Luân lý đạo đức là cái gốc làm người.

Chuly sưu tầm

Luân lý đạo đức là cái gốc làm người.

Luân lý đạo đức vốn có nguồn gốc từ thời Tam Hoàng, thủy tổ của Trung Hoa. Nó là nguyên tắc chỉ đạo trong việc trị quốc bình thiên hạ. Khi người ta hiểu và hành theo thì mới có thể chu toàn được đạo làm người mà đạt được thánh đạo. Trong xã hội hiện đại ngày nay sở dĩ xuất hiện một số loạn bậy chính là bởi vì người ta bỏ qua giáo dục luân lý đạo đức truyền thống.

Người xưa có câu: “Thiên hữu đạo, tắc nhật nguyệt thanh minh. Nhân hữu đạo, tự nhiên xã hội an trữ” (Tạm dịch: Trời có đạo, thì nhật nguyệt rõ ràng. Người có đạo thì xã hội tất sẽ bình an). Chỉ có người người đều tuân theo sự chỉ dạy của bậc thánh nhân xưa, khôi phục lại bản tính lương thiện thì thiên hạ mới có thể thực sự thống nhất, nhân loại mới thực sự hòa ái, bình an.

Ngũ luân
Luân lý đạo đức chính là cái gốc của con người, là đạo đức căn bản nhất của làm người. Có thể thủ vững đạo làm người thì mới là người quân tử. Không khuyết thiếu đạo làm người thì chính là người lương thiện. Đạo đức là cái gốc của con người và cũng là đạo lý đúng đắn mà người người đều nên tuân theo.

Trong đối nhân xử thế có ngũ luân: Giữa vua tôi, quân thần là có nghĩa. Giữa phụ tử cha con là có gần gũi thân thiết. Giữa vợ chồng là có phân biệt. Giữa lớn bé là có thứ tự. Giữa bạn bè là có thành tín.

Quân thần có nghĩa: Đối với bậc trên như vua, tướng lĩnh (quân) là phải dùng lễ để đối nhân xử thế. Đối với người bên dưới (thần) phải lấy trung thành, kính trọng để đối xử. Bậc quân vương thì nhân ái mà bậc tôi thần thì trung thành, như vậy tắc thì quân sẽ an tâm mà thần sẽ vui mừng.

Cha con có thân: Khi cha mẹ dạy dỗ, giáo hóa con cái phải dùng nhân từ. Con cái phụng dưỡng cha mẹ phải hiếu thuận cung kính. Cha hiền con hiếu, tắc thì cha con sẽ thân thiết gần gũi.

Vợ chồng có phân biệt: Chồng kính trọng yêu thương vợ hiền, vợ kính trọng yêu thương chồng. Hai vợ chồng tương kính như tân (kính trọng nhau như khách). Trong gia đình mọi việc đều bàn bạc cùng nhau mà làm. Có như thế, gia đình mới hưng thịnh, tự nhiên cũng sẽ hòa thuận cùng nhau đến đầu bạc răng long.

Lớn bé có thứ tự: Kính trọng người lớn, yêu mến người trẻ. Người lớn phải cố gắng tận sức giáo dục trẻ, người trẻ phải cung kính người lớn tuổi. Nếu lớn bé đều thủ vững được đạo lý này thì “tam cương, ngũ thường” sẽ không loạn, tức thì sẽ hòa hợp êm ấm.

Bạn bè có thành tín: Giữa bạn bè phải lấy tín nghĩa mà kết giao, bất luận là giàu có hay nghèo hèn đều phải bình đẳng. Biết việc thiện thì hết lòng trợ giúp, biết việc ác thì phải khuyên can. Người quân tử kết giao bạn bè đạm bạc như nước nhưng khi gặp việc thì tận tâm tận sức trợ giúp.


Tam Cương
Tam cương là đạo giữa quân – thần, vợ – chồng và cha- con.

Quân – Thần: Đối với người bề trên (người lãnh đạo) phải trở thành tấm gương tốt đẹp, không vì tình mà thiên vị, bảo vệ cấp dưới. Nếu người cấp dưới có sai sót thì người lãnh đạo phải khiêm tốn chỉ bảo, khuyên can. Thân là người cấp dưới phải phục tùng cấp trên, có sai lầm phải mau chóng sửa chữa. Như thế mới phù hợp với đạo quân – thần.

Vợ – chồng: Người chồng phải là tấm gương về đạo đức, người vợ phải trợ giúp người chồng thành người tài đức. Hai vợ chồng phải cùng tận sức hiếu đạo cha mẹ, giáo dưỡng con cái, có việc thì phải cùng nhau bàn bạc, nếu làm được như vậy thì gia đình mới đầm ấm hạnh phúc. Vợ chồng nếu có thể thường xuyên sẵn lòng tiếp thu ý kiến của đối phương, suy nghĩ nhiều hơn cho đối phương, đồng thời yêu thương lẫn nhau, thông cảm cho nhau thì gia đình sẽ tốt lành hòa thuận.

Cha – con: Cha phải là tấm gương tốt cho con thì con sẽ tự nhiên hiểu rõ hiếu kính. Nếu cha có chút sai sót phải khiêm tốn nghe lời giãi bày của con. Làm con phải nghe lời dạy của người lớn, nếu có sai lầm phải biết tiếp nhận lời khuyên của bề trên.

Ngũ Thường
Ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Nhân: Nhân ái, nhân từ tức là lương tâm, lương tâm chính là thiên lý chính đạo. Người có tấm lòng nhân từ, nhân ái chính là lòng dạ của bậc thánh nhân. Chúng sinh vốn là một gốc mà thành, cũng là anh em, chị em cho nên phải dùng từ bi mà đối đãi.

Nghĩa: Có nghĩa là phù hợp đạo nghĩa, thực hiện nghĩa vụ, có ơn thì báo ơn, gặp việc thiện thì phải làm, không hổ thẹn với lương tâm.

Lễ: Biểu đạt tâm chân thành, cung kính, bản thân phải khiêm tốn mà đối với người phải kính trọng. Lễ tiết là quy phạm giữa người với người. Người coi trọng lễ tiết, nhất định có thể rời xa hết thảy dâm loạn.

Trí: Bản tính không ác, gặp việc thiện phải làm, có sai phải sửa, học tập bậc thánh hiền, tế thế cứu nhân.

Tín: Làm người, lời nói và việc làm phải có tín, thành thật không lừa gạt người, lấy tu đạo làm thước đo. Một người có thể giữ vững được tín thì đúng là chính nhân quân tử.

Tứ duy bát đức
Tứ duy là bốn cơ sở chính yếu: Lễ (lễ độ, khiêm tốm), nghĩa (chính nghĩa, con người mà có lòng biết ơn thì chính là có nghĩa), liêm (liêm khiết, trong sạch, không tham thì chính là liêm), sỉ (xấu hổ mà cải sửa bản thân chính là sỉ).

Bát đức là: Hiếu (hiếu thuận, hiếu thảo), đễ (kính nhường), trung (trung thành), tín , lễ, nghĩa, liêm, sỉ.

Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bản tính tiên thiên tốt đẹp của con người, được gọi là đức tính.

Luân lý đạo đức cũng được gọi là đạo đức làm người. Con người có thể tuân thủ đạo đức, luân lý làm người thì chính là đang đi trên con đường đại đạo của bậc thánh hiền.

Bài Liên Quan