Tổng thống Sri Lanka bổ nhiệm nội các mới trước làn sóng chỉ trích kịch liệt

7 giờ trước

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (giữa) cho đến nay vẫn từ chối từ chức bất chấp các cuộc biểu tình phản đối lan rộng
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (giữa) cho đến nay vẫn từ chối từ chức bất chấp các cuộc biểu tình phản đối lan rộng

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bổ nhiệm nội các gồm 17 thành viên khi các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức ngày càng lan rộng.

Ông Rajapaksa ban đầu đã bãi nhiệm nội các với bộ trưởng của mình và đã kêu gọi các đảng đối lập giúp thành lập chính phủ mới. Nhưng họ đã từ chối.

Hiện ông đã bổ nhiệm lại một số đảng viên của mình vào một số chức vụ.

Quốc đảo này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Anh Quốc vào năm 1948.

Nguyên nhân một phần là do thiếu ngoại tệ, nghĩa là Sri Lanka không đủ khả năng thanh toán cho việc nhập khẩu lương thực và nhiên liệu thiết yếu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng và giá cả tăng vọt.

Với việc cắt điện kéo dài từ nửa ngày trở lên, và tình trạng thiếu lương thực, thuốc men lẫn nhiên liệu, sự tức giận của công chúng đã lên một nấc thang mới.

Tuần trước, nước này cũng cho biết sẽ tạm thời vỡ nợ nước ngoài. Hôm nay đã đến hạn thanh toán một số khoản nợ trái phiếu.

Sàn giao dịch chứng khoán cũng bị ngưng giao dịch trong một tuần kể từ thứ Hai 18/4.

Các cuộc biểu tình đông đảo bắt đầu vào đầu tháng 4 với việc người dân kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức, điều mà ông đã từ chối thực hiện bất chấp những lập luận của phe đối lập rằng ông đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân.

Việc bổ nhiệm nội các mới của ông dường như là một dấu hiệu khác cho thấy ông sẽ không thuận theo yêu cầu của những người biểu tình.

Việc này cũng diễn ra vài giờ sau khi một số hãng truyền thông thân chính phủ của ông gọi là các cuộc biểu tình ôn hòa ở công viên Galle Face Green ở Colombo – nơi đã thu hút hàng nghìn người – là bữa tiệc tùng trên bãi biển, và ngụ ý rằng chúng được các tổ chức khủng bố hậu thuẫn.

Trước đó, khi các cuộc biểu tình nổ ra, ông Rajapaksa đã kích hoạt luật khẩn cấp hà khắc và áp đặt lệnh giới nghiêm để cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình và cũng cấm các phương tiện truyền thông xã hội.

Sau đó, ông đã rút lại các biện pháp này khi các cuộc biểu tình tiếp diễn.

Cả ông và anh trai mình là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đều đã phát biểu trước quốc gia trong một nỗ lực nhằm xoa dịu những người biểu tình, thế nhưng những lời kêu gọi tổng thống từ chức càng một lớn hơn.

Các cuộc biểu tình đánh dấu một sự thay đổi lớn về mức độ ủng hộ của công chúng dành cho ông Rajapaksa, người đã lên nắm quyền với thế đa số rất lớn vào năm 2019, hứa hẹn sự ổn định và một “bàn tay cứng rắn” để cai trị đất nước.

Giới chỉ trích đã chỉ ra bảng xếp hạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực – các anh trai và cháu trai của ông đã chiếm giữ một số danh mục bộ trưởng quan trọng – một trong những lý do chính khiến đất nước lâm vào tình cảnh này.

Việc các thành viên trong gia đình phô trương sự giàu có xa hoa chỉ làm gia tăng sự tức giận.

Đáng chú ý, không có thành viên gia đình Rajapaksa nào trong nội các mới, ngoài thủ tướng, người đã không từ chức trước đó.

Bài Liên Quan