Đăng ngày: 20/06/2022
Một cuộc biểu tình để đòi được rút tiền ký gởi tại ngân hàng, dự trù được tổ chức hôm 13/06/2022 vừa qua tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, rốt cuộc đã không diễn ra được. Nhiều người không đã đến biểu tình được do mã QR y tế trong ứng dụng Covid của họ đột nhiên biến thành màu đỏ.
Trong tuần qua, dư luận Trung Quốc đã xôn xao trước một loạt hành vi lạm dụng mã QR y tế, vốn được dùng để phòng chống Covid-19, nhưng lại bị một số chính quyền và quan chức địa phương biến thành công cụ nhằm hạn chế các quyền chính đáng của người dân.
Gần đây nhất là sự kiện một cuộc biểu tình để đòi được rút tiền ký gởi tại ngân hàng mà hàng trăm người tiết kiệm nhỏ dự trù tổ chức hôm 13/06/2022 vừa qua tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, rốt cuộc đã không diễn ra được. Lý do là nhiều người ở xa đã không đến biểu tình được vì mã QR y tế trong ứng dụng Covid của họ đột nhiên biến thành màu đỏ khiến cho họ không thể rời nơi ở.
Với chính sách zero Covid tại Trung Quốc, cư dân nhiều nơi ở nước này phải sử dụng ứng dụng có “mã QR y tế” khi dùng các phương tiện giao thông công cộng, đi lại giữa các thành phố hoặc ra vào các tòa nhà và cửa hàng… Người dùng phải trình mã QR trên điện thoại để chứng minh tình trạng sức khỏe được biểu thị bằng màu sắc, với màu đỏ tượng trưng cho việc bị xét nghiệm dương tính với Covid-19 gần đây, hoặc bị nghi ngờ nhiễm bệnh, và phải bị cách ly trong 14 ngày.
Mã y tế biến thành màu đỏ đối với những người muốn biểu tình!
Theo thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, vụ việc ở Hà Nam khởi đầu bằng những khó khăn tài chính của bốn ngân hàng nhỏ trong tỉnh, vốn đã quyết định đóng băng tiền ký gửi của khách hàng kể từ tháng Tư. Nhiều người tiết kiệm nhỏ sống ở xa thủ phủ Trịnh Châu hay ở các tỉnh lân cận đã quyết định lên Trịnh Châu biểu tình đòi rút tiền gửi.
Vấn đề là khi xuống xe, khi đến nhà ga hoặc sân bay, họ đã bị chặn lại vì mã QR y tế của họ đã chuyển thành màu đỏ, cho dù là trước khi đi họ đã thực hiện xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính.
Do chính sách zero Covid, chính quyền ở Trịnh Châu đã yêu cầu bất kỳ ai vào thành phố từ một khu vực khác phải báo trước ba ngày. Tuy nhiên, theo một số lời khai được công bố trên báo chí, nhiều người Trung Quốc muốn đến Trịnh Châu trong những tuần gần đây đã thấy mã của họ đổi thành màu đỏ, khi họ đến nhà ga ở thành phố này, hoặc thậm chí trước khi họ khởi hành.
Theo báo Le Monde, chính các quan chức ở tỉnh Hà Nam đã cho đổi mã y tế của những người dân này thành màu đỏ, để ngăn họ di chuyển, vì sợ rằng những người gửi tiết kiệm sẽ đến đòi tiền ký gởi của họ ở bốn ngân hàng đang gặp khó khăn.
Một đoạn video công bố hôm 14/6 trên mạng Vi Bác cho thấy một phụ nữ cố đến ngân hàng, nhưng đã bị mười nhân viên bảo vệ chận giữ. Bà vừa khóc vừa nói: “Tôi chỉ là một người dân bình thường, tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết đó là tiền của tôi… Tôi đã gởi tiền vào ngân hàng này và phải được tự do rút tiền ra. Thế mà các người lại muốn ngăn chúng tôi lại… hãy trả ngay tiền lại cho tôi!”
Lạm dụng mã QR y tế để đàn áp người khiếu kiện
Việc lạm dụng mã QR y tế chống dịch Covid tại Hà Nam không phải là một sự kiện riêng lẻ. Truyền thông Trung Quốc trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều vụ việc tương tự.
Theo thông tín viên RFI, ngay từ tháng Tư năm 2020, tổng biên tập trang mạng Sixth Tone, có trụ sở tại Thượng Hải, đã cảnh báo nguy cơ lạm dụng dữ liệu cá nhân được thu thập nhằm mục đích phòng chống dịch bệnh
Trong bài viết về vụ Hà Nam, trang thông tin này cũng đã nêu lên một ví dụ lạm dụng khác liên quan đến một số sở hữu chủ của các căn hộ đang được xây dựng, nhưng công trình bị đã bị dừng lại. Những người này đã đột nhiên thấy mã y tế QR của họ chuyển sang màu đỏ vào Chủ nhật 12/06, ba ngày sau khi nộp đơn khiếu nại lên tòa thị chính Trịnh Châu.
Vào năm ngoái, thành phố này đã bị phê phán vì đã đặt mua một hệ thống theo dõi hành tung của của các nhà báo thông qua điện thoại và camera nhận dạng khuôn mặt. Vụ việc sau đó đã bị chính quyền ém nhẹm và kiểm duyệt.
Báo Le Monde cũng nêu một số vụ khác: Trên mạng Vi Bác, một phụ nữ cho biết mã y tế của bà đã đổi thành màu cam – điều cũng hạn chế việc di chuyển của bà – đúng vào hôm bà chuẩn bị ra tòa để phản đối việc phá hủy ngôi nhà của mình.
Mã QR y tế: “Gông cùm điện tử”?
Dẫu sao thì vụ lạm dụng mã QR y tế tại tỉnh Hà Nam đã lập tức gây chấn động dư luận, buộc truyền thông nhà nước phải nhanh chóng lên tiếng.
Theo Le Monde, các hashtag liên quan đã được hơn 350 triệu lượt người dùng Internet tại Trung Quốc theo dõi. Mã y tế được áp dụng từ năm 2020 đến nay đôi khi được gọi là “gông cùm điện tử”.
Một cư dân mạng tố cáo: “Chính quyền hiện có quyền quyết định xem một người có khỏe mạnh hay không, hay chính xác hơn là liệu anh ta có tạo thành “mối đe dọa” cho người khác hay không”., tố cáo của một người dùng. Một người khác thì phàn nàn rằng: “Đây có lẽ mới chỉ là bắt đầu”, và được trả lời ngay rằng: “Từ ‘có lẽ’ hơi bị dư”.
Một bình luận trên Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định: “Mã y tế chỉ có thể được sử dụng để phòng chống dịch bệnh”. Vài hôm sau, một tờ báo tại Hà Nam cũng viết: “Mã y tế chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích liên quan đến Covid”.
Trang mạng China Digital Times trích lời một luật sư ở Thượng Hải cảnh báo: “Mục đích phòng chống dịch bệnh rất rõ ràng: Nếu công dân bị mã đỏ giới hạn khi họ muốn thực hiện các quyền khác, mục tiêu mà mã y tế nhắm tới sẽ bị phá hủy”.
Không kiểm duyệt thông tin để cảnh cáo các địa phương?
Giới quan sát tình hình Trung Quốc đã ít nhiều ngạc nhiên trước việc hệ thống kiểm duyệt của Bắc Kinh đã không ra tay trong vụ Hà Nam.
Trên báo Le Monde, Pierre Sel, một nghiên cứu sinh tại Đại Học Vienna (Áo) và đồng sáng lập EastIsRed, một công ty tư vấn chuyên về Trung Quốc, ghi nhận rằng thoạt đầu, ngay sau khi được tung ra, thông tin về vụ Hà Nam đã bị kiểm duyệt, nhưng sau đó đã bùng lên trên báo chí, trên cả các phương tiện truyền thông “tự do” lẫn “nhà nước”.
Theo chuyên gia này đó có thể là dấu hiệu “một mặt về sự cảnh giác của xã hội dân sự trước sự lộng hành của chính quyền địa phương, và mặt khác là sự nhạy cảm của các cơ quan chức năng trong vấn đề này, nhất là đối với những người dân là nạn nhân của hành vi xâm phạm các quyền lợi chính đáng của họ”.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh cũng tự hỏi: “Phải chăng chính quyền trung ương đã để vụ bê bối leo thang để nhắc nhở một số lệnh cấm đối với các tỉnh đang gặp khó khăn về tài chính liên quan đến khủng hoảng bất động sản? Dù sao chăng nữa thì vụ này nêu bật những khó khăn của các ngân hàng và “một vụ lừa đảo khổng lồ trị giá 5,7 tỷ euro”.
Riêng đối với vụ lạm dụng mã QR, một cuộc điều tra nội bộ đang được tiến hành ở Trịnh Châu để tìm ra những quan chức đã quyết định sử dụng dữ liệu y tế cho các mục đích chính trị.