Đăng ngày: 09/06/2022
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 08/06/2022 báo động hậu quả cuộc xâm lăng Ukraina của Nga ngày càng trầm trọng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến 1,6 tỉ người trên thế giới, tức một phần năm dân số toàn cầu.
Trong báo cáo thứ nhì về tác động của cuộc chiến Ukraina, ông Guterres cho biết hậu quả đối với an ninh lương thực, năng lượng, tài chính đang ngày càng nặng nề thêm. Chiến tranh Ukraina có thể gây ra một làn sóng nghèo đói chưa từng thấy, dẫn đến tình trạng hỗn loạn về xã hội và kinh tế.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, phương cách duy nhất để tránh được cơn bão lớn sắp đến là Nga phải ngưng xâm lược Ukraina. Ông nêu ra các cuộc thương lượng hiện nay về « một thỏa thuận chung giúp xuất khẩu các sản phẩm Ukraina một cách an toàn từ Hắc Hải, và đưa thực phẩm, phân bón của Nga vào thị trường thế giới ».
Theo báo cáo Liên Hiệp Quốc được AFP trích dẫn, 94 nước gồm 1,6 tỉ người đang đối mặt với khủng hoảng tài chánh, thực phẩm hoặc năng lượng không thể giải quyết được. Trong số đó có đến 1,2 tỉ người sống tại những nước phải chịu cả ba cuộc khủng hoảng. Chiến tranh Ukraina làm số người thiếu đói trên thế giới tăng thêm 47 triệu. Tại châu Phi, 58 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói, và tại Nam Á, 500 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề về thực phẩm và tài chánh
OCDE dự báo một năm đen tối
Về phần mình, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) dự báo tỉ lệ tăng trưởng thế giới năm nay sụt giảm mạnh, và lạm phát tăng vọt. Kinh tế gia Laurence Boone trong phần giới thiệu bản báo cáo mang tên « Cái giá của chiến tranh » báo động: « Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trước mắt chúng ta, với hàng ngàn người tử vong, hàng triệu người phải di tản, đe dọa quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra sau hai năm đại dịch ».
Theo tính toán của tổ chức tập hợp 38 nước phát triển, có trụ sở tại Paris, cuộc xâm lăng Ukraina làm thế giới « phải trả giá đắt »: Tỉ lệ tăng trưởng giảm đi 1 điểm, và lạm phát tăng 2,5 điểm so với cùng kỳ năm ngoái, riêng Nga bị suy thoái 10 %.