Trung Đoàn 51 Biệt Lập và anh Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương nơi chiến trận
Aug 1, 2020 cập nhật lần cuối Aug 1, 2020
Văn Lan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – “Khi vào trường Võ Bị Đà Lạt, sau thời gian huấn nhục và học thêm những phần văn hóa lịch sử, tôi thấy lòng yêu nước thêm dạt dào, lúc bấy giờ Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu mở nhiều đợt tấn công, chiến sự bắt đầu xảy ra ở nhiều nơi trên khắp miền Nam,” cựu Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương nhớ lại.
Cũng như bao người trai thời loạn, hình ảnh những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa oai hùng trong những trận đánh dũng mãnh trên chiến trường đã làm nức lòng bao chàng trai, càng thôi thúc ước mơ lên đường ra mặt trận của họ. Chàng trai Chiêu Vĩnh Trương không ngoại lệ!
Bỏ trường Luật vì mê Võ Bị Đà Lạt
Ngồi tại nhà ở Santa Ana kể về thời nhỏ tuổi của mình, ông Trương cho biết ông quê Châu Đốc, cựu học sinh trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc. Gia đình thuộc diện trung lưu thời bấy giờ khi cha của ông làm y tá ở bệnh viện Sài Gòn năm 1949, sau đó đổi về An Giang để gần gia đình.
“Lúc hơn 10 tuổi, tôi cũng biết ít nhiều về phong trào Cộng Sản nhưng lúc đó chúng chưa lộ diện, chỉ mới là phong trào Việt Minh lấy danh nghĩa đánh Tây cứu nước. Học hết Tú Tài toàn phần, năm 1963 tôi lên Sài Gòn học Đại Học Luật Khoa, nhưng thấy người sinh viên sĩ quan Đà Lạt oai hùng quá, tôi cùng vài người bạn rủ nhau thi vào trường Võ Bị Đà Lạt Khóa 22 năm 1965,” ông kể.
Ra trường Tháng Mười Hai, 1967, với cấp bậc thiếu úy, ông Trương về ngay Trung Đoàn 51 Biệt Lập, do Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Trương Tấn Thục chỉ huy, bản doanh đóng tại Đà Nẵng với bốn tiểu đoàn. Thiếu Úy Trương thuộc Tiểu Đoàn 2 đóng ở Bồ Mưng, Thanh Quít thuộc quận Điện Bàn, cách Đà Nẵng khoảng 4 cây số, đều là hang ổ của Việt Cộng.
Dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Đức, tiểu đoàn trưởng, Thiếu Úy Trương được phân công là trung đội trưởng Trung Đội 1. Bộ chỉ huy đóng trên ngọn đồi, nhìn xuống dưới làng là khu ấp chiến lược, ngày nào trung đội cũng có người đi tuần tiễu xung quanh vì không biết ai là Việt Cộng, do Việt Cộng ở lẫn lộn với dân khắp nơi.
“Đã có mấy lần chúng tôi đụng độ trong làng, khi Tiểu Đoàn 2 đánh vô sào huyệt của chúng, dưới hầm có cả kho gạo, súng ống và máy đánh chữ. Đấy là nơi có bộ chỉ huy của chúng ẩn nấp, tất cả quân lính đều rất nhỏ tuổi, thuộc Tiểu Đoàn 307 Bắc Việt,” ông Trương cho biết.
Ông cho hay, từ Đại Lộc, Quảng Đức, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Hội An, Thường Đức, Nông Sơn, nơi nào cũng đều có Cộng Sản Bắc Việt trà trộn. “Đặc biệt là hai mật khu Phong Thử, Phù Kỳ là nơi khá giả trồng dâu nuôi tằm, người dân giàu có nhà ngói, nên bọn chúng bám chặt vào đó để kiếm chỗ dựa về mặt kinh tế cũng như làm bình phong che đậy cho những hoạt động bí mật,” ông nói.
Là thiếu úy trung đội trưởng, ông Trương thường đi hành quân trong vùng, nơi có những đơn vị Địa Phương Quân giữ an ninh và nhất là ở những vị trí cầu, đường giao thông là những nơi Việt Cộng hay phá hoại. Lúc đó Việt Cộng đã hình thành Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, dưới sự chỉ huy của Cộng Sản Bắc Việt, chuyên phá hoại, khiến cuộc sống người dân đầy lo sợ, không biết gia đình mình và người thân sẽ bị thủ tiêu bất cứ lúc nào, nếu không chịu ủng hộ.
“Với trách nhiệm thám sát tuần tiễu và trong những cuộc hành quân, sau khi tôi đổi về Vĩnh Điện, thường nghỉ dưỡng quân cách đó khoảng 2 cây số, mỗi đơn vị khi thay nhau tuần tra trong làng, ban đêm anh em đi tuần tiễu hoặc dừng quân, tôi hay cho trung đội gài mìn claymore chung quanh để đề phòng quân địch tập kích đánh lén,” ông kể.
Ông cho hay: “Trong chiến trường khốc liệt bom rơi đạn lạc, không biết lúc nào thần chết sẽ chọn ai, mỗi lần hành quân đều có thương vong, khi thì đạp loại mìn M14 sẽ khiến người lính bị cụt chân, khi thì Việt Cộng phục kích bắn, thương nhất là những anh em trẻ mới ra trường, khoảng tháng sau đã hy sinh. Nhưng phải nói anh em binh sĩ rất thương nhau, bảo vệ che chở cho nhau rất nhiều trong chiến trường, lúc đó bọn Cộng Sản Bắc Việt ráo riết chuẩn bị cho tổng tấn công miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968.”
Đụng độ Sư Đoàn Sao Vàng Cộng Sản Bắc Việt
Tháng Mười, 1971, Thiếu Úy Trương và Trung Đội 1 đóng quân ở Điện Bàn, bộ chỉ huy cũng đóng ở gần đó; nằm cách khoảng 500 mét là Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 51 Biệt Lập, Thiếu Tá Vọng là tiểu đoàn trưởng chỉ huy.
Từ quận Điện Bàn ra khỏi con rạch phía trước mặt là mật khu Phù Kỳ và Phong Thử, bên kia con rạch là nơi đồng bào trồng dâu nuôi tằm, làm ăn cuộc sống rất khá giả. Nhưng đó là chuyện trước kia, còn nay thì người dân hai bên con rạch đã bỏ ra Đà Nẵng hết, vì Việt Cộng đã chiếm nhà dân. “Họ đều là người miền Bắc trẻ tuổi vào sinh sống, đa số là nằm trong các sư đoàn Bắc Việt đưa vào, lén lút nằm rải rác quanh vùng, chỉ khi bắt được bọn chúng, khai thác thì mới biết,” ông nói.
Rồi chuyện gì đến cũng đến. “Có những thám báo của tiểu đoàn cho biết người dân Điện Bàn bỏ chạy, bên Trung Đoàn 51 cũng có một toán biệt kích rải vào phục kích, gọi về tiểu đoàn báo có địch về chiếm thành phố dọc theo hai bên con rạch, len lỏi theo những nhà dân để dễ tẩu thoát về phía bờ sông nếu bị tấn công,” ông nhớ lại.
“Được lệnh tiến vào giải tỏa, tôi cho bộ chỉ huy và cả đại đội băng qua đường đi về phía Hội An. Vừa qua băng qua con đường, Việt Cộng núp sẵn trong nhà dân đặt súng bắn ra, làm bốn người của mình bị thương và hai người chết. Từ đường đạn bắn ra, biết được chỗ núp của chúng, tôi tính nếu tiếp tục băng qua nữa thì sẽ lãnh đạn, tôi chợt thấy bên đường có những ống cống rất lớn để thoát nước lụt hằng năm từ Vĩnh Điện tràn về Hội An,” ông kể tiếp.
Quyết định rất nhanh, ông cho hết cả đơn vị và bộ chỉ huy đại đội chui qua ống cống, cả súng cối và đại liên cũng đưa qua luôn, tiếp tục bám sát nhà dân dọc theo con lộ, được dân mở cửa cho núp vào trong đến 5 giờ sáng. Trong khi từng tiểu đội bò qua đường, Chuẩn Úy Nam, mới ra trường, bỗng đứng lên chạy băng qua liền bị bắn một loạt AK, tử trận ngay tại chỗ.
“Tôi nóng máu cho cả đại liên xông lên, bắn nát những bức tường nơi bọn chúng ẩn núp, nhưng vẫn không vào được khu nhà. Đến 2 giờ chiều, tôi báo về tiểu đoàn xin cho một xe jeep trên đó đặt pháo không giật M20 (75 ly) tới khai hỏa trực xạ, vì bọn địch chiếm ngay căn nhà đầu tiên ở ngã tư làm nơi đặt súng bắn ra, trong nhà vẫn còn người dân nên không thể gọi pháo binh bắn yểm trợ được,” ông kể.
Khi xe jeep chạy tới, ông lao ra chỉ huy tập trung vào chỗ bắn, lập tức bị một tràng AK làm bay cả nón sắt suýt chết. Khi té sấp xuống đường được lính xông ra nắm kéo vô nhà thì cũng vừa nghe mấy tiếng nổ vang rền, đánh sập căn nhà nơi Việt Cộng ẩn núp.
“Cả trung đội ào vô tấn công bắt được ba tên, có khoảng hơn chục tên bị thương, ngoài ra chết trong từng căn nhà rải rác chung quanh cũng nhiều,” ông kể tiếp.
“Thẩm tra tên bị bắt mới biết chúng thuộc Sư Đoàn Sao Vàng, với nhiệm vụ chiếm Điện Bàn và tấn công bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 2, đặc biệt là cố gắng bắt sống cố vấn Mỹ để sau này trao đổi tù binh. Trận đó chúng tôi tịch thu rất nhiều súng gồm AK, CKC, súng phun lửa, súng bắn tăng, B40 và B41, có cả đại bác phòng không 12 ly 7. Hôm sau bộ chỉ huy tiểu đoàn xuống, tôi được gắn lon trung úy đặc cách ngay mặt trận Điện Bàn, vào Tháng Mười Một, 1968, sau khi ra trường khoảng 11 tháng,” ông nhớ lại.
Hai tháng sau khoảng đầu Tháng Giêng, 1969, khi hành quân về làng Thanh Quít, Điện Bàn, lúc dừng quân nấu cơm thì một người lính bỗng đi vô bụi rậm bắn một loạt đạn xối xả. “Ngay khi đó, lính nhào vô bắt sống được một tên núp dưới hầm phía sau bụi tre. Chúng tôi khai thác thì biết được anh ta tên là Lê Bấc, chính trị viên Tiểu Đoàn 307, quê Hà Nam Ninh. Anh ta khai tiếp ở dưới hầm có một người lính vừa bị bắn chết, có cả tài liệu và hai súng AK 47 và K54. Nhiệm vụ của anh ta là đánh bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 51 Biệt Lập, phối hợp với trung đội ở Phong Thử và trung đội ở gần đó để đánh chiếm Vĩnh Điện, bắt sống hai cố vấn Mỹ và một cố vấn dân sự vụ người Úc,” ông kể.
Ông kể tiếp: “Điều này khiến tôi hiểu ngay là quanh vùng đều có mật báo viên Cộng Sản theo dõi để nắm tình hình.” (Văn Lan)