Thượng đỉnh Stockholm đánh dấu 50 năm hội nghị đầu tiên của LHQ về môi trường

Đăng ngày: 02/06/2022

Hội nghị khí hậu ở Stockholm + 50 do Thụy Điển tổ chức. (Từ trái sang phải) Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại Stockholm, ngày 2/6/2022. via REUTERS – TT NEWS AGENCY

Thanh Phương

Trong hai ngày, hôm nay, 02/06/2022 và ngày mai, tại thủ đô Stockholm Thụy Điển, các lãnh đạo thế giới họp thượng đỉnh để đánh dấu 50 năm hội nghị đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, diễn ra năm 1972 cũng tại Stockholm.

Trong số các chủ đề được thảo luận tại thượng đỉnh có tính chất khẩn cấp cần hành động chống biến đổi khí hậu, những hậu quả của đại dịch Covid-19 và việc đưa các tiêu chuẩn về môi trường vào phát triển.

Các nhà tổ chức hy vọng thượng đỉnh sẽ đạt được các kết quả cụ thể, trong khi những nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu tỏ vẻ bi quan. 

Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux tường trình: 

Không tôn trọng các quy định về khí phát thải CO2, nhiều cộng đồng dân cư phải tị nạn do hạn hán và lũ lụt. Trong 50 năm qua, hành động vì khí hậu của các lãnh đạo thế giới chỉ đạt kết quả thảm hại. Đối với một nhà hoạt động như Greta Thunberg, tổ chức cuộc họp thượng đỉnh – kỷ niệm ở Stockholm là vô nghĩa, vì chẳng có gì đáng ăn mừng cả. 

Nhưng những nhà hoạt động khác thì sẽ tham gia thượng đỉnh, không phải bởi vì họ hy vọng cuộc họp sẽ đưa ra các quyết định triệt để nhằm đưa hành tinh của chúng ta trở lại con đường đúng đắn, nhưng bởi vì họ cho rằng bây giờ phải trợ giúp những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu.

Đó là quan điểm của Laure – Marine Vioujard, đại diện của tổ chức “Giới trẻ thế giới về công lý khí hậu”, một tổ chức phi chính phủ do giới trẻ các quốc đảo Thái Bình Dương thành lập. Cô nói: “ Chiến dịch xuất phát từ vùng Thái Bình Dương vì có nhiều đảo tại khu vực này sẽ biến mất, nhiều cộng đồng dân cư sẽ phải sơ tán. Điều này đã xảy ra đối với 43 cộng đồng trong số này. Họ mất làng mạc, họ mất nhà cửa. Chúng tôi muốn trao các quyền cho những thế hệ tương lai và tìm ra các giải pháp dựa trên hợp tác quốc tế. Và cố gắng bảo vệ tối đa các cộng đồng sẽ bị tác động của biến đổi khí hậu”.

Mục tiêu của họ là thuyết phục Liên Hiệp Quốc, thông qua các đại diện của họ, yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế cho ý kiến về các quyền của những người tị nạn khí hậu, cũng như về nghĩa vụ của những quốc gia đã khiến họ phải sống lưu vong.”

Bài Liên Quan