Trung Quốc dính líu tới mạng lưới rửa tiền quốc tế của Iran
Bình luậnBảo Nguyên • 23/03/22
Một bài báo mới đây của The Wall Street Journal đã nêu tên các quốc gia tham gia vào mạng lưới rửa tiền của Iran. Tất cả các nước này đều có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Bắc Kinh đang là chỗ dựa cho các quốc gia bất hảo bị cộng đồng quốc tế xa lánh.
Các quốc gia trong mạng lưới rửa tiền của Iran đều có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc
Theo một bài báo gần đây của The Wall Street Journal, Trung Quốc có liên quan đến hệ thống rửa tiền quốc tế của Iran. Bài báo độc quyền được công bố vào ngày 18/03 “đã xem xét các giao dịch tài chính của các công ty được ủy quyền của Iran qua 61 tài khoản tại 28 ngân hàng nước ngoài ở Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với tổng giá trị lên tới vài trăm triệu USD”.
Bài báo cho biết: “Các quan chức tình báo phương Tây nói rằng có bằng chứng về hàng chục tỷ USD trong các giao dịch tương tự”.
Tất cả các quốc gia được đề cập, cộng với vùng lãnh thổ Hong Kong, đều có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Hong Kong nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn đã bãi bỏ các quyền tự do độc lập của thành phố này vào năm 2017.
Tạp chí Foreign Policy gọi Thổ Nhĩ Kỳ là “quốc gia khách hàng của Trung Quốc”.
Công chúng Singapore là một ngoại lệ quốc tế về việc ủng hộ Trung Quốc, với 64% người dân Singapore có quan điểm tích cực về đất nước độc tài toàn trị, so với mức trung bình 27% ở tất cả các quốc gia được Trung tâm Nghiên cứu Pew khảo sát vào năm 2021.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng rất thân thiết với Bắc Kinh, đến mức bị cáo buộc điều hành một trung tâm giam giữ bí mật của Trung Quốc và dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc với “tội danh” duy nhất là thực hành đức tin Hồi giáo của họ.
Một báo cáo của Bloomberg vào tháng 12 lưu ý rằng UAE đã vi phạm các lệnh trừng phạt khi mua dầu của Iran và cho phép Iran mua bán dầu với các tổ chức tài chính có trụ sở tại UAE.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc cũng đã tăng cường mua dầu của Iran. Chính quyền Biden ưu tiên cách tiếp cận ngoại giao hơn là đối đầu với Bắc Kinh đối với sự ủng hộ của nước này đối với Iran. Chính quyền này đã từ chối nới lỏng các biện pháp trừng phạt có từ thời Trump.
Iran khoe khoang về khả năng giao dịch thương mại quốc tế bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây
Chính quyền Iran đã xác nhận nhiều thông tin quan trọng nhất trong bài báo mới đăng ở trên, công khai khoe khoang về khả năng thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các chương trình vũ khí hạt nhân của đất nước này.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được xác lập vào năm 2015 và được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Ông Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, những biện pháp mà Tổng thống Joe Biden tuyên bố là vẫn giữ nguyên. Nhưng đáp lại, Iran đã khởi động lại chương trình hạt nhân của mình, hiện đã tiến gần đến mức không thể đảo ngược.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo khi đó đã cố gắng tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran vào năm 2020 nhưng đã bị Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phản đối. Chính quyền Biden đã chấm dứt nỗ lực của ông Pompeo nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vào năm 2021 nhưng các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ vẫn còn hiệu lực. Trong nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Tehran, chính quyền Biden đã tiến hành thắt chặt các biện pháp trừng phạt vào tháng 12, nhưng động thái đó không có tác dụng đáng kể.
Ian Talley, tác giả của bài báo trên, đã viết rằng: “Theo các nhà ngoại giao, quan chức tình báo và các tài liệu của phương Tây, Iran đã thiết lập một hệ thống tài chính và ngân hàng bí mật để xử lý hàng chục tỷ USD giao dịch thương mại hàng năm bị cấm theo các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng, cho phép Tehran tồn tại trước cuộc bao vây kinh tế và tạo lợi thế cho nước này trong các cuộc đàm phán hạt nhân đa phương”.
Mạng lưới của Iran bao gồm các tài khoản ngân hàng thương mại nước ngoài, các công ty được ủy quyền được đăng ký quốc tế, các công ty thông thường điều phối hoạt động buôn bán bất hợp pháp và “một cơ sở thanh toán giao dịch nằm trong Iran”.
Các quốc gia bất hảo đang dựa vào Trung Quốc
Thành công của mạng lưới của Iran hẳn là một tấm gương dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông xâm lược Ukraine, một ví dụ về cách thức, với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, để duy trì thương mại quốc tế trong khi hứng chịu các lệnh trừng phạt. Iran rất thân thiết với Nga, cả hai đều thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) của Trung Quốc, một trường hợp điển hình nhất mà Bắc Kinh tham gia vào một liên minh quốc tế, tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thổ Nhĩ Kỳ là một “đối tác đối thoại” của SCO.
Iran đã theo đuổi tư cách thành viên của SCO trong 15 năm và cuối cùng, vào tháng 9, nước này đã được kết nạp đầy đủ vào tổ chức này. SCO là một nhóm lỏng lẻo gồm các quốc gia bất hảo phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc do bị quốc tế ruồng bỏ.Cảnh sát chống bạo động bắt giữ những người biểu tình chống đảo chính vào ngày 27/02/2021 tại Yangon, Myanmar. (Ảnh: Hkun Lat/Getty Images)
Miến Điện (Myanmar), bị trừng phạt vì cuộc đảo chính đẫm máu năm 2021 và bị tẩy chay vì tội diệt chủng người Rohingya, cũng rất có thể đang sử dụng mạng lưới rửa tiền quốc tế được Bắc Kinh hỗ trợ. Đại sứ Miến Điện tại Trung Quốc đã gặp Tổng thư ký SCO vào tháng 2 và cam kết hỗ trợ hết mình cho tổ chức này.
Năm 2021, Iran đã ký một “hiệp định chiến lược” kéo dài 25 năm với Trung Quốc về hợp tác kinh tế và quân sự. Hiệp định đã đi vào giai đoạn thực hiện vào tháng 1. Trong ba năm qua, Trung Quốc đã bất chấp các lệnh trừng phạt để mua dầu của Iran với giá chiết khấu so với giá thị trường toàn cầu. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã đề cao chính sách đối ngoại “lấy châu Á làm trung tâm” vốn có lợi cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không cần quá quan tâm đến Tehran, chủ yếu là bởi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, mạng lưới thương mại toàn cầu khổng lồ và sự phụ thuộc của thế giới vào các chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng sản xuất công nghiệp và công nghệ sâu rộng của Trung Quốc. Như William Figueroa đã lưu ý trên tờ The Diplomat, “Iran có thể buộc phải ‘Hướng Đông’ sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục nhìn về nhiều hướng cùng một lúc”.
Cần phải hành động mạnh mẽ hơn đối với các chế độ chuyên quyền
Phương Tây tiếp tục cố gắng thuyết phục Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên tuân thủ các quy tắc quốc tế, như việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy tiến triển về chính trị hướng tới một tiêu chuẩn tốt hơn về nhân quyền đã được thiết lập sau Thế chiến thứ hai để duy trì hòa bình quốc tế. Nhưng những quốc gia này, được điều hành bởi những nhà độc tài thèm khát quyền lực, liên tục từ chối thực hiện những điều đó. Những nỗ lực chân thành của các nền dân chủ về mặt này là một sự ngu ngốc vô ích, dù đã nhiều lần được kêu gọi chấm dứt.
Tuy nhiên, với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, tình hình đã ngày càng cấp bách. Đã đến lúc phải tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các chế độ chuyên quyền này, bắt đầu từ thành viên hàng đầu là Bắc Kinh, và phá vỡ mối quan hệ kinh tế giữa các nước này, điều giúp các chế độ đó có thể vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh trên toàn cầu.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (Tập trung quyền lực) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times