Thủ tướng Anh đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do ‘bê bối tiệc tùng’ thời Covid

3 giờ trước

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng của ông vào ngày hôm nay 06/06
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng của ông vào ngày 06/06

Các nghị sĩ Bảo thủ Anh sẽ quyết định liệu có bãi nhiệm ông Boris Johnson khỏi vị trí thủ tướng hay không trong chiều hôm nay (6/6), trong bối cảnh phản ứng dữ dội liên quan tới vụ ‘bê bối tiệc tùng’.

Cuộc bỏ phiếu kín được kích hoạt sau khi nhiều nghị sĩ Bảo thủ viết cho giới lãnh đạo đảng, kêu gọi thủ tướng từ chức.

Sự tức giận trong các nghị sĩ nắm vị trí ít quan trọng trong Hạ viện Anh gia tăng kể từ khi bà Sue Grey, quan chức cao cấp, hồi tháng trước công bố kết quả điều tra chính thức liên quan tới các buổi tiệc tùng tại văn phòng thủ tướng trong thời phong tỏa phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, các bộ trưởng nội các đã tập hợp quanh ông Johnson trước cuộc bỏ phiếu.

Nếu hầu hết các dân biểu Bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Boris sẽ bị mất chức và một cuộc tranh cử sẽ được tổ chức để tìm người thay ông trở thành thủ lĩnh của đảng và làm thủ tướng.

Nếu mọi nghị sĩ Bảo thủ đều tham gia bỏ phiếu và không ai bỏ phiếu trắng, thì cần có 180 phiếu chống mới lật đổ được ông Johnson.

Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra tại Quốc hội trong khoảng thời gian từ 18:00 đến 20:00 (giờ Anh), với kết quả được công bố ngay sau đó. Ông Johnson sẽ cố gắng thu hút sự ủng hộ trước cuộc bỏ phiếu trong một bài phát biểu cá nhân với những người ủng hộ ông vào chiều nay.

Xác nhận về cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được đưa ra sau hơn một tuần có những đồn đoán về tương lai của thủ tướng Anh, sau khi báo cáo của bà Grey được công bố.

Một bản báo cáo tạm thời, được công bố hồi tháng Giêng, ngay lập tức khiến một số nghị sĩ Bảo thủ thúc giục ông Johnson từ chức.

Nhưng bản báo cáo đầy đủ, cho thấy mức độ vi phạm quy tắc phòng chống Covid ở văn phòng thủ tướng, đã dẫn đến những lời kêu gọi thêm nữa trong đảng, đòi ông Boris từ chức.

Trong đảng Bảo thủ cũng có những sự không hài lòng về việc tăng thuế và cách thức phản ứng của chính phủ trước tình trạng sinh hoạt phí tăng cao.

Nếu vượt qua được kỳ bỏ phiếu bất tín nhiệm này, theo các quy định hiện tại của Đảng Bảo thủ, vị trí lãnh đạo của ông Johnson sẽ được an toàn trong vòng một năm.

Quy định này đã làm dấy lên suy đoán rằng những người muốn thay thế Thủ tướng sẽ muốn cuộc bỏ phiếu diễn ra vào cuối tháng này, sau hai cuộc bầu cử bổ sung rắc rối cho các đảng viên Bảo thủ ở Tiverton và Honiton và Wakefield.

Ngay cả khi ông thoát hiểm trong cuộc bỏ phiếu tối nay, thì việc có một số lượng lớn những người ủng hộ bỏ phiếu chống lại ông Johnson có thể giáng một đòn nghiêm trọng vào quyền lực của ông, khiến nhiệm kỳ thủ tướng của ông rốt cuộc cũng có thể sẽ phải kết thúc sớm.

Người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May, đã ‘thoát nạn’ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về vị trí lãnh đạo của bà vào cuối năm 2018, nhưng bà đã từ chức 6 tháng sau đó sau khi không thể thuyết phục Quốc hội chuẩn thuận thỏa thuận Brexit của mình.

2px presentational grey line

Phân tích của Chris Mason, biên tập viên về chính trị

Khá nhiều nghị sĩ của Đảng Bảo thủ – bao gồm cả phe nổi dậy – dự đoán Boris Johnson sẽ giành chiến thắng tối nay.

Nhưng một chiến thắng về số học không giống như chiến thắng về chính trị. Bà Theresa May đã dễ dàng giành được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng vẫn phải ra đi trong vòng sáu tháng sau đó.

Những gì chúng ta sẽ có được tối nay là một con số không thể chối cãi: số lượng nghị sĩ Bảo thủ muốn Thủ tướng ra đi.

Đó là một con số sẽ đeo bám Boris Johnson trong suốt thời gian tại vị còn lại của ông.

Ông ấy sẽ lập luận rằng có những con số khác quan trọng hơn nhiều: gần 14 triệu người đã bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử vừa qua, và đa số phiếu mà ông ấy đã giành được tại Hạ viện.

Nhưng đừng nhầm lẫn: phiếu tín nhiệm hầu như luôn là tin xấu đối với các nhà lãnh đạo chính trị.

2px presentational grey line

Jeremy Hunt, một trong số các nghị sĩ đảng Bảo thủ được xem là ứng cử viên tiềm năng thay thế Thủ tướng nếu một cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng diễn ra, đã xác nhận rằng ông sẽ bỏ phiếu chống lại ông Johnson.

Cựu ngoại trưởng, người đã thua ông Johnson trong cuộc đua vào vị trí thủ lĩnh đạo Đảng Bảo thủ hồi năm 2019, viết trên Twitter rằng do có cuộc chiến ở Ukraine nên định hướng về vai trò lãnh đạo đảng “không phải là một cuộc tranh luận mà tôi muốn có bây giờ”.

Nhưng ông nói thêm: “Trong thâm tâm, các nghị sĩ Đảng Bảo thủ biết rằng chúng tôi đang không trao cho người dân Anh người lãnh đạo mà họ xứng đáng có được.

“Chúng tôi không cung cấp sự chính trực, năng lực và tầm nhìn cần thiết để giải phóng tiềm năng to lớn của đất nước chúng ta.”

Tuy nhiên, các bộ trưởng nội các đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ông Johnson trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhiều người trong số họ có quan điểm giống nhau trong việc bảo vệ uy tín của Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Dominic Raab cho biết Thủ tướng đã “có những lời kêu gọi lớn đúng đắn – đảm bảo có được vaccine cứu người, thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta và chống lại hành động gây hấn của Putin đối với Ukraine”.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nói thêm: “Từ việc triển khai vaccine cho đến phản ứng của chúng ta trước sự xâm lược của Nga, Thủ tướng đã thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ mà đất nước chúng ta cần.

“Tôi ngày hôm nay ủng hộ ông ấy và sẽ tiếp tục ủng hộ ông khi chúng ta tập trung vào việc phát triển nền kinh tế, xử lý vấn đề sinh hoạt phí tăng cao và giải quyết các công việc tồn đọng liên quan đến Covid.”

Bài Liên Quan