Góc tối người giàu: Tỷ phú phương Tây và bất công xã hội

7 giờ trước

Cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos
Chụp lại hình ảnh,Cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos

Trong hai năm qua, khi thế giới gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, một nhóm lại càng thêm giàu có: giới t phú.

Theo một báo cáo của Oxfam International, 10 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tài sản của họ từ 700 tỷ USD lên 1,5 nghìn tỷ USD.

Trong cùng giai đoạn này, hơn 160 triệu người trên thế giới đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói.

Trong sách mới ra, “Davos Man: How the Billionaire Devoured the World”, Peter S. Goodman cho rằng sự giàu có là một mối đe dọa quá lớn đối với nền dân chủ ở Mỹ và phương Tây.

Cụm từ ‘Davos Man’ được học giả Samuel Huntington đặt ra vào năm 2004 để mô tả những người tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có tài sản rất phức tạp, trải dài khắp nhiều quốc gia.

Tập trung vào một số doanh nhân tỷ phú – Jeff Bezos, Stephen Schwarzman, Marc Benioff, Jamie Dimon và Larry Fink – Goodman, phóng viên kinh tế của báo New York Times, muốn chứng minh giới tỷ phú đã tạo ra một nền kinh tế hiện đại chủ yếu chỉ giúp cho giới nhà giàu.

Jeff Bezos
Chụp lại hình ảnh,Jeff Bezos đã dành nhiều tiền cho dự án du hành vũ trụ Blue Origin

Theo tác giả, một mặt, giới tài phiệt phương Tây bày tỏ mối quan tâm của họ đối với công bằng xã hội, nhưng họ làm giàu bằng cách thao túng các nền kinh tế, vận động hành lang, trốn tránh các quy định, làm suy yếu sự giám sát của chính phủ và bòn rút những khoản lợi nhuận nhờ tránh thuế.

Tài sản của họ ngày càng tăng lên trong khi phần lớn dân chúng phải đối mặt với tình trạng trì trệ hoặc thậm chí giảm mức sống. Sự thất vọng của công chúng về tình trạng này đã khiến nhiều người dân ngả theo hướng phản dân chủ và dân tộc chủ nghĩa.

Người phụ nữ mua trái cây và rau quả

Giới tài phiệt, khi xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm ở Thụy Sĩ, thường thể hiện cam kết của họ vì lợi ích chung.

Nhưng Peter S. Goodman mô tả những người này là “những người làm giàu nhờ toàn cầu hóa và gắn chặt với toàn cầu hóa đến mức họ không dính riêng quốc gia nào, sở thích và sự giàu có của họ chảy qua biên giới, bất động sản và du thuyền của họ rải khắp các lục địa, các nhà vận động hành lang và kế toán của họ xâm phạm các khu vực pháp lý, loại bỏ lòng trung thành với bất kỳ quốc gia cụ thể nào.”

Cựu giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế, Christine Lagarde, và giám đốc điều hành của Facebook Sheryl Sandberg dự Davos năm 2017
Chụp lại hình ảnh,Cựu giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế, Christine Lagarde, và giám đốc điều hành của Facebook Sheryl Sandberg dự Davos năm 2017

Không phải ngẫu nhiên mà giường bệnh thiếu hụt đáng báo động tại Hoa Kỳ trong đại dịch Covid-19 kéo dài.

Theo nhà báo Peter S. Goodman, sự thiếu hụt giường bệnh là một hệ quả của các nhà đầu tư giàu có – thường là các tỷ phú – những người đã coi việc chăm sóc sức khỏe như món béo bở.

Goodman lập luận rằng các nhà đầu tư tư nhân đã có ảnh hưởng to lớn trong lĩnh vực y tế tại Mỹ trong khoảng thời gian hàng thập niên, sau đó cố ý giảm nguồn cung giường để tăng giá.

Goodman viết trong cuốn sách: “Vào thời điểm đại dịch bùng phát, Hoa Kỳ có 924.000 giường bệnh, giảm so với gần 1,5 triệu giường bệnh vào giữa những năm 1970.”

“Tại Thành phố New York, 18 bệnh viện đã đóng cửa kể từ năm 2003, dẫn đến mất hơn 20.000 giường bệnh.”

Trong một phỏng vấn, nhà báo Goodman nói: “Jeff Bezos thực sự thông minh. Ông ấy đã tạo ra cỗ máy đáng kinh ngạc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng,. Nhưng chúng ta có nên bận tâm rằng ông ấy có đủ tiền để đi vào không gian trong khi nhân viên của ông ta không sung sướng như thế? Bởi vì nhân viên của ông ta là những người thực sự phải hy sinh.”

Xe limousine xếp hàng dài ở Davos trong ngày khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2017
Chụp lại hình ảnh,Xe limousine xếp hàng dài ở Davos trong ngày khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2017

Theo tác giả, tội lớn nhất của giới tỷ phú là sự tham lam và đạo đức giả. Tuy các tỷ phú hoạt động từ thiện và công bằng xã hội, Goodman viết, họ lại vận động hành lang chống lại các loại thuế và quy định có thể làm giảm vận may của họ.

Goodman đưa ra một giải pháp chính sách: thuế, và đặc biệt, thuế tài sản. Các nhà kinh tế học Emmanuel Saez và Gabriel Zucman từng ước tính rằng mức thuế cận biên 10% đối với tài sản trên 1 tỷ USD sẽ huy động được 250 tỷ USD từ 400 người giàu nhất Hoa Kỳ vào năm 2018.

Bài điểm sách trên Washington Post nói: “Nhưng liệu thuế có giải quyết được tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến nền dân chủ của chúng ta không? Phân tích của Goodman sẽ được chắc hơn nếu xem xét các yếu tố khác góp phần làm xói mòn nền dân chủ: sự phân biệt đối xử trên thực tế, cơ hội bất bình đẳng và thông tin sai lệch. Mặc dù các tỷ phú có thể đã nhúng tay vào việc này, nhưng không chỉ có mình họ – và chính sách thuế sẽ không thể khắc phục được điều đó.”

Còn mbài điểm sách của The Wall Street Journal chê cuốn sách: “Cuốn sách chỉ giỏi có sự phẫn nộ chọn lọc. Theo sách, khu vực công không có sự thất bại. Mọi bệnh tật đều là lỗi của khu vực tư nhân.”

Bài Liên Quan