TQ muốn hợp tác an ninh vì có ‘vận mệnh chung’, nhưng Nam Thái Bình Dương nghi ngại

3 giờ trước

Getty Images

Một nhóm gồm 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận hiệp ước an ninh với Bắc Kinh, tuy Ngoại trưởng Trung Quốc nói với họ chớ nên lo lắng về những ý định của Bắc Kinh.

Ông Vương Nghị đang tham dự một kỳ họp thượng đỉnh khu vực ở Fiji, nơi các tham vọng của Bắc Kinh về những mối quan hệ an ninh rộng lớn hơn đã gây ra tâm lý lo ngại.

Đã có những cảnh báo sắc bén rằng đề xuất của Bắc Kinh sẽ đẩy khu vực vào ‘quỹ đạo của Bắc Kinh’.

Đây được coi là một bước thất bại lớn về ngoại giao của Trung Quốc.

Thủ tướng Fiji, Frank Bainimarama nói rằng cần đạt được thỏa thuận khoáng đạt trước khi có thể ký kết bất kỳ thỏa thuận khu vực mới nào.

Tham vọng của Trung Quốc

Những chi tiết bị rò rỉ về kế hoạch hành động năm năm mà Bắc Kinh đưa ra cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc quyết liệt mở rộng sự hiện diện an ninh và kinh tế của mình trong khu vực.

Những đề xuất được đưa ra gồm có cả việc hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chính sách, an ninh mạng, thương mại, đánh bắt cá và phát triển.

Để lấy lòng các nước, Bắc Kinh đang đưa ra lời chào mời nhiều triệu đô la dưới hình thức hỗ trợ tài chính, viễn cảnh có thỏa thuận tự do thương mại đầy hấp dẫn giữa các nước với Bắc Kinh, và quyền tiếp cận vào thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, AFP tường thuật.

Tuy nhiên, các lãnh đạo vùng Thái Bình Dương đã lên tiếng nghi ngại sâu sắc lời chào mời này.

Papua Tân Guinea, Samoa và Liên bang Micronesia được cho là nằm trong số các nước quan ngại về đề xuất của Bắc Kinh, bên cạnh Palau, đảo quốc đã công nhận Đài Loan và không được mời dự họp lần này.

Đây mới chỉ là lần thứ hai Ngoại trưởng Trung Quốc gặp gỡ các vị ngoại trưởng Thái Bình Dương trong một cuộc họp hỗn hợp. Cuộc họp đầu tiên diễn ra hồi tháng Mười năm ngoái.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ngoại trưởng Vương Nghị rời đi sau cuộc họp báo chung với Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama hôm thứ Hai 30/5

Phát biểu từ Suva, thủ đô của Fiji, ông Vương đã ra một tuyên bố nhằm giữ thể diện, rằng 10 quốc gia đã đồng ý có các biên bản ghi nhớ (MoU) về sáng kiến hạ tầng ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc.

Hai bên sẽ “tiếp tục có các thảo luận và bàn sâu, có các tham vấn nhằm đạt được thêm sự đồng thuận về vấn đề hợp tác”, ông nói và thúc giục những người lo lắng về ý định của Bắc Kinh là “chớ lo, chớ căng thẳng”.

Trung Quốc nói sẽ công bố tài liệu về nội dung các đề xuất ra công chúng trong những tuần tới.

Phương Tây quan ngại

Các nước phương Tây đã tức giận về việc Trung Quốc tiến tới khu vực này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cảnh báo các nước vùng Nam Thái Bình Dương hãy thận trọng về “những thỏa thuận mờ ám, mơ hồ, không mấy minh bạch”.

Úc thúc giục hãy bác bỏ các nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng tầm an ninh của Bắc Kinh vươn sâu vào khu vực, và tân ngoại trưởng Úc cảnh báo về “những hậu quả” phát sinh từ những thỏa thuận đó.

Cạnh đó, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và New Zealand đã bày tỏ quan ngại về một thỏa thuận an ninh mà Đảo Solomon đã ký với Trung Quốc hồi tháng trước, lo ngại về hậu quả mà hiệp ước sẽ gây ra cho khu vực, và nói thỏa thuận đó có thể dẫn đến việc Trung Quốc có hiện diện quân sự ngay sát Australia.

Nhiều nước ở vùng Thái Bình Dương đang trong thế kẹt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị giữa Trung Quốc và các đồng minh của Hoa Kỳ.

Hầu hết muốn duy trì hữu hảo với Trung Quốc, cân bằng quan hệ giữa Bắc Kinh, Washington, Canberra và Wellington, trong lúc tập trung vào mối đe dọa cấp bách hơn, đó là tình trạng thay đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế hàng ngày.

Đa phần các đảo quốc ở vùng Thái Bình Dương nằm ở vùng trũng, cực kỳ dễ bị tổn thương trước nguy cơ nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Trước kỳ họp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ là ‘anh em tốt’ với khu vực, và rằng Trung Quốc chia sẻ ‘vận mệnh chung’ với các nước này, theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV.

Bài Liên Quan