- Frank Gardner
- Phóng viên quốc phòng BBC, Madrid
28 tháng 6 2022, 18:53 +07
Cập nhật một giờ trước
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Madrid trong tuần này, vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử 73 năm của liên minh.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine được miêu tả là cú sốc chiến lược lớn nhất đối với phương Tây kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001.
Nato là liên minh quân sự duy nhất có khả năng bảo vệ châu Âu khỏi sự xâm lược của Nga, nhưng họ có chiến lược gì không?
Cách đây chưa đầy ba năm, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố rằng Nato là “kẻ chết não”.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới để tiến vào Ukraine, phản ứng của phương Tây là rất đáng chú ý vì sự thống nhất, tốc độ và sự mạnh mẽ. Tổ chức này đã được hồi sinh với mục đích mới – củng cố biên giới và cung cấp vũ khí.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố điều mà ông gọi là “sự thay đổi cơ bản trong khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh”, tăng cường phòng thủ ở biên giới phía đông và nâng lực lượng phản ứng nhanh lên hơn 300.000 quân.
Liên minh đối mặt với một số thách thức, từ chiến tranh hỗn hợp đến sự mất ổn định ở vùng Balkan, cho đến các cuộc tấn công mạng, quân sự hóa không gian và chuyện cần phải làm gì trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Stoltenberg cho biết lần đầu tiên, hội nghị thượng đỉnh NATO lần này sẽ giải quyết những gì mà liên minh gọi là “những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra đối với an ninh, lợi ích và giá trị của chúng ta”.
Dưới đây là một số vấn đề cấp bách nhất có thể sẽ được thảo luận trong tuần này.
1. Tránh leo thang trong chiến tranh Ukraine
Nato đang phải đối diện với việc duy trì hành động giữ cân bằng.
Liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, gồm 30 quốc gia thành viên, trong đó có ba quốc gia có vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp không muốn có chiến tranh với Nga.
Tổng thống Putin đã nhiều lần nhắc nhở phương Tây rằng ông có một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và thậm chí một cuộc đụng độ xuyên biên giới cấp thấp cũng có thể nhanh chóng leo thang, vượt khỏi tầm kiểm soát.
Vì vậy, thách thức lớn nhất trong bốn tháng qua là làm thế nào để giúp Ukraine tự vệ trước cuộc xâm lược vô cớ này mà bản thân liên minh không bị cuốn vào cuộc giao tranh.
Những kiềm chế ban đầu của phương Tây về việc không gây khó chịu cho Moscow qua cách gửi vũ khí hạng nặng tới Kyiv đã bị gạt sang một bên, khi các chi tiết khủng khiếp về tội ác chiến tranh và hành động tàn ác của Nga xuất hiện, và những chi tiết đó được củng cố bởi dữ liệu vệ tinh.
Hội nghị thượng đỉnh Madrid sẽ cần phải xác định mức độ giúp đỡ quân sự mà các nước Nato có thể cung cấp và trong thời gian bao lâu nữa.
Hiện tại, Moscow đang giành chiến thắng ở Donbas, khu vực có phần lớn dân nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine, mặc dù phải trả giá rất lớn về nhân mạng và vật chất.
Nga sẽ cố gắng duy trì những lợi ích lãnh thổ này, có thể là sáp nhập chúng giống như cách đã làm với Crimea vào năm 2014.
Trong trường hợp không có hiệp ước hòa bình, Nato sẽ phải đối mặt với một tình thế khó xử mới sau này.
Liệu Nato có tiếp tục vũ trang cho người Ukraine khi họ cố gắng giành lại vùng đất mà Moscow hiện coi là một phần hợp pháp của Liên bang Nga? Điện Kremlin đã ra chỉ dấu rằng việc vũ khí phương Tây tấn công vào đất Nga là vượt qua làn ranh đỏ, do đó, nguy cơ leo thang sẽ tăng lên đáng kể.
2. Duy trì sự đoàn kết đối với Ukraine
Nếu Nga chỉ tấn công Donbas chứ không xâm lược toàn bộ Ukraine từ ba phía, thì có thể chúng ta đã không nhìn thấy sự đoàn kết bất thường như vậy trong phản ứng của phương Tây.
Sáu vòng trừng phạt của EU đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga, và Đức đã hủy bỏ đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 trị giá nhiều tỷ, lẽ ra sẽ đưa khí đốt của Nga tới miền bắc nước Đức.
Nhưng có những chia rẽ trong liên minh phương Tây về việc có thể trừng phạt Nga nhiều tới mức nào, và các nền kinh tế phương Tây có thể chịu đựng được tới mức nào.
Những vấn đề này nhiều khả năng sẽ được bàn tới ở Madrid.
Đức bị cáo buộc là đã chùn chân trong việc thực hiện lời hứa giao vũ khí, trong khi Hungary, do một thủ tướng có quan hệ mật thiết với Tổng thống Putin đứng đầu, đã không chịu ngưng việc mua dầu của Nga.
Ở đầu ngược lại thì các quốc gia cảm thấy bị Moscow đe dọa nhiều nhất, cụ thể là Ba Lan và các nước vùng Baltic, đang thúc đẩy chiến dịch cứng rắn nhất có thể và tăng quân tiếp viện của Nato ở vùng biên giới của mình.
3. Bảo vệ vùng Baltic
Khu vực này có tiềm năng trở thành điểm nóng chính giữa Nato và Nga. Trong tháng này, Nga đã đe dọa “các biện pháp đối phó thực tiễn” sau khi Lithuania chặn một số hàng hóa bị EU trừng phạt đi qua lãnh thổ của mình để đến Kaliningrad, vùng đất của Nga ở Baltic.
Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, chỉ trích Nato là đã không chuẩn bị tốt để đối phó với một cuộc xâm lược xuyên biên giới của Nga.
Chiến lược hiện tại dự kiến chỉ tính đến khả năng cố gắng chiếm lại lãnh thổ Estonia sau khi bị Nga xâm lược.
“Họ có thể xóa sổ chúng tôi khỏi bản đồ,” bà nói.
Estonia, Latvia và Lithuania đều đã từng – một cách không tự nguyện – là một phần của Liên bang Xô viết. Ngày nay, họ là các quốc gia độc lập và tất cả đều là thành viên Nato.
Có bốn nhóm chiến đấu đa quốc gia đóng tại ba nước này, bên cạnh Ba Lan. Anh dẫn đầu nhóm ở Estonia, Hoa Kỳ dẫn đầu ở Ba Lan, Đức dẫn đầu ở Lithuania, và Canada dẫn đầu ở Latvia.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định của Nato đều biết quá rõ rằng những nhóm chiến đấu này sẽ chỉ là mang tính đối phó chiến lược trước cuộc xâm lược của Nga trong tương lai.
Quốc gia nào lo ngại sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga sau Ukraine?
Chúng quá nhỏ để ngăn chặn một cuộc tấn công có phối hợp của quân đội Nga. Các nhà lãnh đạo Baltic hiện muốn có ít nhất một bộ phận lực lượng Nato đóng tại mỗi quốc gia như một biện pháp răn đe nghiêm túc. Đây có thể sẽ là một chủ đề được tranh luận sôi nổi ở Madrid.
4. Cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Nato
Phần Lan và Thụy Điển, cả hai đều đang rất giận dữ, lo lắng trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào một quốc gia có chủ quyền, đã quyết định từ bỏ vị trí trung lập và gia nhập Nato.
Liên minh đang chào đón họ với vòng tay rộng mở, nhưng mọi chuyện không hoàn toàn đơn giản. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Nato kể từ 1952, đã ngăn chặn sự gia nhập của hai nước này với lý do cả hai quốc gia Bắc Âu đều chứa chấp người Kurd ly khai, nhóm người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Nhưng vì Phần Lan và Thụy Điển rất quan trọng đối với Nato, nên mọi nỗ lực sẽ được đưa ra nhằm xử lý sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Một khi họ hai nước này tham gia, Biển Baltic sẽ thực sự trở thành một “hồ nước Nato”, giáp ranh với tám quốc gia thành viên, với hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp liên kết.
Nhìn xa hơn, Nato sẽ cần phải quyết định xem họ có ý định kết nạp các thành viên mới như Georgia và Moldova hay không, xét trong tương quan với nguy cơ có thểc kích động tới Nga.
5. Tăng gấp mức chi tiêu quốc phòng
Hiện tại, các thành viên Nato có nghĩa vụ chi 2% GDP hàng năm cho quốc phòng, nhưng không phải tất cả đều làm như vậy.
Số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy trong khi Hoa Kỳ chi 3,5% cho quốc phòng và Anh 2,2%, thì Đức chỉ chi 1,3% còn Ý, Canada, Tây Ban Nha và Hà Lan đều chưa đạt mục tiêu 2%. Nga chi 4,1% GDP cho quốc phòng.
Khi Donald Trump còn là Tổng thống Hoa Kỳ, ông đã ra lời đe dọa nổi tiếng là sẽ đưa Mỹ ra khỏi liên minh nếu các quốc gia thành viên khác không tăng mức chi phí của họ lên.
Điều này đã có một số ảnh hưởng, nhưng cuộc xâm lược Ukraine còn có tác động nhiều hơn thế.
Chỉ ba ngày sau khi cuộc chiến nổ ra, Đức tuyên bố sẽ phân bổ thêm 100 tỷ euro cho quốc phòng và cuối cùng nâng hạn ngạch lên trên 2%.
Tuần này, người đứng đầu Nato thông báo rằng chín trong số 30 quốc gia thành viên đã đạt hoặc vượt mục tiêu 2%, và 19 quốc gia khác có kế hoạch rõ ràng để đạt mục tiêu vào năm 2024.
Con số 2%, Jens Stoltenberg nói, “nên là mức sàn, không phải mức trần”.
Các nhà phân tích và chỉ huy quân sự phương Tây nhất trí kêu gọi tăng gấp chi tiêu quốc phòng nếu muốn ngăn chặn sự hung hăng của Nga.
Nhưng các đợt cắt giảm quốc phòng liên tiếp trong những thập kỷ gần đây đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Nato có còn đủ lực lượng để ngăn chặn sự xâm nhập của Nga trong tương lai hay không.
Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Anh gần đây đã được tăng, nhưng nước này có những khoản lãng phí lớn trong mua sắm.
Lực lượng quân đội Anh hiện có 82.000 quân, tính cả những người đang được đào tạo, nhưng sau khi cắt giảm, con số này sẽ giảm xuống còn 72.500.
Đáng lo ngại hơn, cả Nga và Trung Quốc đều đi trước phương Tây trong việc phát triển tên lửa siêu thanh có thể bay tới mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và di chuyển theo đường đi không thể đoán trước.
Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm giá thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh trên toàn cầu, ngay sau đại dịch, khiến ngân khoản đã trở nên rất eo hẹp.
Việc phân bổ nhiều tiền hơn cho quốc phòng có thể không làm người dân hài lòng, khi mà trong nước còn quá nhiều yêu cầu cấp bách khác cần chính phủ chi tiêu.
Tuy nhiên, các lãnh đạo quân đội cảnh báo rằng nếu Nato không củng cố an ninh của mình ngay bây giờ, thì cái giá phải trả cho những hành động xâm lược hơn nữa của Nga trong tương lai sẽ vô cùng lớn.