Đăng ngày: 09/04/2022
Tất cả các tuần báo đều có những bài phóng sự chân thực của đặc phái viên tại chỗ về vụ thảm sát Bucha, mà trong khuôn khổ một bài điểm báo chỉ có thể lướt qua. Le Point chạy tựa lớn « Ukraina, chiến lược tàn sát », trên nền đen tang tóc là bức ảnh một người đi xe đạp nằm chết bên vệ đường, bên cạnh là chú chó trung thành.
Con đường đầy xác thường dân khiến phóng viên chiến trường cũng kinh hãi
Cuộc chiến tranh ở Ukraina có một khuôn mặt đại diện, đó là tổng thống Volodymyr Zelensky, và từ vài ngày qua, có thêm hình ảnh : một con đường đầy những xác chết. Những tấm ảnh thường dân bị sát hại tại Bucha, ngoại ô Kiev đã gây xúc động mạnh. Irpin, Bucha…những cái tên cách đây vài tuần không ai biết đến, nay trở thành biểu tượng cho sự dũng cảm của người Ukraina, và những khủng khiếp của chiến tranh.
Hôm 03/04, Heidi Levine là một trong những người đầu tiên không phải là quân nhân đi vào thành phố Bucha vừa được giải phóng. Người nữ phóng viên ảnh của hãng SIPA với chiếc máy ảnh, bước qua cây cầu nối Bucha với Irpin, và bỗng rùng mình sợ hãi trước quang cảnh. Vô số xe quân sự Nga bỏ lại trên đường phố, những khẩu pháo đặt ngay trong nhà dân…Từng là phóng viên chiến trường tại Syria, Libya, Gruzia…Heidi đã thấy nhiều tử thi, nhưng lần này quả là cú sốc.
Hai xác chết trong một khu vườn của một ngôi nhà bị phá hủy, rồi trong sân nhà bên cạnh, tám xác ! Các nạn nhân mặc thường phục, một số tay bị trói sau lưng, hầu hết bị bắn vào đầu. Cô cầm máy lên chụp, và vài giờ sau đó, toàn thế giới biết về vụ thảm sát Bucha. Những thường dân này dường như định chạy trốn theo xa lộ E40, hay trên con đường Yablonska của Bucha – nay trở nên nổi tiếng một cách đáng buồn vì rải đầy xác người. Ít nhất 340 tử thi đã được tìm thấy chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ và theo thị trưởng, ít nhất 410 thường dân đã bị sát hại.
« Bọn quốc xã ở đâu ? »
Trong hồ sơ « Ukraina, kinh hoàng ở Bucha », Courrier International trích dịch The Times, mô tả những nạn nhân tay bị trói bằng dây cột giày nhà binh, bằng băng dính hay dây điện, bên cạnh là những vỏ đồ hộp rỗng của lính Nga. Svetlana Klioumtchyk, một bà nội trợ 46 tuổi kể, quân Nga đến với một đoàn xe tăng, cứ như Đệ nhị Thế chiến quay trở lại. « Đó là những người lính trẻ, ban đầu họ để chúng tôi yên, rồi sau đó bắt đầu gõ cửa hỏi ‘Bọn quốc xã ở đâu ?’ ».
Đợt quân đầu tiên đóng tại các tòa nhà thương mại, những ngôi nhà bỏ trống. Nhưng khi quân Ukraina phản công dữ dội, họ bắt đầu sợ hãi và tấn công thường dân vì sợ bị chỉ điểm vị trí. Volodymyr Ivanov, 40 tuổi, bán dụng cụ thể thao cho biết đã bị quân Nga bắt, thẩm vấn và tra tấn ; còn Tetyana Zabarylo, bị lính Nga đánh tơi tả bằng báng súng kalachnikov để cướp điện thoại. Các đặc phái viên của L’Obs trong bài phóng sự « Sự man rợ ngay giữa trời », nêu ra trường hợp Olha Sukhenko, nữ thị trưởng Motyzhyn cách Kiev 50 km, bị bắn chết cùng với chồng con vì từ chối hợp tác với quân chiếm đóng.
Bộ Nội vụ Ukraina đã mời một số nhà báo đến Bucha để tai nghe mắt thấy tội ác của quân xâm lược. Trên một con đường bị đạn pháo cày xới, phóng viên L’Obs trông thấy tổng thống Zelensky, vẻ mặt hằn sâu nét khắc khổ, đang an ủi một gia đình. Nhà báo lang thang qua một căn nhà bên cạnh, gặp ngay hai xác thường dân đã xám ngoét và bốc mùi. Họ chỉ cho các viên chức Ukraina, và phát hiện thêm năm xác bị trói trong một căn hầm…
Phương pháp hủy diệt của Putin, từ Tchetchenya đến Ukraina
Những tội ác ở Bucha và Irpin được phát hiện sau khi quân Nga rút đi, còn tại những nơi khác như Mariupol, bị vây hãm từ một tháng qua, không thể nào biết được những gì đã diễn ra. Các tuần báo đều nhắc đến vụ tàn sát ở Grozny trước đây, và truyền thống bạo lực của quân đội Nga. Le Point nói về « Tchetchenya, Ukraina…phương pháp Putin ».
Theo chuyên gia Pháp Michel Goya, quân đội Nga không thực sự chuyên nghiệp, không phải như những gì trông thấy trong các cuộc tập trận Zapad. Đó là một quân đội cố gắng bắt chước mô hình phương Tây nhưng không thành công. Nga không đủ quân nhân chuyên nghiệp, nên phải duy trì một số lính nghĩa vụ, và đã sai lầm khi không đào tạo hạ sĩ quan chuyên nghiệp. Quân đội Nga có rất ít hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm, có thể tự xoay sở trong các trận đánh đô thị với những toán quân lẻ và chủ động. Thế nên họ chọn cách hủy diệt mục tiêu thành gạch vụn, như ở Grozny.
Chừng như Nga không hề cho xây dựng những thành phố mô hình để tập luyện như các quân đội tiên tiến khác. Những người lính phải nhiệt tình, biết phối hợp và có sự hỗ trợ của pháo binh hoặc không quân – trong chiến tranh đô thị, yểm trợ phải chính xác. Ukraina là một quốc gia rất đô thị hóa : cứ mỗi 20 cây số lại có một thành phố 5.000 dân trở lên, và mỗi 80 hay 100 cây số là một thành phố trên 100.000 dân.
Hàng ngàn hỏa tiễn chống tăng và phòng không được NATO cung cấp đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Nga, nên sáu tuần sau khi khởi động cuộc chiến vẫn không khống chế được bầu trời. Nga bèn xài một lượng lớn hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn đạn đạo Iskander chứa hàng trăm ký thuốc nổ, hay bom bi tuy bị cấm sử dụng với thường dân. Tờ báo cho rằng quân đội Nga đã thua trong trận chiến Kiev, nhưng cũng có thể đạt được các mục tiêu sắp tới như chiếm Mariupol – hầu như đã bị biến thành tro bụi, và Donbasss, với cái giá là những vụ tàn sát những người dân đã kiệt lực trong cuộc vây hãm.
Bốn sai lầm của Putin
L’Express phân tích « Ukraina : Bốn sai lầm của Putin ». Đơn độc trong cung điện, say sưa với tuyên truyền của chính mình, mù quáng vì không có phản biện, ông chủ điện Kremlin ngỡ rằng cầm chắc chiến thắng trong tay.
Sai lầm trước hết của Vladimir Putin là đã chối bỏ một Ukraina dân chủ, độc lập với Nga. Đối với ông ta, đó là một đất nước « nhân tạo ». Putin không nghĩ rằng người Ukraina có thể chiến đấu một cách anh dũng, đoàn kết một lòng xung quanh tổng thống Volodymyr Zelensky. Cựu nghệ sĩ bị Matxcơva coi là « con nghiện », « tân quốc xã », đã trở thành biểu tượng cho khát vọng dân chủ của cả một dân tộc. Thời thế đã tạo anh hùng.
Thứ hai, là đánh giá thấp kháng chiến. Bị chống trả kịch liệt, không chiếm nổi sân bay Hostomel gần Kiev, Nga mất đi ưu thế. Một tháng sau, không vây hãm được thủ đô, đành phải tập trung cho « giải phóng Donbass ».
Thứ ba, Putin cho rằng phương Tây luôn chia rẽ, châu Âu lệ thuộc vào dầu khí Nga và bất hòa với Mỹ. Trừng phạt tưởng chừng không gây nhiều thiệt hại nhưng đã tạo được áp lực rất lớn, vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraina mỗi ngày làm cuộc xâm lăng phải trả giá bằng nhiều mạng lính.
Sai lầm thứ tư : tưởng rằng phe dân chủ yếu kém. Đó là « tội tổ tông » của Putin, do ảnh hưởng tư tưởng Ivan Ilyne, triết gia bảo thủ Nga đầu thế kỷ 20, tác giả sách gối đầu giường của ông ta. Ilyne cho rằng các nền dân chủ dựa trên luật pháp không mạnh bằng « dân chủ cổ vũ » (tạm dịch « démocratie d’acclamation ») – dựa trên nhiệt tình của người dân trước sức mạnh bền bỉ của một nhà lãnh đạo được liên tục bầu lại.
Cơ hội đẩy lùi quân xâm lược ở miền đông
The Economist làm lóe lên một tia hy vọng, cho rằng Ukraina có cơ hội đẩy lùi quân xâm lược, tuy nhiên cuộc chiến đấu ở miền đông không đơn giản. Một tuần sau khi hùng hổ kéo về thủ đô Ukraina hôm 28/03, phần lớn đội quân xâm lược bỗng « bốc hơi » ở hai bên bờ dòng sông Dniepr. Không có một phát súng, đại bác hay hỏa tiễn nào được nghe thấy ở Kiev kể từ 30/03. Quân Nga rút đi, nhưng dù thắng trận ở Kiev, Ukraina vẫn chưa thắng được trong cuộc chiến này. Một số người cho rằng Vladimir Putin muốn tập trung vào trận Donbass để có được chiến công nhân lễ mừng chiến thắng phát-xít Đức ngày 09/05. Trước khi tấn công Ukraina, Nga kiểm soát 1/3 Donbass, giờ đây phải nhiều hơn, kể cả một phần thành phố cảng Mariupol.
Nhưng vấn đề là Putin có đủ quân hay không. Một phần tư số quân tung ra đợt đầu đã bị thương hoặc tử trận, trong số 125 đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG), có 29 BTG đã bị loại ra ngoài vòng chiến hay nhập với các đơn vị khác. Việc phối thuộc và di chuyển về miền đông mất khoảng một tháng. Nga đã huy động đển 3/4 số BTG vào chiến trường Ukraina, nên phải gom quân từ khắp nơi về, kể cả Kaliningrad và Gruzia. Ngoài ra Matxcơva hôm 01/04 loan báo đăng ký quân dịch thanh niên 17 đến 28 tuổi, với mục tiêu tuyển 134.500 quân. Tuy trên nguyên tắc chỉ có thể đưa lính nghĩa vụ đi chiến đấu sau bốn tháng huấn luyện, nhưng trên thực tế thì ngược lại.
Đây là lúc để Ukraina tăng cường phản công. Vũ khí phương Tây tiếp tục đưa đến, Cộng hòa Sec giao các xe tăng T-72, Úc gởi xe bọc thép, Mỹ viện trợ thêm 100 triệu đô la hỏa tiễn chống tăng. Nhưng Ukraina còn cần đạn dược thời Liên Xô cũ cho một cuộc chiến hao mòn, trước quân Nga ngày càng thô bạo hơn. Putin hy vọng sẽ làm kiệt lực quân đội Ukraina, tuy nhiên một số nhà quan sát cho rằng chính quân Nga sẽ kiệt sức trước, vì kết quả không chỉ tùy thuộc vào số lượng quân và vũ khí, mà còn vào năng lực và tinh thần chiến đấu.
Trước Putin, dân chủ phải chiến thắng
Trang bìa L’Express mang hai màu xanh vàng, màu cờ Ukraina với dòng tựa « Trước Putin, đao phủ của Ukraina : Dân chủ phải chiến thắng ». Theo Freedom House, hiện nay 38 % dân số thế giới sống tại những nước không có tự do. Trong báo cáo công bố ngày 24/02, đúng vào hôm Nga kéo quân xâm lược Ukraina, tổ chức phi chính phủ này cảnh báo trật tự quốc tế đang bị xô ngã, và nếu những người đấu tranh dân chủ không đoàn kết, mô hình độc tài sẽ thắng cuộc. Ngay tại cửa ngõ châu Âu, dân chủ đang bị nhắm bắn bằng hỏa tiễn và xe tăng, và nếu Ukraina bại trận, những nước khác sẽ là nạn nhân sắp tới.
Theo nhà sử học Françoise Thom, Putin không chỉ tấn công vào hệ thống chính trị Kiev, mà chống lại tự do. Thực tế ông ta không lo lắm về an ninh quân sự hay NATO, mà đang sợ dân chủ lây lan, không thể chấp nhận Ukraina hay các nước láng giềng được tự do. Phương Tây đã rất ấn tượng trước sự kháng chiến anh dũng của người Ukraina và lòng can đảm của tổng thống Zelensky. Sự tàn bạo của Putin có là cú sốc, và trong kỳ bầu cử này, cử tri có ý thức được về cái giá phải trả cho dân chủ ?
Sự sa lầy của quân Nga tại Ukraina chứng tỏ những hạn chế của chủ nghĩa toàn trị Putin. Hiện thời châu Âu đã chứng tỏ sự đoàn kết qua quyết định trừng phạt trong thời gian kỷ lục. Nhưng nỗi lo còn đó, thủ tướng Hungary Viktor Orban, đồng minh của Vladimir Putin vừa tái đắc cử hôm 03/03.
« Đất máu » Bucha, những bóng ma vẫn lẩn khuất
Chủ nhật 10/04/2022 người Pháp đi bầu tổng thống vòng 1, thế nhưng bài vở các tuần báo chủ yếu dành cho cuộc chiến tranh phi nghĩa đang diễn ra ở Ukraina. Tuần báo Le Point cho biết đã dành bảy kỳ báo liên tiếp cho chủ đề này, một điều chưa từng thấy trong mùa bầu cử ở Pháp từ trước đến nay. Courrier International cũng tự điểm lại, từ đầu năm đến nay chỉ có hai kỳ báo chuyên đề bầu cử tổng thống. Trong bối cảnh Ukraina đang sôi sục, tác giả Étienne Gernelle trên Le Point than thở « Làm thế nào bầu một tổng thống, khi thảm sát diễn ra ngay trước cửa nhà chúng ta ».
Sau Mariupol lại đến Bucha…gợi nhớ đến « đất máu », từ ngữ của nhà sử học Timothy Snyder khi nói về nơi mà 14 triệu người đã bị chế độ quốc xã và xô viết tàn sát từ 1933 đến 1945. Vùng đất này trải rộng từ miền trung Ba Lan đến miền đông nước Nga, đi qua Ukraina, Belarus và các nước Baltic. Đa số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, người già, không ai có vũ khí, nhiều người bị cướp mất tài sản. Thế nhưng phương Tây chỉ quan sát từ xa, mà theo Snyder, vì « lực lượng Mỹ và Anh không đến vùng ‘đất máu’ này ».
Nhìn vào bản đồ trong cuốn sách của nhà sử học, chúng ta thấy Bucha nằm ngay giữa trung tâm « đất máu ». Lịch sử lặp lại chăng ? Trong cuốn sách « Tòa tháp lớn » với sự đóng góp của 27 nhà văn thuộc 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) do Olivier Guez chủ biên, ông nhận thấy bài viết của các tác giả Đông Âu in đậm dấu ấn của các bi kịch thế kỷ 20, vì « những bóng ma vẫn luôn lẩn khuất ». Liệu lần này có thể dửng dưng ? Không chỉ là vấn đề tình cảm mà còn là lý trí : bảo vệ biên giới của tự do dân chủ.
Khó thể nói về thuế má, về sức mua khi bom đạn vẫn đang trùm xuống Mariupol, những xác người vô tội nằm rải rác trên đường phố Bucha…Tuy nhiên cuộc chiến này khiến người ta thấy rõ, châu Âu cần phải bảo vệ mô hình văn minh của mình, và thế đang lên của lực lượng chống châu Âu là đáng ngại. Chiến thắng của một ứng cử viên thuộc nhóm này như Le Pen, Mélenchon, Zemmour sẽ giúp Kremlin ca khúc khải hoàn.
Pháp : Để tránh những vụ Bucha mới : « Hãy đi bầu ! »
L’Express cũng kêu gọi « Trước những vụ hành quyết của Putin, hãy đi bầu ! ». Những ai cho rằng một lá phiếu bỏ vào thùng chẳng liên quan gì đến những vụ giết chóc của bọn đao phủ ở Ukraina, đã quên đi cơ hội tuyệt vời mà người dân phương Tây có được, là chọn lựa hoặc trừng phạt các nhà lãnh đạo. Những ai bất mãn, hãy thử đến Nga mà xem, và rồi sẽ thấy mình hạnh phúc. Như hầu tước De Custine đã viết trong « Những lá thư từ Nga » năm 1839 « Con người không thể hạnh phúc nếu không có tự do ».
Cứ ba người Pháp sẽ có một người không đến phòng phiếu. Nhưng Volodymyr Zelensky cùng với đồng bào của ông, những người tuần này qua tuần nọ phải chống cự với những trận bom Nga, đã nói với chúng ta điều gì ? Rằng dân chủ sẽ phải chiến thắng. Rằng sự tỉnh thức kỳ diệu của phương Tây mà Vladimir Putin không hề ngờ đến, không những phải tiếp tục mà còn phải ứng cứu nhân dân Ukraina đang đấu tranh cho tự do. Như giáo sư sử học Stephen Kotkin đã nói với tuần báo Pháp : « Nhà nước pháp quyền và dân chủ là những sức mạnh mãnh liệt nhất từng được sáng tạo ra (…). Vấn đề là sự anh hùng và hy sinh của Ukraina có giúp phương Tây tái khám phá sức mạnh và tầm quan trọng của mình hay không, hay là đã phung phí mất ». Để không lãng phí, hãy đi bầu ! – tờ báo cổ vũ.
Cũng trên L’Express, tác giả Charles Haquet cảnh báo, để tiếp tục biện minh cho cuộc chiến tranh của mình, Putin phải thuyết phục dân chúng về sự hiện hữu của một mối đe dọa, và có thể huy động họ vào một cuộc « Chiến tranh vệ quốc vĩ đại » mới. Tổng thư ký NATO từng lo ngại « Nếu Putin chinh phục được Ukraina, sẽ là khởi đầu một cuộc xung đột dài hơi tại châu Âu ». Và nếu đó là mục đích, có nguy cơ Vladimir Putin sẽ tiến hành thêm nhiều vụ Bucha khác, mà mới nhất là vụ bắn hỏa tiễn vào dòng người di tản ở Kramatorsk làm ít nhất 52 nạn nhân thiệt mạng.