01/06/2022
Ngoại trưởng Australia, Penny Wong, sẽ tới vương quốc Tonga ở Thái Bình Dương vào thứ Sáu (3/6), vài ngày sau khi người đồng cấp Trung Quốc đến thăm và thảo luận về các khoản nợ lớn của Tonga đối với Bắc Kinh, chính phủ Tonga cho biết.
Bà Wong cũng sẽ đến thăm Samoa nhân kỷ niệm 60 năm ngày kỷ niệm độc lập, trong chuyến thăm thứ hai đến các đảo Thái Bình Dương kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào tuần trước, văn phòng của bà cho biết. Chuyến đi diễn ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục chuyến công du 8 nước trong khu vực, và Hoa Kỳ cùng các đồng minh bày tỏ lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh về các mối quan hệ an ninh.
Bà Wong nói Australia muốn lắng nghe các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ tăng cường đóng góp cho an ninh khu vực. Chúng tôi hiểu rằng an ninh của Thái Bình Dương là trách nhiệm của gia đình Thái Bình Dương, mà Australia là một phần trong đó”, bà nói trong một tuyên bố.
Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni trước đó cho biết sáu thỏa thuận đã được ký với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc trong chuyến đi của ông đến thủ đô Nuku’alofa, và văn phòng của ông xác nhận các cuộc thảo luận đã được tổ chức về các khoản vay của Tonga từ Trung Quốc.
Tonga, nơi bị ảnh hưởng bởi một vụ phun trào núi lửa và sóng thần vào tháng Giêng, có khoản nợ nước ngoài là 195 triệu USD, tương đương 35,9% GDP. Trong đó, 2/3 là nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Các khoản trả nợ Trung Quốc sẽ tăng cao vào năm 2024, trả cho một khoản vay được sử dụng để xây dựng lại khu thương mại trung tâm của nước này sau cuộc bạo loạn năm 2006.
Trong khi đó, ngân sách của Tonga cũng cho thấy Úc và New Zealand là những quốc gia tài trợ lớn nhất.
Chuyến thăm Vanuatu
Ngoại trưởng Trung Quốc đã đến Vanuatu hôm 1/6. Đài truyền hình VBTC của Vanuatu cho biết ông đã gặp Thủ tướng Bob Loughman tại trung tâm hội nghị với sức chứa 1.000 người do Trung Quốc tặng vào năm 2016, để ký kết các thỏa thuận và thảo luận về các vấn đề song phương và quốc tế.
Các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác mà Trung Quốc tài trợ ở Vanuatu bao gồm quốc hội, đường cao tốc, nhà máy chế biến cá ngừ và một cầu cảng lớn.
Hôm thứ Hai, một cuộc họp trực tuyến do ông Vương chủ trì tại Fiji với các đối tác từ 10 quốc đảo đã hoãn lại việc xem xét một thỏa thuận sâu rộng về chính sách, an ninh, nghề cá, dữ liệu và khu vực thương mại tự do, do Trung Quốc đề xuất.
Trung Quốc từ lâu đã đưa ra một báo cáo lập trường về “Sự tôn trọng lẫn nhau và cùng phát triển với các Quốc đảo Thái Bình Dương”, liệt kê một loạt các chủ đề mà họ muốn đưa vào một thỏa thuận đa phương.
Một số quốc gia Thái Bình Dương cho biết bất kỳ hiệp ước khu vực nào với Trung Quốc trước tiên sẽ cần được thảo luận tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một nhóm bao gồm các thành viên có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chứ không phải Bắc Kinh, cũng như Australia và New Zealand.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã bày tỏ lo ngại về nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương vào hôm 31/5.
Ông Biden nói Washington không hề muốn ra lệnh cho khu vực này mà chỉ muốn hợp tác với họ. Ông nói: “Chúng ta còn nhiều việc phải làm ở những hòn đảo ở Thái Bình Dương đó”.
Mặc dù có dân số và nền kinh tế nhỏ bé, nhưng mỗi quốc gia Thái Bình Dương đều đại diện cho một lá phiếu tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Họ cũng kiểm soát các vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên và một khu vực có ý nghĩa quân sự chiến lược.