu đựa vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Sài Gòn). Tuy nhiên, bệnh nhân được xác định đã ngưng thở trước khi nhập viện.

Tin này gây chấn động dư luận, vì chẳng ai tin ông Minh đang khỏe mạnh bỗng nhiên chuyển qua từ trần như thế. Bên an ninh cũng bối rối, vì họ chưa kịp “bắt cóc” thì ông Minh đã “đào tẩu bằng đường âm ty” mất rồi.

Ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, người “đào tẩu bằng đường âm ty” thành công vào Tháng Ba, 2023 – Ảnh: Thanh Niên

Chắc ông Minh nghĩ chỉ có “đào tẩu” xuống đó mới thoát khỏi cuộc truy lùng của công an thôi, chứ đi nước nào cũng bị lôi về. Người nhà ông Minh bị nghi ngờ đã giúp ông Minh thực hiện cuộc “đào tẩu” này theo yêu cầu của ông ấy. Chỉ có thể, gia đình mới giữ lại được toàn bộ tài sản, tiền bạc mà ông đã kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng sinh mạng của… người khác!

Thế thì tại sao ông Minh lại muốn chết?

Chẳng có ai can đảm xuống “âm ty” gặp ông Minh để hỏi cho ra lẽ, bên công an thì chẳng biết nói gì, thế nên họ lại tự phân tích, hay dựa vào phân tích của người mà họ tin cậy.

Giữa Tháng Ba, trang Facebook Hiếu Bùi Berlin (cũng của Bùi Thanh Hiếu) phân tích về mối quan hệ giữa ông Minh và Trí. Theo đó, Minh và Trí “thờ chung chúa Trương” (Tấn Sang).

Ông Sang tuy lúc đó đã về hưu rồi nhưng còn một số “gốc” bự đương chức, trong đó có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (hồi đó). Ông Bình là đàn em ruột của ông Sang. Năm 2021, ông Bình nghe lời đàn anh, sai ông Minh thanh tra dự án Đại Ninh 25.000 tỷ đồng rồi ra “đòn gió” đòi thu hồi. Sau đó, ông Minh ép họ phải nhượng lại cho đại gia Nguyễn Cao Trí với giá rẻ mạt, nếu không thì cũng mất sạch, chẳng còn đồng nào.

Ông Trương Hòa Bình (phải) đến chúc tết ông Trương Tấn Sang (trái) trong dịp Tết nguyên đán 2020 – Ảnh: Thông tin Chính phủ

Đến khi ông Trí bị bắt, Minh thấy con đường vào chung phòng với Trí chẳng còn xa. Viễn cảnh đó khiến ông ta lo sợ vì lúc đó thì bao nhiêu công sức “cúc cung tận tụy” phục vụ cho hai đại ca Sang và Bình bao nhiêu năm nay bỗng chốc tiêu tan, tài sản bị cướp lại, “danh dự” gia đình bị chà đạp, con cái đã mang tiếng lại không có tiền, gia đình tan tác,…

Hiếu Bùi Berlin cho rằng, rút kinh nghiệm từ cái kết của những kẻ tham nhũng trước, ông Minh chọn ra đi tại nhà sau khi đã sắp xếp mọi thứ.

Ông Minh không phải là người duy nhất chọn cách “đào tẩu” như thế. Vẫn theo Hiếu Bùi Berlin, trong quá trình điều tra nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát chảy đi đâu, một số bị cáo liên quan đều ra đi bất thình lình. Trừ Nguyễn Phương Hồng bị chết trong tù thì số còn lại đều tự kết liễu trước khi cơ quan điều tra tìm đến.

Những cuộc “đào tẩu” bất thường này khiến việc điều tra của cơ quan an ninh trở nên khó khăn. Họ chỉ biết chửi đổng: “Chỉ có thằng hèn mới chọn cái chết đó!”, nhưng có người lại cho rằng không có thằng hèn nào dám chọn con đường đó cả.

Thế thì họ “hèn” hay “anh hùng”?

* “Đào tẩu bằng đường âm ty”: Chữ của Facebooker Hiếu Bùi Berlin

Bài Liên Quan