Mạng lưới Hành động Khí hậu kêu gọi Việt Nam phóng thích bà Ngụy Thị Khanh

RFA
2022.06.21

Mạng lưới Hành động Khí hậu kêu gọi Việt Nam phóng thích bà Ngụy Thị KhanhChủ tịch hội đồng quản trị Mạng lưới Hành động Khí hậu Đông Nam Á Ngụy Thị Khanh

 Climate Action Network

Ba ngày sau khi Việt Nam kết án nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thế giới Ngụy Thị Khanh, ngày 20/6, Mạng lưới Hành động Khí Hậu (CAN)- một mạng lưới toàn cầu bao gồm 1.500 tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống thảm hoạ khí hậu từ hơn 130 nước, đã ra thư ngỏ kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà và những người hoạt động môi trường đang bị cầm tù.

Trong thông cáo báo chí, CAN lên án việc Việt Nam kết án bà Khanh, một người hoạt động chống nhiệt điện than và là người Việt đầu tiên được giải thưởng môi trường danh giá Goldman- giải thưởng cao quý nhất trên thế giới về môi trường.

Tổ chức này lưu ý trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thẳng tay đàn áp các nhà hoạt động môi trường, và các nhóm lợi ích ở quốc gia này đã khiến hoạt động bảo vệ môi trường trở nên vô cùng rủi ro. 

Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ bà Khanh- lãnh đạo của Trung tâm Phát triển Xanh (GreenID) kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mạng lưới Hành động Khí hậu Đông Nam Á (CANSEA) – vào đầu năm nay với cáo buộc “trốn thuế” và lục soát văn phòng của bà ở Hà Nội.

Mạng lưới toàn cầu này nói rằng bà là một trong số những nhà hoạt động môi trường bị Chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu gần đây. 

Bà Tasneem Essop, Giám đốc Điều hành của CAN nhận định, việc đàn áp, sách nhiễu và nhắm vào các nhà bảo vệ môi trường cũng như các nhà lãnh đạo xã hội dân sự là một xu hướng nguy hiểm trên toàn thế giới.   

Không có công lý khí hậu nếu không có công bằng xã hội và bảo vệ các quyền cơ bản của con người – quyền của mọi người để phản đối, thách thức hiện trạng và nhà nước cũng như tự do tham gia vào công việc của chúng tôi mà không sợ bị ảnh hưởng.”

CAN kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Ngụy Thị Khanh và tất cả các nhà hoạt động xã hội dân sự khác bị chính quyền Việt Nam nhắm mục tiêu gần đây.”

Bà Essop đồng thời cho biết tổ chức quốc tế về môi trường đang theo dõi sát sao tình hình, không chỉ riêng ở Việt Nam và đoàn kết với tất cả những người chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn, an toàn hơn.

Nithi Nesadurai, Giám đốc và Điều phối viên Khu vực của Mạng lưới Hành động Khí hậu Đông Nam Á, nói trong thông cáo: “Rõ ràng là trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị CANSEA, bà Ngụy Thị Khanh đã bị bỏ tù vì các hoạt động môi trường, đặc biệt là chống sử dụng than, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự phản đối từ các nhóm môi trường.

Vụ bắt giữ bà đã gây rúng động dư luận đối với các nhóm xã hội dân sự về môi trường khác đang vận động bảo vệ môi trường và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Chúng tôi kêu gi Chính phủ Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho bà và tất cả những người bị giam giữ chỉ vì đã thực hiện công việc bảo vệ khí hậu.”

CAN nhắc lại các hoạt động bảo vệ môi trường của bà Khanh nhằm giảm việc sử dụng nhiệt điện than cũng như cổ suý quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, trong đó có việc tư vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng hơn và cam kết loại bỏ than đá nhanh hơn. Bà còn tích cực thúc đẩy việc thực hiện chương trình lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của một triệu ngôi nhà ở Việt Nam. 

Thông cáo cũng nhắc đến tuyên bố kêu gọi Việt Nam phóng thích bà Nguỵ Thị Khanh của ông Michael Sutton, Giám đốc điều hành Giải thưởng Môi trường Goldman, cơ quan đã trao giải thưởng cao quý cho bà. Ông còn nói “Chúng tôi tin rằng các cáo buộc pháp lý nhằm vào bà ấy là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt ​​miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam.”

Trước khi CAN ra thông cáo báo chí, đã có nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế chỉ trích việc Việt Nam kết án tù bà Nguỵ Thị Khanh và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà, trong đó có Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tiến sĩ Kimiko Hirata- khôi nguyên Giải Goldman vào năm 2021 và là Giám đốc tổ chức Climate Integrate của Nhật Bản, Jake Schmidt – Giám đốc Chiến lược Cấp cao của Chương trình Quốc tế về Khí hậu thuộc Natural Resources Defense Council (NRDC), và Shruti Suresh, người đứng đầu Chiến dịch Các nhà bảo vệ môi trường và đất đai của tổ chức Global Witness.

Bài Liên Quan