Cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina: Một thách thức lớn cho Phương Tây

Đăng ngày: 20/04/2022

Ảnh tư liệu: Quân đội Ukraina nhận các loại vũ khí mới tại căn cứ gần Zhitomyr, Ukraina, ngày 05/01/2015. AP – Efrem Lukatsky

Trọng Nghĩa

Với việc Nga gia tăng cường độ tấn công vào Ukraina, các nước Phương Tây đi đầu là Hoa Kỳ, đã bắt đầu chi viện cho Ukraina một số loại vũ khí hạng nặng, từ các hệ thống tên lửa, xe tăng, cho đến trọng pháo, trực thăng và mới đây là chiến đấu cơ, theo như tiết lộ của Lầu Năm Góc Mỹ hôm 19/04/2022. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc cung cấp vũ khí nặng cho Ukraina đang đặt ra cho Phương Tây nhiều thách thức cả về kỹ thuật lẫn chính trị. 

Phải nói là cho đến nay, lực lượng võ trang Ukraina đã gặt hái được một số thành công trong việc chống lại đạo quân xâm lược Nga, nhờ tinh thần chiến đấu kiên cường, và nhờ các loại vũ khí nhẹ như tên lửa chống tăng hay phòng không được nhiều nước như Anh, Mỹ hay Liên Âu cung cấp. 

Thế nhưng với việc Nga tập trung tấn công vùng đồng bằng Donbass, các loại vũ khí nhẹ có nguy cơ không đủ sức chống lại xe tăng hay tên lửa của đối phương. Chính vì vậy mà Ukraina đã khẩn thiết yêu cầu được cung cấp các loại vũ khí nặng như trọng pháo, chiến xa, thậm chí chiến đấu cở để tránh cảnh bị guồng máy chiến tranh hùng hậu của Nga nghiền nát. 

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Les Echos ngày 19/04, chính Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan, đã mở đường cho việc cung cấp xe tăng T-72 và hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Ukraina. Thậm chí Vacxava còn sẵn sàng cung cấp máy bay Mig29 cho Kiev. 

Trong những ngày qua, đến lượt Mỹ, Anh, Hà Lan, thậm chí Canada, quyết dứt khoát giao các loại vũ khí nặng cho Ukraina chẳng hạn như các loại trực thăng hay trọng pháo, xe bọc thép… Giới quan sát đã ghi nhận tốc độ chuyển giao nhanh chóng các loại vũ khí này cho Ukraina, đặc biệt từ phía Mỹ. 

Không thể giao vũ khí tối tân 

Vấn đề đặt ra tuy nhiện là trước mắt phương Tây không thể cung cấp cho Ukraina những loại vũ khí quá tối tân, vì vấn đề là lực lượng Ukraina không quen sử dụng các loại vũ khí này. 

Khả năng cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraina đã được tính đến, nhứng đó chỉ là những loại máy bay quen thuộc với không quân của nước này, chẳng hạn như các loại chiến đấu cơ từ thời Liên Xô. Lực lượng Kiev hiên có khoảng 50 chiếc Mig-29 và 60 chiếc Sukhoi. Phương Tây chỉ có thể cung cấp các loại máy bay này, hiện đã cũ với số lượng ít, tập trung trong kho vũ khí của Ba Lan và Slovakia.  

Khả năng cung cấp phi cơ hiện đại như loại F-16 của Mỹ cho Ukraina chẳng hạn là một điều không tưởng vì một phi công Mỹ, mặc dù đã được huấn luyện trên các máy bay tương tự, phải mất hàng tháng mới có thể điều khiển thành thạo một chiếc tiêm kích loại này. 

Thách thức về chuyển vận đến chiến trường 

Việc cung cấp vũ khí nặng cũng thể hiện một thách thức về hậu cần. Đúng như tên gọi, chúng có trọng lượng đáng kể – ví dụ 44 tấn đối với xe tăng T-72 – điều này không cho phép vận chuyển dễ dàng và nhất là kín đáo đến chiến trường. Matxcơva đã cảnh báo rằng các đoàn xe của NATO sẽ là mục tiêu tấn công ngay khi tiến vào lãnh thổ Ukraina. 

Các loại vũ khí này cũng cần có nhân viên được đào tạo về bảo trì và chuẩn bị cho chiến đấu. Trong khi số phận của trận chiến Donbass sẽ được quyết định trong những ngày tới. 

Thách thức chính trị: Sợ Nga làm càn? 

Bên cạnh đó thách thức đối với việc trang bị vũ khí nặng cho Ukraina cũng là chính trị. 

Cho đến nay, Phương Tây vẫn dè dặt vì sợ tình hình leo thang và sợ Điện Kremlin coi là những bên lâm chiến. Đức và Pháp là hai nước đã không che giấu thái độ thận trọng trên vấn đề cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina. 

Tuy nhiên, với việc Nga ngày càng hung hăng tại Ukraina, thái độ thận trọng của Phương Tây đang thay đổi. Nhất là khi nhiều nhà phân tích quân sự đánh giá là bản thân Putin đã hành động như thể là nước Nga đã lâm chiến với phương Tây.  

Mặt khác, luật pháp quốc tế cũng cho phép bán xe tăng và máy bay cho một quốc gia đang có chiến tranh mà không bị coi là bên tham chiến.  

Bài Liên Quan