EU sẽ ủng hộ thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine

31 tháng 5 2022

Người dân đang chạy trốn khỏi thị trấn Bakhmut
Chụp lại hình ảnh,Người dân đang chạy trốn khỏi thị trấn Bakhmut

Vào thứ Ba, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cuộc họp để bàn cách đẩy nhanh việc giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc cho khách hàng toàn cầu thông qua đường sắt và xe tải, khi hải quân Nga đang chặn các tuyến đường biển, đồng thời nhanh chóng thực hiện các bước để trở nên độc lập hơn với năng lượng của Nga, theo Reuters.

Các lãnh đạo EU cũng sẽ ủng hộ việc thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Các chi tiết liên quan, sẽ được quyết định sau.

Trước đó, hôm thứ Hai 31/5, các lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, giải quyết bế tắc với Hungary liên quan đến lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của khối này đối với Moscow kể từ khi Nga xâm lược Ukraine ba tháng trước.

Zelensky chỉ trích các lãnh đạo EU

BBC

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ trích các nhà lãnh đạo EU trong một bài phát biểu video vì quá mềm mỏng với Moscow, khi thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ có vẻ khó đạt được.

“Tại sao quý vị lại phụ thuộc vào Nga, vào áp lực của họ mà không phải ngược lại? Nga phải phụ thuộc vào quý vị. Tại sao Nga vẫn có thể kiếm được gần một tỷ euro mỗi ngày nhờ bán năng lượng?”, Zelenskiy nói.

EU đã tung ra 5 gói trừng phạt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, thể hiện tốc độ và sự thống nhất chưa từng thấy của khối này, dựa trên tính phức tạp của các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, những tranh cãi quanh lệnh cấm nhập khẩu dầu cho thấy một cuộc vật lộn nhằm nới rộng các biện pháp trừng phạt khi rủi ro kinh tế đối với châu Âu ngày càng gia tăng, vì rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu thô của Nga.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết khi rời cuộc hội đàm tại Brussels rằng ông đã rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của các sự kiện.

“Vào đầu buổi tối, tôi không có chút hy vọng nào, nhưng vào lúc 11 giờ tối, thỏa thuận đã xong,” ông nói và thêm rằng không cần phải phức tạp hóa các chi tiết kỹ thuật hiện vẫn chưa được giải quyết.

Hội nghị thượng đỉnh cũng mang lại sự ủng hộ chính trị cho gói các khoản vay của EU trị giá 9 tỷ euro (9,7 tỷ USD), với một phần nhỏ viện trợ không hoàn lại là để trang trải một phần lãi suất, để Ukraine duy trì hoạt động của chính phủ và trả lương trong khoảng hai tháng.

Gói trừng phạt thứ sáu của EU

A Ukrainian serviceman inspects an area damaged by a Russian military strike, as Russia"s attack on Ukraine continues, in the town of Marinka, in Donetsk region, Ukraine May 28, 2022.
Chụp lại hình ảnh,Một binh sĩ Ukraine kiểm tra thiệt hại do đạn pháo của Nga ở Marinka, vùng Donetsk, cuối tuần này

Các nhà ngoại giao cho biết thỏa thuận này sẽ dọn đường cho gói trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga có hiệu lực. Gói trừng phạt này bao gồm việc cắt ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT.

“Thỏa thuận cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tweet vào cuối ngày đầu tiên của cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày với 27 nhà lãnh đạo EU.

“Lệnh này ngay lập tức áp lên hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của nước này. Gây áp lực tối đa lên Nga để chấm dứt chiến tranh,” ông nói.

Hai phần ba lượng dầu Nga nhập khẩu từ EU được chuyên chở bằng tàu đường biển và một phần ba bằng đường ống Druzhba. Do đó, lệnh cấm vận nhập khẩu dầu đường biển sẽ áp dụng đối với 2/3 tổng lượng dầu nhập khẩu từ Nga.

Lệnh cấm vận sẽ bao phủ 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga khi Ba Lan và Đức, những nước cũng có kết nối với đường ống, ngừng mua vào cuối năm nay.

10% còn lại sẽ tạm thời được miễn trừ, để Hungary không giáp biển – nước vốn là trở ngại chính cho thỏa thuận cấm vận này của EU – cùng với Slovakia và Cộng hòa Séc – đều kết nối với đoạn phía nam của đường ống – có thể tiếp cận với nguồn dầu và mà nước này không thể dễ dàng thay thế.

Budapest dường như cũng đã giành được sự trấn an từ các nhà lãnh đạo khác rằng các biện pháp khẩn cấp sẽ được áp dụng “trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn đột ngột” sau những lo ngại của Thủ tướng Viktor Orban về những rủi ro gây ra đối với đường ống dẫn dầu của Nga chạy qua Ukraine đến Hungary.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu vào các nước EU sẽ áp dụng đối với dầu thô của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu.

Hiện vẫn chưa rõ các quốc gia thành viên nhận dầu từ tàu chở dầu sẽ được bồi thường như thế nào vì chi phí cao hơn so với các quốc gia thành viên nhận dầu từ đường ống.

Bài Liên Quan