Robot tìm kiếm bom mìn dưới đáy biển

Thứ Năm, 28 Tháng Tư 2022

Quân đội Anh đang ứng dụng những phương tiện robot tự động mới để vô hiệu hóa bom mìn nguy hiểm ẩn dưới đáy biển.

Robot SeaCat hoạt động trên mặt nước. Ảnh: Atlas Elektronik
Robot SeaCat hoạt động trên mặt nước. Ảnh: Atlas Elektronik

Hôm 12/4, Bộ Quốc phòng Anh trao thưởng 42 triệu USD cho công ty Atlas Elektronik để phát triển đoàn robot có khả năng tìm bom mìn tự động. Triển khai robot để tìm và phá bom mìn dưới biển sẽ giúp ích cho các nhiệm vụ quân sự và đảm bảo an toàn cho hoạt động thương mại và dân sự, theo Simon Bollom, giám đốc điều hành Ủy ban hỗ trợ và thiết bị quốc phòng Anh.

Để đối phó với mối đe dọa từ bom mìn dưới biển, Hải quân Hoàng gia sử dụng tổng cộng 9 phương tiện robot trang bị sóng âm khẩu độ tổng hợp và phần mềm tiên tiến. Loại robot mang tên Medium Autonomous Underwater Vessel này được thiết kế dựa trên robot SeaCat của Atlas Elektronik, có dạng module với phần thân hình ngư lôi và một loạt cảm biến.

SeaCat có thể vận hành ở vùng nước nông sâu chưa đến 2,1 mét bằng cách di chuyển dọc mặt nước. Ngoài ra, robot có thể lặn sâu tới 600 m và bơi xa 37 km. Theo Atlas Elektronik, SeaCat có thể hoạt động tới 10 tiếng dưới nước và di chuyển ở tốc độ 5,6 km/h. Sóng âm khẩu độ tổng hợp cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao hơn về vật thể dưới nước, giúp khảo sát địa lý và phát hiện bom mìn trở nên dễ dàng hơn.

Công tác tìm kiếm và phá bom mìn ban đầu thuộc về những thuyền máy nhỏ nhưng có thể đe dọa sinh mạng con người. Bom mìn cũng trở nên ngày càng phức tạp theo thời gian. Trước khi Thế chiến I kết thúc, bom mìn có thể kích nổ bằng âm thanh, từ trường hoặc thay đổi trong dòng nước. Do bom mìn từ mọi thời kỳ có thể còn lưu lại dưới đáy đại dương, quá trình phá bom mìn cần phải ứng dụng cả kỹ thuật cũ và mới.

Anh và Pháp đang đầu tư vào nhiều robot có thể phá bom mìn sau khi định vị. Robot của Hải quân Hoàng gia sẽ giúp cải tiến quá trình tìm kiếm, vô hiệu hóa bom mìn, quét và tuần tra vùng biển bằng công nghệ định vị tự động, giúp tiết kiệm nhân lực.

An Khang (Theo Popsci)

Bài Liên Quan