Nga bố trí cá heo đề phòng Ukraina phá hoại tầu ngầm

Đăng ngày: 03/05/2022

Ảnh minh họa: Cá heo mũi chai (tên khoa học là Tursiops Truncatus). © Wikipedia

Minh Anh

Cách nay vài ngày, Viện Hải Quân Mỹ công bố hình ảnh vệ tinh chụp hải cảng Sébastopol (bán đảo Crimée) cho thấy quân đội Nga dường như đã cho triển khai cá heo tại cảng chiến lược này, đề phòng một cuộc tấn công từ Ukraina.

Sau ngựa, chó, chim bồ câu, chuột, voi hay cừu, giờ đến lượt cá heo cũng được con người đưa vào sử dụng để hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự. Khi quan sát các hình ảnh vệ tinh, Viện Hải Quân Mỹ (USNI) phát hiện rằng Nga đã cho bố trí cá heo – những loài cá heo mũi chai, có tên khoa học là Tursiops Truncatus – tại một căn cứ hải quân ở Biển Đen, cụ thể là cảng biển Sébastopol (bán đảo Crimée). Thời điểm triển khai là vào tháng Hai, đúng vào lúc « chiến dịch quân sự đặc biệt » được Vladimir Putin khởi động.

Theo các hình ảnh vệ tinh, Nga vào năm 2018 dường như cũng đã bố trí cá heo ở cảng Tartous của Syria. Về phần mình, các ngư dân Na Uy năm 2019 đã bất ngờ phát hiện một con cá voi trắng có hành vi kỳ lạ bơi xung quanh thuyền của họ. Theo các ngư dân này, chú cá voi đó đeo một dây đai, phía trên có thể được trang bị một camera GoPro – ghi rõ dòng chữ « thiết bị của Saint-Pétersbourg ». Và không chút đắn đo, người ta nghi ngờ chú cá voi trắng này hoạt động dọ thám.

Câu hỏi đặt ra là vì sao những con cá heo này lại được bố trí ngay lối vào cảng biển Sebastopol ? Giới chuyên gia đưa ra nhiều giải thích. Trước hết, cá heo có thể được dùng để dò tìm mìn hay các vật thể khác, nhờ vào thiết bị định vị sóng âm. Nhiều chương trình huấn luyện đã được Liên Xô và Hoa Kỳ khởi xướng trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, vì cá heo là loài động vật bơi giỏi hơn người. Cá heo không bị các vấn đề giảm áp, chúng có thể phát hiện các vật thể mà các hệ thống chuyên dụng của con người không nhìn thấy được. Sự nhanh nhẹn của chúng trong nước cũng thường ngăn cá heo vô tình kích hoạt các quả mìn đang được tìm kiếm.

Cá heo : « Khuyển canh cổng biển »

Nhưng những chú cá heo đó cũng có thể đóng vai trò như là « khuyển canh biển ». Chúng có thể đi tuần tra phát hiện kẻ đột nhập. Thậm chí, như một số người, chúng còn được huấn luyện để hạ sát thợ lặn ! Đủ để ngăn chặn các lực lượng tác chiến của kẻ thù xâm nhập cảng biển để phá hoạt tầu chiến đang neo đậu ở đó.

Căn cứ hải quân Sebastopol có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga, do nằm gần bán đảo Crimée, vốn bị sáp nhập vào Nga năm 2014. Rất nhiều tầu chiến neo đậu ở đây, nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa Ukraina, nhưng lại không nằm ngoài khả năng của các chiến dịch phá hoại tầu ngầm.

Cũng chính tại cảng biển này mà Liên Xô trước đây từng huấn luyện cá heo dò mìn trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, nhiều đơn vị động vật có vú này thuộc quyền kiểm soát của Ukraina. Đến khi Nga « thu hồi » Crimée, nước Nga lấy lại quyền sở hữu cá heo và tăng cường chương trình huấn luyện loài động vật có vú ở biển.

Trang mạng Futura-Sciences nhắc lại, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên sử dụng cá heo như  một công cụ hỗ trợ cho chiến tranh. Trong suốt giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, Garth, John, Slan, Tinker và Toad, tên của những con cá heo, dường như đã được bố trí ở cảng Cam Ranh. Nhiệm vụ của chúng là ngăn chặn những tay thợ lặn kẻ thù tấn công kho đạn bến cảng.

Tính đến hôm nay, dường như chỉ có 4 nước đã phát triển chương trình quân sự dựa trên các loài động vật có vú ở biển như cá heo, cá voi trắng mũi chai, hải cẩu hoặc sư tử biển : Hoa Kỳ, Nga, Bắc Triều Tiên và Israel.

Bài Liên Quan