Trung Quốc dấn bước vào thỏa thuận “ma quỷ” ở Afghanistan

Trung Quốc dấn bước vào thỏa thuận “ma quỷ” ở Afghanistan

August 20, 2021

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Mullah Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh chính trị của Taliban, gặp mặt tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, hôm 28/7. Ảnh: Xinhua.

TRUNG QUỐC TIN VÀO LỜI HỨA CỦA TALIBAN?

Theo tạp chí Diplomat, Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 15/8. Việc thành lập chính phủ mới chỉ còn là vấn đề thời gian và khi đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng: Một chính phủ Hồi giáo cực đoan ngay sát biên giới.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng với những diễn biến mới nhất bằng thái độ lạc quan kỳ lạ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Hai nói với các phóng viên rằng “Chúng tôi tôn trọng mong muốn và lựa chọn của người dân Afghanistan”, như thể việc Taliban tiếp quản là kết quả của sự đồng thuận lòng dân tại đất nước này.

Trung Quốc dấn bước vào thỏa thuận ma quỷ ở Afghanistan: Chơi dao có ngày đứt tay! - Ảnh 1.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Reuters.

“Phía Trung Quốc ghi nhận rằng, vào ngày hôm qua, Taliban tuyên bố chiến tranh tại Afghanistan đã kết thúc và họ sẽ đàm phán để thiết lập một chính phủ Hồi giáo cởi mở -hòa nhập, đồng thời thực hiện các hành động có trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho các công dân người Afghanistan và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Afghanistan” – Bà Hoa nói.

“Trung Quốc hy vọng rằng những tuyên bố này có thể được thực hiện để đảm bảo tình hình ở Afghanistan chuyển đổi suôn sẻ, kiềm chế tất cả các loại hình khủng bố và hành vi tội phạm, đồng thời giúp người dân Afghanistan tránh khỏi chiến tranh và hỗn loạn, xây dựng lại quê hương tươi đẹp của họ” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Bà Hoa cũng lưu ý Trung Quốc đã trao đổi trực tiếp với Taliban và nhận được sự đảm bảo từ phía tổ chức này rằng họ “sẽ không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để làm những điều gây nguy hại cho Trung Quốc”. Bắc Kinh hiện rất lo ngại về vấn đề Tân Cương, khu vực có đường biên giới hẹp với Afghanistan.

Hồi cuối tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Taliban, trong đó có ông Mullah Abdul Ghani Baradar, tại Thiên Tân. Tại cuộc họp đó, Taliban đã tìm cách thuyết phục ông Vương rằng họ sẽ không đe dọa tới lợi ích của Trung Quốc.

“Taliban Afghanistan sẽ không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc”, ông Baradar nói, “Taliban Afghanistan tin rằng Afghanistan nên phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”.

Ông Baradar thậm chí còn mời Trung Quốc “tham gia nhiều hơn vào tiến trình hòa bình và hòa giải của Afghanistan, đồng thời đóng vai trò lớn hơn trong việc tái thiết và phát triển kinh tế của nước này trong tương lai”.

Đổi lại, ông Vương đề cao rằng “Taliban Afghanistan là một lực lượng quân sự và chính trị quan trọng ở Afghanistan, được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hòa bình, hòa giải và tái thiết của đất nước”.

CHƠI DAO CÓ NGÀY ĐỨT TAY

Diplomat nhận định, Bắc Kinh dường như rất có niềm tin vào những luận điểm, cũng như cam kết của Taliban đối với cả Afghanistan và Trung Quốc.

Ví dụ, ông Baradar nói với ông Vương rằng Taliban “sẵn sàng hợp tác với các bên khác để thiết lập một khuôn khổ chính trị ở Afghanistan dựa trên cơ sở bao trùm và mở rộng được toàn bộ người dân Afghanistan chấp nhận để bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền lợi của phụ nữ và trẻ em”.

Tuy nhiên, các báo cáo từ lãnh thổ do Taliban kiểm soát chưa cho thấy chưa có điều nào trong số này được thực hiện. Thay vào đó, họ đang săn lùng kẻ thù của mình và một phần nữa phá hoại quyền tự do của phụ nữ.

Trung Quốc dấn bước vào thỏa thuận ma quỷ ở Afghanistan: Chơi dao có ngày đứt tay! - Ảnh 3.

Các tay súng Taliban tuần tra tại Kabul, Afghanistan ngày 19/8. Ảnh: AP

Theo tạp chí này, việc Taliban hứa hẹn sẽ không chứa chấp bất cứ phần tử phiến quân nào có thể đe dọa cho Trung Quốc nên được xem là một cam kết còn nhiều hoài nghi. Hàng loạt các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các nhân viên và dự án của Trung Quốc ở Pakistan là dấu hiệu cảnh báo nóng về tác động của chế độ Taliban ở Afghanistan đối với các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.

Ngay cả khi Taliban giữ lời hứa với Trung Quốc (dù điều đó không có gì đảm bảo) thì chiến thắng của tổ chức phiến quân Hồi giáo này chắc chắn vẫn sẽ truyền cảm hứng cho những lực lượng tương tự, trong đó có những lực lượng không hề thân thiện với Bắc Kinh.

Trung Quốc nhận thức rõ những rủi ro này nhưng trong số những lựa chọn “không có gì tốt đẹp”, Bắc Kinh đã tính toán rằng việc nắm lấy Taliban và tìm cách gây áp lực để buộc họ phải thực hiện lời hứa là lựa chọn tốt nhất.

Tất nhiên, áp lực đó sẽ chỉ áp dụng cho việc duy trì các lợi ích của Trung Quốc. Quyền lợi của người dân Afghanistan, bao gồm cả phụ nữ, dưới sự cai trị của Taliban không phải là mối quan tâm của Bắc Kinh, bởi nước này luôn nhấn mạnh vào việc không can thiệp vấn đề nội bộ của nước khác.

Trong một diễn biến đáng lưu ý khác, Trung Quốc đã đóng cửa các dịch vụ lãnh sự tại Đại sứ quán của họ ở Afghanistan từ ngày 10/8, mặc dù Đại sứ quán vẫn mở cửa và có nhân viên hoạt động.

“Đại sứ quán nhắc nhở các công dân Trung Quốc tại Afghanistan chú ý đến tình hình an ninh bên ngoài, tăng cường bảo đảm an toàn cho bản thân và không đi ra ngoài” – Đại sứ quán Trung Quốc khuyến cáo trong tuyên bố đưa ra sau khi Taliban tiến vào Kabul.

Nguồn Tin nóng

Bài Liên Quan