Ukraine: Phần Lan tuyên bố sẽ đưa ra quyết định về gia nhập Nato trong vài tuần tới

14 tháng 4 2022

Thủ tướng Sanna Marin (bên phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson ở Stockholm để thảo luận về vấn đề Nato
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Sanna Marin (bên phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson ở Stockholm để thảo luận về vấn đề Nato

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói quốc gia Bắc Âu này sẽ quyết định về việc có gia nhập Nato “chỉ trong vài tuần tới”.

Bà Sanna Marin nói không có lý do gì để trì hoãn quyết định này trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển.

Những bình luận của bà Sanna Marin trùng hợp với báo cáo gửi đến Quốc hội Phần Lan có nội dung là việc quốc gia này gia nhập liên minh quân sự Nato có thể dẫn đến hậu quả là “gia tăng căng thẳng ở biên giới giữa Phần Lan và Nga”.

Moscow cũng đã cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập Nato trong những tuần gần đây.

Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia không liên kết quân sự nhưng việc Nga xâm lược Ukraine đã làm gia tăng sự ủng hộ của công chúng về việc gia nhập liên minh phòng thủ của phương Tây. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói với các phóng viên rằng một “phân tích rất nghiêm túc” đang được tiến hành tại Phần Lan và không cho rằng nên trì hoãn.

Tờ báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển ngày thứ Tư 13/04 đăng thông tin rằng Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đang có mục tiêu gia nhập Nato kịp thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Nato vào cuối tháng 6 tới.

Phần Lan có đường biên giới chung dài 1.340 km với Nga, và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh Moscow sẽ phải “cân bằng lại tình hình” với các biện pháp của mình nếu hai quốc gia này tiếp tục tiến trình đệ đơn gia nhập Nato.

“Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ một khung thời gian nào khi chúng tôi đưa ra quyết định, nhưng tôi nghĩ điều này sẽ diễn ra khá nhanh,” bà Marin nói. Bà cũng nêu rằng việc gia nhập Nato sẽ mang đến cho Phần Lan một sự đảm bảo an ninh theo Điều khoản số 5, có nội dung việc một quốc gia thuộc Nato bị tấn công thì được xem là cuộc tấn công vào toàn khối.

Trong khi cả hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp tại Stockholm, thì bản phân tích đánh giá an ninh của Phần Lan đã được công bố tại Helsinki. Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói rằng cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã làm thay đổi bối cảnh an ninh tại châu Âu và buộc Phần Lan phải có đánh giá về chính sách quốc phòng của nước này.

Phân tích của James Landale, Phóng viên ngoại giao của BBC News

Cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine đã tạo biến chuyển đối với nền an ninh châu Âu. Liên minh quân sự Nato đã được trao một mục đích mới và hiện nay – có khả năng – có thêm thành viên.

Những cử tri tại Phần Lan và Thụy Điển đã từ lâu hài lòng với tình trạng không liên kết [quân sự] của quốc gia mình. Thế nhưng giờ đây tâm trạng đã thay đổi. Alexander Stubb, người tiền nhiệm của Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói rằng quyết định là “một kết quả đã nhìn thấy trước”.

Thụy Điển cũng đang tiếp cận lại vấn đề Nato theo một cách mới – Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của nước này đang xem xét lại quan điểm mang tính lịch sử về chống gia nhập liên minh Nato.

Thế nhưng những người phát ngôn của Nga nói rằng bất kỳ sự mở rộng nào của Nato sẽ được xem là “sự khiêu khích” và cảnh báo sẽ có “hậu quả”.

2px presentational grey line

Các báo cáo nói gì?

Báo cáo có nội dung cảnh báo rằng “sức mạnh quân sự có thể được sử dụng chỉ duy nhất nhằm vào Phần Lan” và tình hình an ninh tại châu Âu và Phần Lan trở nên khó dự đoán và nghiêm trọng hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Báo cáo cũng nêu rõ rằng trong trường hợp Phần Lan gia nhập Nato thì quốc gia này sẽ phải chi trả thêm 1,5% ngân sách cho quốc phòng, và bổ sung rằng tư cách thành viên của liên minh sẽ giúp tăng cường năng lực phòng vệ của nước này. Phần Lan cũng đã công bố tăng ngân sách quốc phòng thêm 40% trước năm 2026.

Trong bất kỳ tiến trình đệ đơn gia nhập Nato thì Phần Lan cũng hoan nghênh việc quốc gia láng giềng Thụy Điển cùng gia nhập liên minh, nội dung báo cáo nêu.

Lực lượng quân đội Phần Lan tham gia vào các cuộc tập trận quân sự gần đây của Nato vào tháng 3
Chụp lại hình ảnh,Lực lượng quân đội Phần Lan tham gia vào các cuộc tập trận quân sự gần đây của Nato vào tháng 3

Chính phủ Phần Lan nhấn mạnh rằng báo cáo “không bao gồm bất kỳ kết luận nào hay đưa ra những hướng dẫn chính sách an ninh mới” và nói thêm là không có quyết định nào sẽ được đưa ra trước khi quốc hội nước này tranh luận về các luận điểm.

Thủ tướng Phần Lan Marin nói với các phóng viên rằng “tất cả các nhóm trong quốc hội, chính phủ và cả tổng thống sẽ có khả năng đưa ra quyết định trong vòng vài tuần tới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen nói rằng tình hình quân sự vẫn ổn định nhưng cảnh báo quân đội phải luôn sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra. Thủ tướng Phần Lan trước đó cũng cảnh báo quốc gia này phải chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Nga trong suốt tiến trình thẩm định có thể có từ Nato.

Cũng có thông tin cho rằng Moscow đã bắt đầu chuyển thiết bị quân sự đến biên giới Nga-Phần Lan, mặc dù giới chức Mỹ nói họ chưa thấy bằng chứng nào xác minh điều này.

Phần Lan đã duy trì chính sách trung lập quân sự, được tạo nên nhằm tránh sự đối đầu với Nga kể từ khi Nato được thành lập vào năm 1949. Vào năm 1939, Phần Lan đã chiến đấu chống cuộc xâm lược của Liên Xô, được biết đến là cuộc Chiến tranh Mùa đông (Winter War), và dẫn đến kết cuộc là Phần Lan phải nhượng lại gần như toàn bộ tỉnh Karelia ở miền đông nước này cho Liên Xô.

Đảng Dân chủ Xã hội của bà Marin vốn có truyền thống ủng hộ chính sách không liên kết và bà đã lặp lại điều này gần đây vào tháng 3. Thế nhưng các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ của công chúng trong vấn đề gia nhập Nato đã tăng từ 38% hồi tháng hai lên 62% hồi tháng ba.

Phần Lan vẫn duy trì số lượng binh sĩ đông đảo, với 21.500 binh sĩ thường trực và 200.000 binh sĩ dự bị trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Bài Liên Quan