Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Một 2019
Đài Loan, Tây Tạng và những quốc gia không tồn tại
David Robson
Khi tôi nhìn thấy Nick Middleton lần đầu tiên, ông đang đứng giữa những mô hình địa cầu cũng như bản đồ của những nơi xa lạ nhất trên hành tinh.
Chúng tôi ở trong căn hầm ở Stanford, tiệm sách du lịch lớn nhất London, từng được những nhà khám phá lừng danh ghé thăm như Florence Nightingale, Ernest Shackleton và Ranulph Fiennes.
Tuy nhiên, Middleton có mặt để nói đến những quốc gia vắng mặt khỏi hầu hết các cuốn sách và bản đồ được bán ở đây.
Ông gọi đây là “những quốc gia không tồn tại”.
Dù có những cái tên mới nghe tưởng như hư cấu, như Atlantium, Christiania, và Elgaland-Vargaland, nhưng chúng đều là những nơi có thật, với những cư dân ái quốc.
Trên thực tế, có lẽ bạn chưa bao giờ đến thăm một nơi như vậy.
Trái Đất đầy những vùng nhỏ nhỏ (nhưng không phải là quá nhỏ) có đầy đủ những đặc điểm của một quốc gia – dân số, chính phủ, quốc kỳ và tiền tệ riêng. Một số nước còn có thể phát hành hộ chiếu loại hiện đại, có chứa dữ liệu sinh học.
Thế nhưng vì những lý do khác nhau, những nơi này không được phép có đại diện ở Liên Hiệp Quốc, và không được hầu hết các bản đồ thế giới ghi nhận.
Middleton, một nhà địa lý học từ Đại học Oxford, đã ghi lại những vùng đất như vậy trong cuốn sách mới của mình, ‘An Atlas of Countries that Don’t Exist (Macmilan, 2015).
Lật qua những trang sách này, bạn sẽ của thấy như mình đã tiến vào một thế giới tồn tại song song, với một lịch sử và nền văn hoá phong phú, lâu đời.
Thế giới không được ghi nhận này thậm chí còn có cả liên đoàn bóng đá quốc tế của riêng mình.
Những quốc gia không được thừa nhận
Hành trình của Middleton bắt đầu với xứ ‘Narnia’.
Ông đã đọc cuốn “The Lion, The Witch, and The Wadrobe” cùng với cô con gái sáu tuổi của mình.
Đọc đến đoạn nhân vật nữ chính, Lucy, bước qua mớ áo lông thú trong tủ để đi vào một thế giới thần tiên, Middleton đã bị cuốn hút kỳ lạ.
Là một nhà địa lý học, ông nhận ra rằng con người không cần sử dụng phép thuật mới đến được một quốc gia “không tồn tại” trong mắt hầu hết những quốc gia khác.
Tuy nhiên ngay cả khi đó, ông cũng không biết rằng những vùng đất như vậy xuất hiện ở khắp nơi.
“Một khi bắt đầu tìm kiếm, tôi ngạc nhiên khi nhận ra những nơi như vậy nhiều đến thế nào, đủ để cuốn sách của tôi có thể dầy thêm vài lần nữa.”
Vấn đề ở đây, ông nói, là chúng ta vẫn chưa chắc chắn được định nghĩa về một quốc gia là gì.
“Là một nhà địa lý học, điều này khiến tôi cảm thấy chấn động,” ông nói.
Một số người dẫn chiếu tới một hiệp ước được ký vào năm 1933, trong thời gian diễn ra Hội nghị Quốc tế các Quốc gia châu Mỹ tại Montevideo, Uruguay.
Theo Công ước Montevideo, để trở thành một quốc gia, một vùng lãnh thổ cần có các đặc điểm sau: “Lãnh thổ được xác định rõ ràng, có cư dân ổn định, có chính phủ”, và “khả năng mở quan hệ với các quốc gia khác”.
Tuy vậy, nhiều nước đáp ứng đủ các tiêu chí này lại không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc, điều vốn được thừa nhận chung như dấu ấn chung cuộc để xác định tư cách quốc gia của nước đó.
Hãy xem xét trường hợp Đài Loan: họ vốn từng giữ một ghế tại Đại Hội Đồng cho đến năm 1971 cho đến khi bị Trung Hoa đại lục chiếm chỗ.
Ngay cả Anh Quốc (United Kingdom) là một trường hợp kỳ lạ, Middleton nói.
Theo luật của Anh Quốc thì Anh (England), Scotland, Wales và Bắc Ireland được xem là các nước riêng lẻ.
Các nước này có những đội bóng riêng và thậm chí còn thi đấu với nhau – nhưng tất cả lại chỉ có một ghế ở Liên Hiệp Quốc.
“Vậy Anh có phải là một quốc gia không? Nếu dựa theo tiêu chí này thì câu trả lời là không,” Middleton nói.
Cuối cùng, Anh và Scotland không được liệt vào các trang trong bản đồ của ông.
Trong danh sách đã rút gọn của mình, Middleton tập trung vào những quốc gia hội tụ đủ các điều kiện của Công ước Montevideo, với lãnh thổ được xác định rõ ràng, có cư dân, chính phủ, nhưng không có đại diện tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc.
Nhiều cái tên sẽ khá quen thuộc với những ai theo dõi tin tức: các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Tây Tạng, Greenland, Bắc Cyprus.
Có những cái tên khác kém nổi tiếng hơn, nhưng không có nghĩa kém quan trọng hơn.
Middleton thảo luận về những trường hợp người bản xứ hy vọng sẽ giành lại được chủ quyền.
Cộng hoà Lakotah
Một trong những trường hợp có lịch sử xáo trộn nhất là Cộng hoà Lakotah, với dân số 100.000 người.
Nằm ngay ở trung tâm của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, nước cộng hoà này đang tìm cách giành quyền chủ quyền đối với đồi thiêng Black Hills cho bộ lạc Lakota Sioux.
Thẩm phán Hoa Kỳ đã phán xét rằng đây là một vụ “không có một vụ nào thiếu trung thực hơn vụ này trong lịch sử của chúng ta”.
Cảnh ngộ thê lương của họ bắt đầu vào thế kỷ 18, và đến năm 1868, họ đã ký được một thoả thuận với chính phủ Hoa Kỳ, trong đó hứa cho họ quyền được sống ở Black Hills.
Tuy nhiên, họ đã không được xét đến khi làn sóng đào vàng xuất hiện – chính phủ mau chóng quên đi thoả thuận đã có, trong lúc dân đào vàng đổ đến vùng đất thiêng này.
Bộ lạc Lakota đã phải đợi hơn một thế kỷ để nhận một lời xin lỗi, khi vào năm 1998, một thẩm phán Toà Tối cao kết luận rằng: “không có một vụ nào thiếu trung thực hơn vụ này trong lịch sử của chúng ta”.
Toà sau đó quyết định bồi thường cho bộ lạc Lakota Sioux gần 600 triệu đôla, nhưng họ đã từ chối nhận tiền.
“Họ nói ‘nếu chúng tôi nhận tiền thì không khác nào nói rằng tội ác đó là không sao cả’,” Middleton nói.
Thay vào đó, vào năm 2007, một đoàn đại biểu của bộ lạc đã đến Washington để tuyên bố tách khỏi Hoa Kỳ, và họ tiếp tục cuộc chiến pháp lý để giành quyền độc lập.
Những cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ
Các cuộc chiến pháp lý tương tự cũng đang diễn ra ở khắp nơi.
Một trong các trường hợp này là Barotseland, một vương quốc châu Phi với dân số khoảng 3,5 triệu người, đang tìm cách tách khỏi Zambia, hay như Ogoniland, vốn đang tìm cách tách khỏi Nigeria; cả hai vùng lãnh thổ này đã tuyên bố độc lập vào năm 2012.
Trong khi đó, tại Úc, Cộng hoà Murrawarri được thành lập vào năm 2013, sau khi bộ lạc bản xứ viết thư gửi Nữ Hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, yêu cầu Nữ Hoàng chứng minh tính chính danh của mình trong việc có quyền cai quản vùng đất của họ.
Họ đã cho bà 30 ngày để trả lời, nhưng không nhận được gì ngoài sự im lặng. Sau đó, họ đã chính thức tuyên bố quyền được cai trị vùng đất tổ tiên họ đã sinh sống từ thời xa xưa.
Không phải nước nào trong sách của Middleton cũng có bề dày lịch sử.
Thay vào đó, nó được thành lập bởi những cá nhân hy vọng có thể lập nên một quốc gia mới và công bằng hơn.
Middleton dẫn trường hợp Hutt River, ở Úc, một ‘lãnh địa’ nhỏ do một gia đình nông dân lập nên với hy vọng có thể thoát khỏi hạn ngạch ngặt nghèo của chính phủ.
Họ sau đó đã nghĩ ra các danh hiệu hoàng gia, tiền tệ và dịch vụ bưu điện của riêng mình.
“Họ có công việc kinh doanh bưu điện rất tốt”, Middleton nói (tuy dịch vụ bưu chính của họ ban đầu phải được chuyển qua ngả Canada).
Sau một thập niên đấu tranh, chính phủ đã phải bỏ cuộc và gia đình này không còn phải trả thuế Úc nữa.
Ở châu Âu, bạn có thể tìm thấy Forvik, một hòn đảo nhỏ được dựng lên bởi một người đàn ông Anh từ Kent nhằm cổ suý cho sự minh bạch trong công tác quản trị.
Christiania là một vùng đất nhỏ nằm ở chính giữa Copenhagen, được thành lập bởi một nhóm người trên trại lính cũ vào năm 1971.
Vào ngày 26/9 năm đó, họ tuyên bố độc lập, với ‘nền dân chủ trực tiếp’ của riêng mình, nơi mà bất cứ người dân nào (hiện dân số nơi đây là 850 người) cũng có thể bỏ phiếu đối với bất cứ vấn đề quan trọng nào.
Cho đến nay, chính phủ Đan Mạch đã ngó lơ trước nhiều hoạt động tại đây, ví dụ như việc hút cần sa là hợp pháp tại Christiania, nhưng lại bị quy là phạm pháp ở những nơi khác tại Đan Mạch.
Bất chấp những ví dụ này, Middleton vẫn không muốn tự lập một quốc gia mới.
“Sau khi đọc qua nhiều câu chuyện nghiêm túc về sự khát khao và sự đàn áp, tôi không nghĩ rằng nên xem thường điều này,” ông nói.
“Đối với nhiều người, đây là chuyện sống còn.”
Bất chấp nỗ lực của họ, ông nghi rằng chỉ rất ít trong số này sẽ được thừa nhận rộng rãi.
“Nếu phải chọn, tôi sẽ cho rằng Greenland có nhiều cơ hội,” ông nói.
Nơi này đã được Đan Mạch trao quyền tự trị – vốn thường được xem là tiền đề để dẫn đến sự công nhận chính thức.
Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể định nghĩa một đất nước là như thế nào, và vì vậy, liệu chúng ta có nên xem lại toàn bộ khái niệm của những quốc gia?
Middleton dẫn trường hợp Antartica, một lục địa mà cộng đồng quốc tế chia sẻ một cách hoà bình, là dấu hiệu cho thấy chúng ta không cần phải chia năm sẻ bảy một vùng đất như thể nó là một miếng bánh pizza.
Có lẽ đây chỉ là sự bắt đầu.
Quốc gia ‘phi lãnh thổ’ và quốc gia của những vùng vô chủ
Những trang cuối trong tập bản đồ của Middleton bao gồm hai ví dụ nổi bật khiến chúng ta đặt nghi vấn trước từ ‘quốc gia’.
Hãy xem xét trường hợp Atlantium.
Thủ đô của nó, Concordia, được đặt trên một tỉnh hẻo lánh ở vùng nông thôn của Úc, nơi cư dân chủ yếu là kangaroo thay vì con người.
Atlantium là một nơi ‘phi lãnh thổ’, có nghĩa là bất cứ ai, ở bất cứ đâu, cũng có thể trở thành công dân.
Như nội dung viết trên trang web của nơi này:
“Trong thời đại mà con người ngày càng gắn kết với nhau bởi những nguyện vọng và lợi ích chung trải khắp, thay vì chỉ giới hạn bên trong, những đường biên giới truyền thống của một quốc gia, Atlantium mang lại một sự lựa chọn khác, thay vì những sự phân biệt quốc gia dựa trên nơi mà người đó được sinh ra.”
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến Elgaland-Vargaland, vốn là ý tưởng của hai nghệ sỹ Thuỵ Điển, và nó bao gồm tất cả những vùng đất vô chủ dọc khắp thế giới, bao gồm những vùng đất đánh dấu biên giới giữa các quốc gia và tất cả vùng biển bên ngoài hải phận của các nước.
Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ khi nào ra nước ngoài, bạn đã băng qua Elgaland-Vargaland.
Trên thực tế, trong tất cả những nước mà Middleton đã xem xét, đây là nơi gần nhất với xứ Narnia – vì các nghệ sỹ cho rằng bất cứ khi nào bạn rơi vào một giấc mơ, hoặc thả cho tâm trí của mình bay bổng, bạn đã băng qua biên giới và đã lên đường bước vào xứ Elgaland-Vargaland.
Atlantium và Elgaland-Vargaland, có lẽ là khó để được phần lớn chúng ta xem xét một cách nghiêm túc.
Middleton tỏ ra ngưỡng mộ chúng vì đã nỗ lực mở ra một cuộc thảo luận sâu rộng hơn về các mối quan hệ quốc tế.
“Chúng chỉ ra khả năng rằng tất cả những quốc gia mà chúng ta biết không phải là nền tảng chính danh duy nhất để quy định trật tự của hành tinh,” ông viết trong cuốn sách của mình.
Một điều rõ ràng là thế giới này thay đổi liên tục.
“Không ai ở thời của tôi có thể nghĩ rằng Liên Xô sẽ tan rã – có những sự thay đổi bất ngờ có thể xảy ra,” ông nói.
“Những quốc gia mới sẽ luôn luôn ra đời, trong khi những quốc gia cũ biến mất.”
“Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, tất cả những vùng lãnh thổ mà chúng ta biết ngày nay rốt cuộc sẽ trở thành những quốc gia mà hiện lúc này chưa không tồn tại.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.