Trung Quốc cố chiêu dụ các nước Nam Thái Bình Dương với kế hoạch mở rộng hợp tác

Đăng ngày: 26/05/2022

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) (T) và đồng nhiệm đảo quốc Salomon Jeremiah Manele họp báo chung tại Honiara, quần đảo Salomon, ngày 26/05/2022. AP

Thanh Phương

Trung Quốc đang cố chiêu dụ các nước Nam Thái Bình Dương qua việc đề nghị một hiệp định mở rộng hợp tác an ninh và thương mại tự do với khu vực này. Kế hoạch sẽ được đem ra thảo luận nhân chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, bắt đầu từ hôm nay, 26/05/2022.

Theo bản dự thảo hiệp định mà hãng tin AFP có được, Bắc Kinh sẽ đề nghị trợ giúp hàng triệu đô la cho 10 quốc gia Nam Thái Bình Dương, ký với các nước trong khu vực một hiệp định tự do mậu dịch và để cho các nước này tiếp cận thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân của Trung Quốc.

Đổi lại, Bắc Kinh sẽ giúp đào tạo lực lượng cảnh sát cho các nước Nam Thái Bình Dương cũng như tham gia bảo vệ an ninh mạng cho các nước này. Đồng thời, Bắc Kinh có thể thực hiện các cuộc khảo sát lập bản đồ địa hình đáy biển và tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. 

Theo AFP, dự án mang tên “Tầm nhìn Phát triển chung” có thể sẽ được thông qua ngày 30/05, nhân cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc với các đồng nhiệm 10 nước Nam Thái Bình Dương. 

Trong những tháng gần đây, vùng Nam Thái Bình Dương đã trở thành “đấu trường” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự, chính trị và kinh tế trong khu vực, nhưng cho tới nay chỉ đạt kết quả khiêm tốn. Nếu kế hoạch hợp tác của Trung Quốc được các nước trong khu vực chấp nhận, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng, vì như vậy Bắc Kinh có thể tham gia vào nhiều chiến dịch của cảnh sát và chiến dịch quân sự tại đây. 

Thêm vào đó, các chuyến bay giữa Trung Quốc với các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ gia tăng. Bắc Kinh cũng sẽ bổ nhiệm một đặc sứ cho khu vực này, đảm nhận việc đào tạo các nhà ngoại giao trẻ của vùng Nam Thái Bình Dương và cấp 2.500 “học bổng” của chính phủ cho các nước này. 

Nhưng theo AFP, một số quốc gia trong khu vực đã báo động về kế hoạch nói trên của Trung Quốc. Hôm nay, tân thủ tướng Úc Antony Albanese cảnh báo là Bắc Kinh “đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng lên một khu vực mà nước Úc vẫn là đối tác hàng đầu về an ninh từ Thế Chiến thứ hai tới nay”. Đáp lại kế hoạch của Trung Quốc, thủ tướng Albanese loan báo sẽ “tăng cường” sự hỗ trợ của Úc cho các nước Nam Thái Bình Dương, với khoảng 500 triệu đô la Úc trợ cấp cho việc đào tạo về quốc phòng, an ninh hàng hải và các cơ sở hạ tầng để chống các tác động của biến đổi khí hậu. 

Về phần thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, bà “xem vùng Thái Bình Dương như căn nhà chung” và khi có những nhu cầu về an ninh của các nước trong khu vực, New Zealand sẵn sàng đáp ứng. Về phản ứng của Hoa Kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price hôm qua đã khuyên các nước Nam Thái Bình Dương nên dè chừng với kế hoạch “mờ ám” của Bắc Kinh. 

Còn các nước trong khu vực thì có thái độ ra sao? Trong một bức thư gởi đến các đồng nhiệm Nam Thái Bình Dương, tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo cũng đã cảnh báo về một hiệp định mà theo ông, mới nhìn có vẻ rất hấp dẫn, nhưng trên thực tế có thể giúp Trung Quốc tiếp cận và kiểm soát khu vực này. 

Thật ra, Liên bang Micronesia từ thập niên 1980 vẫn được hưởng một quy chế liên kết với Hoa Kỳ, bảo đảm cho nước này một sự hợp tác về kinh tế và một sự bảo vệ quân sự của Mỹ. Cho nên, việc Micronesia chống dự án của Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. 

Nhưng những nước khác có thể sẽ dễ bị lôi cuốn bởi những mối lợi về kinh tế mà kế hoạch của Trung Quốc mang lại. Trước mắt, quần đảo Salomon và Trung Quốc từ cuối tháng 4 đã ký một hiệp ước an ninh với những điều khoản mơ hồ. Hoa Kỳ và Úc lo ngại là thông qua hiệp ước này, Bắc Kinh sẽ thiết lập sự hiện diện quân sự trên quần đảo. 

Theo nhận định của hãng tin AP, kế hoạch nói trên cho thấy Trung Quốc nay đang chuyển từ hợp tác song phương sang hợp tác đa phương với các nước Nam Thái Bình Dương. Nếu kế hoạch được chấp thuận, thì sẽ không chỉ có một, mà nhiều nước lọt vào quỹ đạo của Bắc Kinh cùng một lúc. Đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương sẽ chấm dứt hàng mấy thập niên nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc vượt khỏi khu vực bên trong “chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm nhóm đảo Ðài Loan, Okinawa, Philippines, mà Trung Quốc vẫn coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. 

Nói cách khác, kế hoạch “mở rộng hợp tác” mà Bắc Kinh đề nghị với các nước Nam Thái Bình Dương chẳng khác gì một phát súng khai hỏa cho “trận chiến” mới giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh ở khu vực này.

Bài Liên Quan