Làn sóng bán tháo cổ phần của doanh nghiệp Âu – Mỹ ở Nga có lợi cho ai?

Đăng ngày: 24/05/2022

Một cơ sở của hãng Avtovaz (Renault nắm cổ phần chi phối), tại Togliatti (Nga). Ảnh : Denis Sinyakov/Reuters

Trọng Thành

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đầu 2022 dẫn đến nhiều trừng phạt quốc tế chưa từng có nhắm vào Matxcơva kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Nga đứng trước áp lực từ nhiều phía. Các áp lực về trừng phạt kinh tế, ‘‘mệnh lệnh’’ về mặt chính trị, ‘‘mệnh lệnh’’ về đạo lý, cũng như viễn cảnh chiến tranh kéo dài, thị trường ngày một ảm đạm, khiến đông đảo doanh nghiệp phải tính đến chuyện giảm mạnh hoạt động, thậm chí nhanh chóng rút khỏi Nga.

Tuy nhiên, việc ngừng hoạt động tại Nga một cách vội vã cũng có thể gây quá nhiều tổn thất, cho chính doanh nghiệp, cho giới làm công ăn lương Nga. Rút khỏi Nga nhanh chóng, nhưng một cách có bài bản, có lộ trình, có tổ chức, giảm thiểu tối đa thiệt hại, là thách thức hàng đầu trong hiện tại với hàng ngàn doanh nghiệp phương Tây nói chung.  

*** 

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm 18/05/2022 có bài viết đáng chú ý tóm lược về chủ đề này. Bài ‘‘Nhượng lại các cổ phần phương Tây: ‘Xung quanh chúng tôi, người Nga rình rập như cú vọ !’ ’’, cho biết không khí lo lắng, căng thẳng bao trùm giới kinh doanh phương Tây tại Nga. Bị đe dọa bởi các trừng phạt phương Tây và chính sách của điện Kremlin, hơn 1.000 doanh nghiệp Âu – Mỹ đã tuyên bố rút toàn bộ hay một phần cơ sở khỏi Nga, dẫn đến làn sóng bán tống, bán tháo, hàng tỉ đô la tài sản. Một cơ hội lớn cho giới làm ăn Nga.  

Đại diện cho một công ty năng lượng phương Tây tại Matxcơva nhận xét không giấu được giận dữ : ‘‘Xung quanh chúng tôi, người Nga bâu lấy như bầy cú vọ ! Vì biết rằng chúng tôi ở thế yếu và họ ở thế mạnh, nên họ đưa ra những cái giá bèo bọt. Việc ngân hàng Société Générale và nhiều công ty khác đã nhượng lại các cổ phần tại Nga với những cái giá bèo bọt như vậy không cho thấy triển vọng’’.  QUẢNG CÁO

Một luật sư tại Matxcơva cho biết : công ty ông đang phải ‘‘è cổ’’ xử lý hàng chục hồ sơ bán doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu, Anh-Mỹ hay Nhật Bản. Các doanh nghiệp Bắc Âu cũng vội vã rời khỏi Nga trước viễn cảnh Phần Lan và Thụy Điển sắp gia nhập NATO.  

Cơ hội ngàn vàng cho giới tài phiệt Nga 

Đối với nhiều tài phiệt Nga, trong đó có tỉ phú Vladimir Potanine, một người rất thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin, đây là một cơ hội ngàn vàng. Tỉ phú Vladimir Potanine với quỹ đầu tư Interros đã mua lại ngân hàng Rosbank (một ngân hàng hàng đầu ở Nga), mà ngân hàng Pháp Société Générale (SG) sở hữu 68% cổ phần. Trị giá hợp đồng được giữ bí mật, nhưng thiệt hại ước tính hơn 3 tỉ euro. Tại Matxcơva, nhiều người nói rằng : Tỉ phú Potanine đã gần như không phải trả gì cho giao dịch này.

Tỉ phú Vladimir Potanine, 61 tuổi, vốn đã được coi là nhân vật giàu thứ hai nước Nga (theo xếp hạng năm 2021 của Forbes), với tổng tài sản trị giá 27 tỉ đô la. Đối với ngân hàng Pháp Société Générale, rút khỏi Nga là một quyết định đau đớn. Năm 2021, Rosbank đã mang lại cho ngân hàng Pháp 115 triệu tiền lời. Với Société Générale, Nga là quốc gia nơi có đông nhân viên thứ hai sau Pháp, với 12.000 người, chiếm 1/10 nhân viên của công ty.  

Doanh nghiệp Âu-Mỹ hy vọng rút nhanh với tổn thất ‘‘thấp nhất’’ 

Về phần mình, ngân hàng Pháp Société Générale khẳng định quyết định chuyển nhượng chi nhánh Rosbank cho công ty đầu tiên của tỉ phú số hai nước Nga vẫn là “giải pháp tốt nhất”. Trả lời đài BFM Bussiness hồi đầu tháng, tổng giám đốc Frédéric Oudéa giải thích: SG đã chọn nhượng lại cho một “cổ đông cũ”, người biết rõ nhà băng này, và chủ trương duy trì nguyên trạng văn hóa doanh nghiệp, như vậy tương lai của 12.000 nhân viên sẽ được bảo đảm. 

Tổng giám đốc Société Générale nhấn mạnh: việc chuyển nhượng với giá rẻ như vậy vẫn còn hơn là nguy cơ bị Nhà nước Nga “trưng thu tài sản”. Với tổng giám đốc SG, số 3 tỉ euro thiệt hại là tương đối không đáng kể so với vốn liếng của ngân hàng (ước tính hơn 50 tỉ euros). Bên cạnh đó, SG cũng “thoát được 15 tỉ euro cổ phần mạo hiểm tại Nga, vào lúc nền kinh tế Nga có nguy cơ sụt giảm 10% trong năm nay”.  

‘‘Trưng thu’’ và tội ‘‘giả mạo phá sản’’: Hai nỗi sợ lớn  

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Nga, có hai nỗi sợ lớn trước mắt. Thứ nhất là nỗi lo bị “quốc hữu hóa” hay nói cách khác là trưng thu tài sản, như tổng giám đốc SG cho biết ở trên. Chính quyền Nga đe dọa sẽ ra luật về trưng thu tài sản, nhằm trừng phạt các doanh nghiệp nào “từ bỏ thị trường Nga”. Luật hiện vẫn đang được chuẩn bị tại Hạ Viện, có thể dẫn đến việc cho phép “quốc hữu hóa” các chi nhánh tại Nga của các tập đoàn nước ngoài.  

Theo giới chuyên gia, luật này về nguyên tắc, có mục tiêu nhằm tránh cho chính quyền Nga phải gánh chịu chi phí do việc các tập đoàn quốc tế rút nhanh khỏi nước này. Tuy luật chưa được ban hành, nhưng theo Les Échos, đã có công ty Phần Lan Paulig, chuyên về thực phẩm, đã phải quyết định nhượng lại chi nhánh Nga cho công ty Ấn Độ Vikas Soi. Công ty Phần Lan Paulig đang bị chính quyền Nga xếp vào danh sách các công ty có nguy cơ bị “quốc hữu hóa”.  

Nhiều nghị sĩ Nga thuộc phe diều hâu thậm chí đang thúc đẩy ra luật để trừng phạt đến 10 năm tù đối với lãnh đạo các chi nhánh công ty “áp dụng các trừng phạt phương Tây”. Đây là “kịch bản tồi tệ nhất đối với các tập đoàn châu Âu”, một doanh nhân tại Matxcơva nhận định. Theo giám đốc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Pháp – Nga Pavel Chinsky, “nếu luật này được thông qua, rất chắc chắn” là các doanh nghiệp phương Tây sẽ ra khỏi thị trường Nga.  

Nỗi sợ thứ hai cũng sát sườn là bị khép tội “giả mạo phá sản”. Một tuần sau khi Nga tấn công Ukraina (ngày 04/03), để đáp trả các áp lực kinh tế phương Tây, phó thủ tướng thứ nhất của Nga, Andrei Belousov, tuyên bố: “việc một nhà đầu tư nước ngoài đình chỉ hoạt động tại Nga sẽ bị chính quyền Nga coi như một hành động phá sản có chủ ý”. Người đứng đầu chi nhánh có nguy cơ bị phạt đến 6 năm tù. Lãnh đạo một tập đoàn kinh tế lớn của Pháp thuộc nhóm CAC40 cho Le Figaro biết: trên thực tế, “các chi nhánh của công ty tại chỗ coi như đã bị chính quyền Nga bắt làm con tin”. Luật sư Olivier Attias, văn phòng August Debouzy, cho biết rõ: “các công ty không trả lương, tiền thuê nhà cho nhân viên, hay việc không trả các khoản vay cũng có nguy cơ bị khép tội giả mạo phá sản”.  

Les Échos ghi nhận, hiện tại áp lực đang gia tăng hàng ngày tại các chi nhánh ở Nga: nhân viên chính quyền liên tục tiến hành kiểm tra thuế bất thường tại các trụ sở, các xí nghiệp nước ngoài, thanh tra nơi làm việc, kiểm tra số lượng nhân viên…  

Nhượng lại với giá “1 rúp”  

Nhiều công ty phương Tây đã bán lại chi nhánh ở Nga với giá rẻ. Trong những ngày gần đây, xuất hiện các hợp đồng chuyển nhượng trị giá “1 rúp” mang tính biểu tượng. Đó là trường hợp của tập đoàn xe hơi Pháp Renault. Ngày 16/05, hãng Renault nhượng lại chi nhánh AvtoVAZ cho NAMI, Viện nghiên cứu và phát triển xe có động cơ của Nhà nước Nga. Đây là trường hợp “quốc hữu hóa” quy mô lớn đầu tiên, kể từ cuộc xâm lăng Ukraina. “Quốc hữu hóa” với quyết định được coi là tự nguyện của bên bán. Nga là thị trường lớn thứ hai của Renault sau châu Âu, với khoảng 500.000 xe hơi bán ra/năm.  

Hợp đồng bán công ty với “1 rúp” biểu tượng này cho phép Renault có thể mua lại công ty này với cùng giá trong vòng 6 năm nữa, nếu hãng Pháp có cơ hội trở lại thị trường Nga. Tổng giám đốc Luca de Meo cho rằng đây là “một quyết định khó khăn nhưng cần thiết”, và cho phép bảo vệ được quyền lợi của 45.000 nhân viên của chi nhánh  AvtoVAZ, cũng như khả năng trở lại Nga.  

Doanh nghiệp bị chính quyền Nga đẩy vào đường cùng 

Giải pháp bán chi nhánh với “1 rúp” biểu tượng cho chính quyền Nga đã được nhiều công ty phương Tây lựa chọn (đơn cử như Schneider, Accenture, Publicis hay Sodexo). Theo một luật sư ở Matxcơva, đối với nhiều công ty, giá cả không còn “là vấn đề”, cái khó nhất là bên bán không bị các trừng phạt (của Nga) nhắm vào sau đó, mà các biện pháp trừng phạt thì thay đổi liên tục. Bên bán chỉ muốn một giải pháp “an toàn 100%”. Một người phụ trách ngành ngân hàng nhận xét là “như vậy cuối cùng thì biện pháp đơn giản nhất là bán cổ phần với giá cho không cho chính quyền Nga với khả năng mua lại sau đó trong một khoảng thời gian nhất định”.  

Theo một thẩm định của La Tribune, trang mạng chuyên về kinh tế và tài chính Pháp, tổng số đầu tư của các doanh nghiệp phương Tây tại Nga là 440 tỉ đô la. Trong trường hợp rút khẩn cấp khỏi thị trường Nga, “toàn bộ số tiền này sẽ biến thành không”, chưa kể các chi phí bổ sung khác. Nước Pháp là quốc gia đầu tư vào Nga đứng thứ hai thế giới, với khoảng 500 chi nhánh, trong đó có 35 thuộc nhóm CAC40 (các tập đoàn kinh tế lớn nhất), quản lý khoảng 160.000 nhân viên. La Tribune ví thực tế này với một “cơn sóng thần” về tài chính và kế toán với nước Pháp, rất cần đến một chương trình hỗ trợ của chính phủ.   

Áp lực trừng phạt phương Tây gia tăng, chiến tranh có thể kéo rất dài, chính quyền Nga liên tục đe dọa: Xu thế bán tống bán tháo cổ phần tại Nga của các doanh nghiệp Âu – Mỹ dường như mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.   

Bài Liên Quan