Mức án và tình tiết giảm nhẹ cho ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh?

một giờ trước

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh bị bắt ngày 7/6 do liên quan 'đại án' Việt Á
Chụp lại hình ảnh,Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh bị bắt ngày 7/6 do liên quan ‘đại án’ Việt Á

Hai luật sư ở Việt Nam nói với BBC rằng, theo họ, ông Nguyễn Thanh Long có thể chịu hình phạt cao nhất là 15 năm tù, còn ông Chu Ngọc Anh là 20 năm nhưng có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ để hưởng mức án dưới 10 năm tù.

Ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc để điều tra mở rộng vụ án Công ty Việt Á.

Trong đó, hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh được đánh giá là ‘có tầm ảnh hưởng’ trong vụ đại án Việt Á.

Việc tiến hành bắt giữ hai nhân vật cao cấp này có thể nói diễn ra khá nhanh chóng, nhưng vẫn không nằm ngoài quy trình thủ tục xử lý của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Chiều 6/6, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN triệu tập cuộc họp bất thường theo đề nghị của Bộ Chính trị để khai trừ Đảng ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh.

Ngay trong sáng 7/6, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long và cách chức bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 của ông này.

Chiều cùng ngày, HĐND TP Hà Nội đã nhất trí, thông qua nghị quyết bãi nhiệm chức danh chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh.

Như vậy, việc bắt giữ ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh chỉ là thủ tục cuối cùng.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm bây giờ là khung hình phạt dành cho hai vị cựu lãnh đạo thuộc hàng cao cấp ở Việt Nam là gì?

Mức án tù cao nhất có thể lên tới 20 năm?

BBC đã hỏi ý kiến một số luật sư ở Việt Nam và đều nhận được câu trả lời là mức án cao nhất với ông Chu Ngọc Anh là 20 năm tù nhưng có thể giảm án, còn ông Nguyễn Thanh Long 15 năm.

Theo LS. Phùng Thanh Sơn – Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp, ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt là từ 10 đến 20 năm tù.

Ông Nguyễn Thanh Long bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó khung hình phạt là từ 10 đến 15 năm tù.

Ngoài ra, LS. Đặng Đình Mạnh – Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng đối với tội danh trong trường hợp ông Nguyễn Thanh Long, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ lên đến 05 năm và có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng.

Tương tự, với tội danh của ông Chu Ngọc Anh, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

‘Có thể được hưởng mức án dưới 10 năm tù?’

Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt trong quá trình tòa án Việt Nam xét xử các quan chức lãnh đạo luôn là yếu tố gây ‘bất ngờ’ trong các bản án.

Gần đây nhất, bản án 4 năm tù dành cho cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh cũng bị dư luận đánh giá là quá nhẹ.

Với lý do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải mà Viện kiểm sát đưa ra, bản án cuối cùng dành cho ông Cường giảm một nửa so với mức án đề nghị ban đầu là 7-8 năm.

Bình luận về khả năng có hay không các tình tiết giảm nhẹ mức án sẽ được áp dụng trong quá trình điều tra, xét xử hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh, LS. Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm cá nhân:

“Ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh đều là những quan chức cao cấp, theo đó, chắc chắn cả hai ông đều đã từng được chính quyền khen thưởng trong quá trình làm việc.”

“Đây đều là những tình tiết giúp giảm nhẹ hình phạt khi tòa án lượng định hình phạt.”

Về mặt pháp luật, LS. Phùng Thanh Sơn cho BBC biết theo Khoản 1, Điều 54 BLHS 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 51 của BLHS.

Các tình tiết giảm nhẹ đáng lưu ý được quy định tại Khoản 1, Điều 51 BLHS gồm:

  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Với các tình tiết có thể áp dụng để giảm nhẹ mức án như trên, việc các bị can Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có được ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ, theo luật sư Sơn là “không quá khó”.

“Điều đó có nghĩa là các bị can trên dễ dàng được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, tức dưới 10 năm tù,” ông Sơn nói.

Tuy nhiên, vị luật sư cũng cho biết thêm rằng hai bị can Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bị khởi tố để điều tra do liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Do đó, LS Phùng Thanh Sơn cho rằng: “Trong quá trình điều tra, tuỳ theo chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được thì tội danh của các cá nhân trên có thể bị thay đổi hoặc có thể khởi tố thêm những tội danh khác. Khi đó việc định khung và lượng hình sẽ khác.”

Mức án có thể giảm, nhưng khả năng vô tội của hai ông Long và Anh rất khó có thể xảy ra, theo vị luật sư.

“Với đặc thù của Việt Nam là ĐCSVN lãnh đạo toàn diện nên một khi đã bị khai trừ Đảng, kết luận vi phạm pháp luật nghiêm trọng và đặc biệt là bị bắt tạm giam nữa thì khả năng vô tội gần như là không có,” luật sư Sơn lý giải.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam, khám nhà

“Do đó, vấn đề còn lại của luật sư trong vụ án này là hướng đến tội danh phù hợp và khai thác tối đa các tình tiết giảm nhẹ để thân chủ của mình được tòa quyết định mức án dưới khung hình phạt,” ông Sơn nói thêm.

“Ngoài ra, một khía cạnh khác mà luật sư của các bị can, bị cáo trong vụ án này cũng cần phải lưu tâm đó là xác định thiệt hại, mức độ lỗi của các bị can, bị cáo trong việc gây ra thiệt hại, các khoản thu lợi bất chính để tránh tình trạng ‘trăm dâu đổ đầu tằm’.”

Bài Liên Quan