Ukraine: Thủ tướng Đức nói Vladimir Putin đang cố gắng chia rẽ Châu Âu

21 tháng 6 2022

Olaf Scholz

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói Tổng thống Nga sợ hãi “dân chủ nhen nhóm” lan đến quốc gia của mình, đồng thời cho rằng Putin đang cố gắng chia rẽ Châu Âu để quay trở lại một thế giới bị các khu vực có sức ảnh hưởng thống trị.

Trả lời phỏng vấn báo Münchner Merkur của Đức hôm 20/06, ông Olaf Scholz bình luận về việc liệu Putin sẽ muốn chấp nhận Ukraine trở nên gần hơn với Liên minh Châu Âu (EU) hay không.

“Tổng thống Nga phải chấp nhận rằng một cộng đồng các nền dân chủ dựa trên luật pháp của các nước láng giềng đang xích lại gần với nhau hơn,” ông Olaf Scholz nói. “Ông ấy rõ ràng sợ hãi dân chủ nhen nhóm lan đến quốc gia mình.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova đã bác bỏ các bình luận trên trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội: “Sự nhen nhóm của Đức đã lan đến chúng tôi vài lần. Chúng tôi sẽ không để có thêm đám cháy nào nữa.”

Ủy ban Châu Âu (EC) hồi tuần rồi đã đưa ra khuyến nghị Ukraine nên được trao tư cách ứng viên để gia nhập EU, một động thái mà ông Scholz nói ủng hộ.

Trong cuộc họp báo chung tại Kyiv ngày 17/06 với các lãnh đạo Ukraine, Pháp, Ý và Romania, ông Scholz nói, “Ukraine thuộc về gia đình Châu Âu”. Nhưng ông Scholz cũng nói thêm rằng Ukraine vẫn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí gia nhập.

Dự kiến tất cả 27 nhà lãnh đạo quốc gia thuộc EU sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 23 và 24/06 tới đây tại Brussels.

Gas pipeline

Ông Scholz cũng đồng thời cảnh báo việc giá cả năng lượng tăng vọt sẽ có thể kéo dài.

Hôm 20/06, các công ty thu mua khí đốt lớn nhất của Châu Âu đã chạy đua tìm các nguồn cung nhiên liệu thay thế nguyên liệu từ Nga. Họ có thể sử dụng thêm than đá để đối phó với lượng cung khí đốt sụt giảm từ Nga, đe dọa xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông.

Đức, Ý, Áo và Hà Lan đã phát đi tín hiệu rằng các nhà máy điện chạy bằng than có thể giúp Châu Âu vượt qua một cuộc khủng hoảng năng lượng, mà theo đó giá khí đốt tăng vọt và khiến các nhà làm chính sách phải đối mặt thêm với tình trạng lạm phát.

Đức, quốc gia đang phải đối phó với nguồn cung khí đốt sụt giảm từ Nga đã công bố kế hoạch mới nhất để tăng mức dự trữ khí đốt và cho biết họ sẽ khởi động lại các nhà máy điện chạy bằng than.

“Thật đau đớn, nhưng đây thuần túy là sự cần thiết trong tình hình phải giảm tiêu thụ khí đốt,” Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck nói.

Hiện lượng khí đốt của Nga đến Đức qua qua đường ống dẫn Nord Stream 1, đường ống khí đốt chính từ Nga đến với nền kinh tế đầu tàu Châu Âu vẫn chỉ đang ở mức 40% công suất, tính đến ngày 20/06.

Trong khi đó, phía Moscow hôm 20/06 nhắc lại chỉ trích rằng Châu Âu nên tự trách chính mình về cuộc khủng hoảng trên thị trường khí đốt, sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.

Tập đoàn Gazprom do nhà nước Nga kiểm soát nói đã cắt công suất Nord Stream 1 hồi tuần rồi, nói rằng việc trả lại các thiết bị do Siemens Energy của Đức cung cấp bị trì hoãn ở Canada.

2px presentational grey line

Các diễn biến khác:

  • Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga có thể tăng cường “hoạt động thù địch” trong tuần này khi Kyiv chờ đợi một quyết định lịch sử của EU về việc có trao tư cách ứng viên để gia nhập khối này hay không.
  • Nga cho biết đã chiếm được làng Metiolkine gần thành phố Sievierodonetsk ở vùng Luhansk. Ngôi làng chỉ có chưa đến 800 cư dân trước thời điểm cuộc xâm lược bùng phát. Ukraine cho biết Nga đã ‘chiếm được 1 phần’ khu vực này.
  • Ukraine đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung thực phẩm toàn cầu, xuất khẩu lúa mì và các loại ngũ cốc khác sang các quốc gia trên thế giới. Đó là lý do việc Nga chặn các cảng biển của Ukraine đang gây tổn thất nặng nề, Cao ủy Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell hôm 20/06 đã gọi đây “tội ác chiến tranh thật sự”.
  • Phát biểu trước Liên minh Châu Phi (AU), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi Châu Phi là “con tin” trong cuộc chiến tranh của Nga, vì các hậu quả gây ra do giá thực phẩm tại đây tăng. Các nhà lãnh đạo thế giới đang cân nhắc các biện pháp khác để có thể xuất khẩu thực phẩm từ Ukraine, bao gồm đường bộ và đường sắt, nhưng khó để lắp đầy sự sụt giảm này khi Nga chặn các tàu rời khỏi các cảng ở Biển Đen.
  • Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Lithuania ngay lập tức dỡ bỏ các lệnh cấm “mang tính thù địch công khai” đối với tuyến đường sắt vốn được dùng để vận chuyển hàng hóa trong danh sách bị EU trừng phạt sang vùng ngoại ô Kaliningrad. Kremlin đe dọa nếu Lithuania không nhanh chóng phục hồi hoàn toàn việc vận chuyển hàng trên tuyến đường sắt này, Nga sẽ tiến hành các biện pháp không được công bố để bảo vệ lợi ích quốc gia. Vốn nằm kẹp giữa EU và 2 quốc gia thành viên Nato là Ba Lan và Lithuania, Kaliningrad nhận hàng hóa từ Nga qua tuyến đường sắt này và khí đốt qua đường ống từ Lithuania. Hồi tuần rồi, quốc gia vùng Baltic này đã công bố sẽ cấm vận chuyển hàng hóa thuộc danh sách trừng phạt của EU trên tuyến đường sắt này, từ vùng đất liền của Nga sang Kaliningrad.

Bài Liên Quan