TĐ4 TQLC tử chiến với Trung đoàn Q276 vc

TĐ4 TQLC tử chiến với Trung đoàn Q276 vc

Chi tiết về Trận Bình Giã, hồi ức của Trung Úy Trần Ngọc Toàn, Đại Đội Trưởng ĐĐ1/TĐ4 TQLC.

Vì biết phía VNCH sẽ cho quân vào kiếm xác phi hành đoàn trực thăng Hoa Kỳ vừa bị rớt tại Quảng Giao, cộng quân đã đem cả trung đoàn đào hầm hố mai phục, cùng pháo binh chấm sẵn tọa độ chờ quân ta vào …

==========

Lệnh từ Quân Đoàn 3 đưa xuống, Tiểu Ðoàn 4 hành quân vào trận địa tìm xác chiếc trực thăng với phi hành đoàn gồm 4 người Mỹ đã tử thương như tin tức ghi nhận.

Dù hôm trước, vị linh mục của làng đã cho biết quân số của Việt Cộng lên đến cả trung đoàn (sau này được biết là Trung Ðoàn tân lập Q276) khi tiến chiếm Bình Giả, Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Nho đã ra lệnh cho Ðại Ðội 2 do Trung Úy Đỗ Hữu Tùng chỉ huy, tiến quân vào Quảng Giao.

Khoảng cách đường chim bay từ làng Bình Giả đến Quảng Giao độ chừng hai cây số vời rừng thưa, đồi thấp và vườn cao su già bỏ hoang. Ðại Ðội 2 với quân số khoảng 120 người mở đường vào mục tiêu.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, trên hệ thống máu vô tuyến ANPRC10, Trung Úy Tùng báo cáo đã thấy xác chiếc trực thăng bị bắn rơi và cả bốn tử thi người Mỹ. Tức thời, từ phía mục tiêu, tiếng súng nổ ran xen lẫn với lựu đạn và đạn pháo ầm ĩ vang vọng về làng Bình Giả.

Đại Đội Trưởng Ðại Ðội 1 tức tốc ra quân sau khi gặp người sĩ quan bạn đồng khóa ở Trường Võ Bị là Trung Úy Nguyễn Đằng Tống, Đại Đội Trưởng Ðại Ðội 4. Họ quyết định cùng nhau lên đường tiếp cứu quân bạn, trong khi chưa có lệnh hành quân của Tiểu Đoàn Trưởng ban ra chính thức.

Với hai đại đội mở rộng hai bên trục lộ rải đá, từ Bình Giả đến Quang Giao, và Ðại Ðội 3 làm trừ bị, Tiểu Ðoàn 4 TQLC xua quân lên trận địa. Đề phòng chiến thuật “công đồn đả viện” của Việt Cộng, hai đại đội tiền phong của Tiểu Ðoàn 4 đã mở rộng hơn cánh quân lục soát vào sâu trong rừng hai bên trục lộ. Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn và Ðại Ðội Chỉ Huy di chuyển ở đoạn giữa. Ðại Ðội 3 do Thiếu Úy Nguyễn Văn Huệ bọc hậu làm trừ bị.

Nữa đường tiến quân, Ðại Ðội 1 gặp cánh quân của Ðại Ðội 2 đang rút lui từ rừng cao su Quảng Giao trở ra. Một số binh sĩ của Ðại Ðội 2 tình nguyện hướng dẫn vào nơi chạm súng để thu hồi xác chết đồng đội và phi hành đoàn Hoa Kỳ. Trung Úy Tùng cho biết quân số của Việt Cộng rất đông và có cả một số mặc quân phục chính quy của quân đội Cộng Sản Bắc Việt. Họ dùng cả pháo bắn vào trước khi bộ đội xung phong.

Như vậy, lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam, Việt Cộng đã tập trung lên đếp cấp Trung Ðoàn để tấn kích. Trong khi ấy, Tiểu Ðoàn 4 TQLC hành quân vào trận địa không có phi cơ lẫn pháo binh yểm trợ. Nơi xảy ra trận đánh nằm ngoài tầm pháo binh 105 ly tại Phước Tuy, Bà Rịa.

Cuộc tiến quân dè dặt của hai cánh quân đầu chỉ phát hiện một vài cán binh Việt Cộng thấp thoáng trong vườn cao su bỏ hoang với cỏ tranh cao ngang ngực người lớn. Các sĩ quan đại đội trưởng phải kềm quân không cho rượt đuổi sợ địch dụ vào ổ phục kích.

Giữa vườn cao su già Quảng Giao, trung đội do Thiếu Úy Nguyễn Văn Hùng, vừa tốt nghiệp Khóa 19 Võ Bị, chỉ huy đã ngã gục dưới lằn đạn của địch nằm rải rác dài một hàng ngang của đội hình đang xung phong. Tiểu Ðoàn ra lệnh dừng quân bố trí, chờ trực thăng đến tản thương và lấy xác. Lúc ấy vào khoảng 2 giờ chiều ngày 31 tháng 12 năm 1964.

Độ một giờ sau, một chiếc trực thăng Hoa Kỳ từ Vũng Tàu bay lên đáp xuống ở bìa rừng. Họ chỉ nhận 4 tử thi người Mỹ rồi cất cánh. Còn lại mười mấy xác của Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam đều được gói trong poncho chờ chuyến bay khác đến. Mãi đến 4 giờ chiều, sốt ruột vì chờ đợi, Thiếu Tá Nho đã cho lệnh Ðại Ðội 3 và Ðại Ðội 2 còn lại trở về về làng Bình Giả.

Công tác chuẩn bị vừa xong thì đợt pháo đầu tiên rớt xuống vị trí của Tiểu Ðoàn 4 rầm rầm. Đạn nổ cả trên ngọn cây cao su làm gẫy cành đổ xuống. Ở phía trước trục tiến quân, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn gồm Thiếu Tá Nho, Đại Úy Hoán và y-sĩ của tiểu đoàn Trương Bá Hân vội di chuyển về phía làng Bình Giả.

Nhưng đã quá muộn, vòng vây của Việt Cộng bên ngoài đã khép kín.

Tiểu Đoàn Trưởng và viên y-sĩ tiểu đoàn trúng đạn ngã chết tại chỗ. Tiểu Đoàn Phó bị thương ở ngực được người lính gốc Nùng vực cõng lên lưng. Với khẩu súng trường và chiếc ba-lô lủng lẳng trên hai tay, anh đã cõng người chỉ huy chạy thoát về đến tận làng Bình Giả. Khi đặt Đại Úy Hoán xuống, người hạ sĩ này mới phát giác ông đã chết từ lúc nào. Trong thương tiếc đớn đau, anh đã quỳ xuống một bên xác của cấp chỉ huy cả tiếng đồng hồ.

Tại trận địa rừng cao su Quảng Giao, sau đợt pháo mở màn, quân Việt Cộng reo hò xung phong trong tiếng kèn thúc quân dục dã từ tuyến đầu của Ðại Ðội 1 và Ðại Ðội 4 thuộc Tiểu Ðoàn 4 TQLC. Do việc dừng quân bố trí tạm thời, quân lính Thủy Quân Lục Chiến chỉ ẩn sau từng cây cao su, trên mặt đất. Một số đã bị thương vong sau đợt pháo mở đầu.

Phòng tuyến của Ðại Ðội 4 bên mạn Bắc đã bị xuyên thủng. Từ trên đồi trong vườn cao su, Trung Úy T. thấy quân Việt Cộng lẫn lộn cả lính mặc quân phục chính quy Bắc Việt với cây lá ngụy trang cài trên người chạy lúp xúp. Dù vậy, Việt Cộng đã ngưng xung kích để nã pháo vào vị trí của Ðại Ðội 1 và mở cuộc xung phong lần thứ ba nhưng không chọc thủng được phòng tuyến của quân lính nằm rải trên đồi.

Dưới áp lực của Việt Cộng, các binh sĩ Ðại Ðội 3 đành phải rời những xác chết của các đồng đội và kéo rốc lên đồi để tăng cường phòng tuyến của Ðại Ðội 1. Trên đường, Thiếu Úy Huệ, Ðại Ðội Trưởng và Thiếu Úy Dương Hoành Sơn, Đại Đội Phó đã bị trúng đạn tử thương tại chỗ. Phòng tuyến của Đại đội 1 cũng được nối dài ra tận bìa rừng giáp với vườn cao su.

Trong lúc ấy, Đại Úy Cook (sĩ quan được điều đến quan sát chiến trường của Sư Ðoàn 3 TQLC Hoa Kỳ) đã bị trúng đạn ở đùi. Trung Úy Đại Đội Trưởng Đại Ðại Ðội 1 lấy băng cá nhân cột vết thương rồi gọi người lính cận vệ là Binh Nhất Nguyễn Văn Hai giao phó việc đưa Đại Úy Cook tìm đường về làng Bình Giả trước.

Sau này được biết, Binh Nhất Hai và Đại Úy Cook đã ra khỏi trận địa an toàn sau đó và đã bị vòng vây thứ nhì của Việt Cộng chận bắt sống ở bìa rừng. Trong lúc bị dẫn giải ban đêm, Binh-nhất Hai đã tự cởi trói, một mình chạy thoát về lại làng Bình Giả ngày hôm sau. Tin tức được Hà Nội xác nhận vào ngày trả tù binh năm 1973, Đại Úy Cook bị giam giữ luân chuyển ở Miền Nam Việt Nam, đến năm 1968 tuổi đã chết vì bệnh. Trong khi ấy, đối với quân đội Hoa Kỳ, Đại Úy Cook vẫn được thăng cấp lên trung tá cho đến ngày được xác nhận đã chết.

Tại mặt trận, sau ba đợt tấn công bất thành, Việt Cộng đẩy mũi nhọn công kích từ phía sau lưng phòng tuyến của Ðại Ðội 1 và Ðại Ðội 3 còn lại. Người xạ thủ súng không-giật 75 ly sống sót đã tự một mình nạp đạn và nã liên tục vào hàng ngũ quân Cộng Sản khiến đội hình của họ nhiều lần tan vỡ, rối loạn. Được biết, sau này người hạ sĩ xạ thủ này đã một mình vác khẩu đại bác 75 ly không-giật chạy thoát về đến làng Bình Giả vào rạng sáng ngày 1 tháng 1 năm 1965.

Phòng tuyến của Ðại Ðội 1 vẫn giữ vững trước nhiều đợt xung phong của Việt Công, dù một số lớn quân sĩ đã bị thương vẫn nằm nguyên tại chỗ. Y tá đại đội Nguyễn Em đã bất chấp hiểm nguy, xông xáo trong màn lửa đạn, chạy quanh lo cấp cứu đồng đội bị thương. Cuối cùng, anh cũng ngã xuống trước lằn đạn dày đặc của quân thù.

Sau gần hai tiếng đồng hồ giao tranh ác liệt, màn đêm chợt phủ chụp xuống khu rừng già và vườn cao su Quảng Giao. Trong thời gian ấy, khi quỳ gối thủ thế bắn, Trung Úy Đại Đội Trưởng Ðại Ðội 1 đã xử dụng khẩu AR-15 lần đầu tiên được Hoa Kỳ đưa đến thử nghiệm tại chiến trường, tỉa hạ ngã gục từng tên lính Việt Cộng chạy lúp xúp với cây lá ngụy trang dắt trên người. Anh đã bị trúng đạn vào bắp chân phải nhưng không còn băng cá nhân để rịt vết thương. Hơn nữa, anh cũng không còn đầu óc đâu để bận tâm đến vết đạn.

Khi trời đã tối xụp, trong bóng đêm đạn lửa của cả hai bên xuyên xia như mưa lưới. Một số hạ sĩ quan và binh sĩ từ trên tuyến đầu của đại đội đã rút về quanh Bộ Chỉ Huy và cho biết hầu hết quân sĩ đã nằm gục chết tại tuyến phòng ngự, luôn cả bốn sĩ quan trung đội trưởng. Trung Sĩ Nhất Nguyễn Văn Khiên, Trung Đội Phó, vừa nhìn quanh kiểm điểm, vừa nói: “Đại đội của mình chỉ còn hơn một chục người rút về quanh đây thôi!”.

Trung Úy T. cho lệnh tất cả sẳn sàng để cùng nhất loạt đứng lên, mở đường máu thoát ra bìa rừng về hướng làng Bình Giả. Tất cả vừa chạy vừa bắn và ném lựu đạn bừa tới phía trước. Còn lại theo chân Đại Đội Trưởng chỉ còn Binh-Nhất Nguyễn Văn Khanh mang máy truyền tin liên lạc cấp đại đội và Hạ Sĩ Nguyễn Tú, hiệu chính viên cấp tiểu đoàn.

Vừa chạy cà nhắc do bị thương, vừa bắn về phía trước gần đến bìa rừng, Trung Úy T. bị thương phát đạn thứ hai trên đùi phải kiến lao chao ngã sấp xuống. Đồng thời Hạ Sĩ Tú kêu “hự” một tiếng cũng té xuống theo.

Dưới ánh lửa đạn, Trung Úy T. vội tháo máy truyền tin trên lưng Hạ Sĩ Tú rồi nã súng phá hủy. Binh Nhất Khanh vội ngồi thụp xuống một bên Trung Úy T. hốt hoảng hỏi:

– Sao Mai có sao không? Để tôi cỏng Sao Mai chạy. Trung Úy T. xua tay nói lớn:

– Tôi bị thương nặng lắm. Chú chạy đi. Về làng Bình Giả. Để mặc tôi.

Binh Nhất Khanh khẩn khoản:

– Tôi không bỏ Sao Mai được đâu. Để tôi ráng cõng Sao Mai đi.

Đại Đội Trưởng Ðại Ðội 1 đã quyết định, với tay đẩy xua Binh Nhất Khanh và nói trong tiếng súng nổ ran không ngừng của tiền quân Cộng Sản:

– Chạy đi! Chạy đi!

Nghe tiếng chân chạy lẫn tiếng réo gọi lao xao của Việt Cộng, Trung Úy T. nằm úp xuống giả chết bên xác đồng đội. Vừa đúng lúc, một tên Việc Cộng ôm khẩu tiểu liên K50 trờ tới, dùng chân đạp vào người Trung Úy T. rồi nổ một loạt súng kết liễu. Một viên đạn sớt qua ngực trái làm cháy xém áo trận của Trung Úy T. Anh vẫn cố trấn tĩnh nằm in giả chết. Lúc đó, quân Cộng Sản gọi nhau ơi ới rút quân. Bổng chốc, tiếng súng ngưng bặt, trả lại sự thanh tĩnh của rừng núi về đêm. Tiếng côn trùng rên rỉ vang lên thay tiếng súng.

Sau đó, trong hai ngày và ba đêm, với hai vết thương được băng bó, Trung Úy T. ôm khẩu súng AR-15 và một băng đạn 15 còn lại, đã bò xuyên rừng về đến phía ngoài cổng vào hướng đông của làng Bình Giả, một mình trơ trọi. Hai vết thương đã ung thối với giòi và kiến bu đầy đặc.

Rạng ngày 1 tháng 1 năm 65, tại làng Bình Giả, với Tiểu Ðoàn 30 bị hao hụt và Tiểu Ðoàn 38 Biệt Động Quân, Trung Úy Nguyễn Đằng Tống đã cùng Trung Úy Đỗ Hữu Tùng gom quân sống sót của tiểu đoàn được suýt soát hơn một trăm tay súng. Họ đã phối hợp lập vị trí phòng thủ chờ quân tiếp viện, dù không còn có dấu hiệu hoạt động của Việt Cộng quanh quẩn. Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù thuộc lực lượng tổng trừ bị của quân đội Miền Nam đã được trực thăng vận xuống Bình Giả.

=-= VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH =-=

Một mình với khẩu súng AR15 còn 15 viên đạn, rạng ngày 3 tháng 1 năm 1965, tôi bò về tới bìa làng Bình Giả. Trên người, tôi bị ba phát đạn K50. Một phát trúng bắp chân và một phát xuyên bắp đùi phải. Loạt đạn “ân huệ” của tên VC tràn lên mục tiêu, khi hắn đạp vào người tôi rồi nổ súng, đã suốt qua ngực trái làm cháy xém áo trận của tôi.

Do tập trung ý chí sống còn, tôi không hề thấy đau đớn tí nào cả. Khi gặp lại quân bạn, từ trong làng Bình Giả kéo nhau vào thu lượm xác trên chiến trường Quãng Giao, tôi mới nhìn lại hai vết thương ở chân phải. Giòi bọ và kiến bu lúc nhúc trên hai vết thương đã ung thối.

Một số dân làng tình nguyện theo đoàn quân tản thương đã bỏ tôi lên chiếc chỏng tre kiệu vào làng. Binh I Nguyễn Văn Hai, là đệ tử của tôi hốt hải chạy theo, hỏi: “ Sao Mai thấy sao? Có khỏe không? “ Tôi trả lời :” Tao đuối lắm vì mệt và không ăn uống 3 ngày” Hai nhanh nhẩu:” Để tui mua sửa hộp quậy cho Sao Mai uống đở”.

Chợt nhớ Đại úy Pete Cook tôi quay sang hỏi :” Đại úy Mỹ đâu rồi mà mày còn đây” – “ Dạ, sau khi Sao Mai dặn đưa ổng về làng trước, em kè ổng vượt qua vườn cao su rồi băng rừng nhắm hướng Bình Giả. Không ngờ gặp vòng đai VC bên ngoài chận bắt. Ổng bị thương ở đùi nên chịu chết không chạy đi đâu được. Tụi nó trói tay dắt đi. Ổng bị kè lên phía trước một mình. Lợi dụng đêm tối em lủi vào bụi rậm, nằm yên cho tới sáng hôm sau em mới chạy về làng”

Trước ngày lâm trận, Pete Cook đã móc ví lấy hình vợ và đứa con gái nhỏ xíu khoe với tôi. Bây giờ, Cook đã rơi vào tay VC với thương tích trên đùi. Mãi đến năm 1972, trong cuộc trao trả tù binh Mỹ, tin tức mới xác nhận Đại Úy, nay đã thăng lên Trung Tá, Peter Cook đã chết trong một trại giam của VC ở gần biên giới Kam Pu Chia, vào năm 1968. Trong Tiểu đoàn TQLC, lính gọi Đại đội trưởng là Sao Mai và Tiểu đoàn trưởng là Đại Bàng.

Tôi được chuyển về Bộ Chỉ Huy Hành quân. Đại Tá Nguyễn Thành Yên, Tư lệnh phó Lữ đoàn TQLC từ đâu chạy tới nắm lấy bàn tay tôi lắc lắc nói lập bập:” Em khỏe không” Tôi mỉm cười nhìn ông gật đầu. Trong khi, Binh I Hai đang khuấy ly sửa nóng và đút cho tôi uống từng muổng. Tôi nghe tiếng nói bên tai trong tiếng kinh cầu nguyện của người dân làng:” Trung úy này lì thiệt. Ai cũng tưởng ổng chết rồi”.

Về sau, tôi mới biết gia đình của tôi trên Đà Lạt đã nhận được tin tôi tử trận từ công điện của Tiểu khu. Ba tôi đã cho dựng rạp trước nhà để chờ mang xác về. Thiếu trưởng Thiếu đoàn Hướng Đạo cũ của tôi cũng cho giăng trướng liễn với người túc trực tại nhà. Ly kỳ hơn nửa là có hai cô gái mặc áo tang ngồi chờ tang lễ. Một cô là người yêư khi còn học Trung học. Một cô mới quen khi còn trong trường Võ Bị Đà Lạt. Bây giờ cả hai cô đều rơi vào dĩ vãng.

Không bao lâu, chiếc trực thăng tản thương Mỹ đáp xuống. Tôi được tản thương về Quân Y Viện Đại Hàn tại Vũng Tàu. Bạn tôi nói sau này là tôi may mắn được chuyện về Vũng Tàu. Nếu về Tổng Y Viện Cộng Hòa, chắc tôi đã bị cưa chân vì vết đạn xuyên đùi đã lở loét thối như mùi chuột chết. Xe cứu thương vừa vào cửa Quân Y viện tôi nhìn nghiêng qua khung cửa đã thấy lố nhố vợ con gia đình binh sĩ chạy theo nhốn nháo: ”Ai vậy? Còn sống hay chết?” Chưa bao giờ lòng tôi thấy chua xót và đau đớn đến thế. Thêm vào đấy là vết thương của tôi gây đau nhức lên tận óc.

Những người lính Quân Y Đại Hàn túa ra giăng tay quanh sau cửa xe cứu thương khi tôi được kéo ra. Tôi nghe tiếng kêu khóc vang lên của gia đình binh sĩ. Tôi mệt mỏi đưa tay vẩy họ. Sau khi, được đưa vào phòng lạnh, Trung Úy Điều dưởng Chun Do Lin vào xem xét. Tôi ra hiệu xin cô tờ giấy và cấy viết rồi ghi xuống bằng Anh ngữ tên họ và cấp bậc cùng đơn vị của tôi để nhờ cô chuyển tin cho đơn vị của tôi bên ngoài. Chuyển tin ra ngoài xong cô Lin nhanh nhẹn trở vào và đẩy tôi sang phòng quang tuyến.

Tôi mệt rả rời. Sau ba ngày đêm bò xuyên rừng, bụi gai mắc cỡ đã cào nát khuôn mặt của tôi đến máu khô đen nên chẳng ai nhận ra, kể cả ông Hạ sĩ quan Văn phòng trưởng ở Hậu cứ. Sau khi lột trần tôi ra, Trung úy Chun Do Lin ra sức dùng cồn và xà phòng rửa sạch vết thương mặc cho tôi quằn quại với đau nhức. Vết đạn xuyên qua đùi phải mở rộng bên kia một lổ rộng bằng bàn tay.

Sau này, Y Sĩ Đại Úy Kim Ki Young bảo đấy là một phép mầu. Nếu viên đạn nhích lên 1 độ xương đùi của tôi đã gảy nát. Trệch xuống 1 độ, động mạch máu của tôi đã vở ra và tôi đã bị mất máu chết trong rừng. Lạ thêm nửa, vết đạn bắn phá rộng như thế mà tôi không bị đứt gân chân. Tôi đã thoát chết và không bị cưa một giò để làm người thương phế binh trở về nhà với đôi nạng gỗ. Viên đạn do VC bắn bồi vào ngực chỉ làm phỏng da bên gực trái gần quả tim. Vết đạn dưới bắp chân trái xuyên qua thịt làm mất luôn một mảng bắp chuối chân.

Rõ ràng, người ta sống chết có số cả. Lúc mở đường máu xuyên vòng vây của VC, ở Bình Giả, chúng tôi, cả thầy lẫn trò, vừa chạy vừa nổ súng và ném cả lựu đạn về phía trước mặt. Trong đêm tối, vết đạn lửa của VC xuyên qua dày đặc như mưa. Thế mà, sau này khi tôi gặp một đệ tử cũ là Hạ sĩ Nguyễn Hiệp mới biết Hiệp bị tất cả 12 phát đạn trên người trong trận Bình Giả.

Khi được tản thương về TYV Cộng Hòa, Y tá tưởng Hiệp đã tử trận, do quá nhiều thương binh và tử sĩ chuyển về, nên đã ném Hiệp vào Nhà Xác. Nửa đêm, tĩnh dậy, Hiệp hoảng hốt bò ra ngoài kêu cứu. Thương binh ngồi gần tưởng ma hiện về bỏ chạy cả. Một lúc sau mới có Hạ sĩ quan Quân Y đến đưa Hiệp vào phòng cấp cứu. Sau gần một năm nằm viện, Hiệp được đưa ra Hội đồng Giám định Y Khoa cho giải ngũ và ăn tiền Phế binh.

Ở Quân Y Viện Đại Hàn Vũng Tàu, ngày nào tôi cũng được nữ Trung úy Chun Do Lin chăm sóc. Cô nàng mới ngoài 20 tuổi và khá xinh xắn. Chúng tôi trò chuyện bằng Anh Ngữ hạn hẹp nhưng cũng đủ thắm tình. Chiều chiều, tôi còn được nàng cho lên xe lăn đẩy quanh khu vườn dưới sân bệnh viện. Tôi còn dám nghĩ mình là nhân vật lãng mạng trong chuyện “Farewell to Arms” của Hemingway. Tuy thế, vốn là Sĩ quan hiện dịch xuất thân từ Trường Võ Bị tôi đeo đẵng binh nghiệp cho đến ngày thua trận mất nước 30 tháng 4 năm 75.

==========

Kỳ 5:

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1127535308024128&id=335287627248904

Trở về Kỳ 3:

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1126936994750626&id=335287627248904

Trong hình: Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn và Đại Úy Cook, người được nhắc đến trong bài.

Đại Úy Cook sau khi bị bắt vẫn lần lượt được thăng cấp lên đến Trung Tá (1968).

Sau này, một bạn tù với Đ/U Cook, SQ Hoa Kỳ tên Douglas Ramsey, được thả về trong đợt trao trả tù binh đã viết một lá thư cho Tướng TQLC Robert Cushman. Lá thư kể về hành động anh dũng bất khuất của Đ/U Cook trước sự hành hạ, tra tấn của vc trong chốn tù đày.

Theo Ông Ramsey thì đó là một thái độ bất hợp tác, chống đối toàn diện; và Ông đã dùng một hình tượng ví von thật khôi hài “đến nỗi nếu anh ta (Đ/U Cook) biết phân người được bọn vc làm phân bón trồng rau quả cho chúng thì anh đã không đi cầu”.

Trung Tá Cook chết vì bệnh sốt rét trong lao tù cs năm 1967.

Vì lòng dũng cảm đó, Trung Tá Cook được ân thưởng Huy Chương Danh Dự (Medal of Honor), huy chương cao quý nhất của QĐ Hoa Kỳ. Ông là chiến binh TQLC duy nhất được ân thưởng huy chương này xét theo cách hành xử quả cảm trong khi bị địch quân giam cầm.

Bài Liên Quan