Chiến tranh Ukraina : Nước cờ mạo hiểm của Nga-Mỹ

Đăng ngày: 06/05/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về việc cung cấp vũ khí cho Ukraina sau khi thăm một nhà máy chế tạo vũ khí của Lockheed Martin, Alabama, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2022. © REUTERS – JONATHAN ERNST

Thanh Hà

Sau hơn 70 ngày chiến tranh tàn phá Ukraina, đã lộ rõ hơn những ý đồ của Matxcơva khi khởi động « chiến dịch quân sự đặc biệt » để « giải phóng » nước láng giềng sát cạnh khỏi gọng kềm « phát xít ». Còn đối với phương Tây, mà đứng trên tuyến đầu là Mỹ, mục tiêu hỗ trợ Ukraina chống ngoại xâm là vỏ bọc cho việc làm suy yếu khả năng quân sự của Nga để không bao giờ kịch bản Ukraina tái diễn.

Ngay từ hôm 24/02/2022, khi tổng thống Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina, phương Tây đồng loạt tuyên bố làm tất cả để cuộc chiến này không trở thành Thế Chiến Thứ Ba. Vì muốn tránh trực tiếp đối đầu với Nga, cả Hoa Kỳ lẫn NATO dứt khoát bác bỏ yêu cầu của chính quyền Kiev thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraina. Những thành viên chính trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương như Pháp, Anh hay Đức ban đầu đã tỏ vẻ dè dặt về khả năng cung cấp vũ khí hạng nặng cho chính quyền của tổng thống Zelensky.

Hơn hai tháng sau, nguy cơ xung đột mở rộng ra ngoài phạm vi lãnh thổ Ukraina càng lúc càng gây lo ngại. Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định : « Điều quan trọng nhất giờ đây, không phải là những diễn biến ở Ukraina, mà là nhu cầu bẻ gẫy hệ thống toàn cầu đơn cực đã hiện hành từ khi Liên Xô sụp đổ ». Ngoại trưởng Lavrov thì nói đến trách nhiệm « giải phóng Ukraina và phần còn lại của thế giới khỏi ách Tây phương ». Cùng lúc, từ quân đội đến truyền thông Nga để ngỏ mối đe dọa hạt nhân. 

Về phía phương Tây, châu Âu thực sự lo ngại xung đột như vết dầu loang đến những thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và NATO như Ba Lan hay Rumani. Các đợt oanh kích nhắm vào Ukraina càng khốc liệt thì lại càng đẩy hai nước Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển đến gần với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Trong chưa đầy hai tháng, Đức không còn do dự hay mất thời gian tranh cãi về việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraina. Paris cũng không che dấu các chương trình quân sự, kể cả việc cung cấp vũ khí hiện đại và đào tạo một số lính Ukraina ngay trên lãnh thổ Pháp.

Tại Hoa Kỳ, ngân sách viện trợ quân sự của chính quyền Biden cho Kiev gần như « không có giới hạn » sau khi Nhà Trắng yêu cầu Quốc Hội cấp thêm 33 tỷ đô la giúp chính quyền tổng thống Zelensky đối phó với quân đội Nga.

Truyền thông Hoa Kỳ liên tục tiết lộ những hình thức hỗ trợ quân sự khác nhau của Mỹ cho Ukraina, từ việc cung cấp thông tin tình báo đến trang bị vũ khí, đào tạo cho lực lượng quân sự yếu kém của quốc gia châu Âu này. Theo giới quan sát, không đưa quân sang chiến trường, nhưng sự can thiệp của Mỹ là « chìa khóa » giúp Ukraina cầm cự được và thậm chí đẩy lui được quân Nga tại một số khu vực trong gần hai tháng qua. Mỹ dồn dập đưa vũ khí sang Ukraina, kể cả vũ khí hạng nặng và có tầm bắn xa. Chưa bao giờ Washington chia sẻ thông tin tình báo một cách chi tiết với một đồng minh ngoài NATO như với Ukraina lần này.

Chính tất cả những biểu thị của sự « nhiệt tình » đó từ phía Hoa Kỳ khiến bản thân châu Âu lo lắng. Chiến tranh đang diễn ra trên Lục Địa Già và Ukraina đang trở thành đấu trường để vũ khí của Nga và của Âu, Mỹ đọ sức với nhau, với hậu quả khó lường là châm ngòi cho một cuộc đại chiến thứ ba, cho dù là về mặt chính thức, cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ đều tuyên bố « đứng ngoài cuộc » và đã nhấn mạnh rằng những chiến thắng mà phía Ukraina ghi được trên trận địa hoàn toàn nhờ « những tính toán tinh tế và khả năng chỉ huy của chính quân đội » nước này. 

Thế nhưng cả phương Tây lẫn Matxcơva cùng đang đi những nước cờ « đầy mạo hiểm » như ghi nhận của Philippe Gélie, tác giả bài xã luận trên tờ Le Figaro: « Chiến tranh Ukraina đang vượt ngoài tầm kiểm soát của chính những người dân xứ này ». Cục diện cuộc chiến đang từng bước thay đổi. Nga thì không còn xem đó là một « chiến dịch quân sự đặc biệt », mà mục tiêu nhắm tới là phá vỡ trật tự thế giới hiện « dưới ách của phương Tây » như chính tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố.

Còn phương Tây thì không chỉ « giúp Ukraina đánh đuổi ngoại xâm ». Điều này đã thể hiện qua tuyên bố hôm 25/04/2022 của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin khi ông nói tới « mong muốn làm suy yếu » khả năng quân sự của Nga, tránh để bất kỳ một quốc gia nào khác bị xâm chiếm như Ukraina.

Những lời lẽ đó như càng châm thêm củi lửa để Kremlin tăng tốc cỗ máy chiến tranh. Đó không phải là một điềm lành báo trước hòa bình chóng được vãn hồi cho 44 triệu dân Ukraina và cho cả toàn châu Âu. 

Bài Liên Quan