Đăng ngày: 19/07/2022
Hôm nay 19/07/2022, nguyên thủ quốc gia ba nước Nga – Thổ – Iran họp thượng đỉnh tại Teheran, thủ đô Iran. Vladimir Putin, Recep Tayyip Erdogan và Ebrahim Raïssi là ba nhà lãnh đạo giữ vai trò then chốt trong hồ sơ Syria, chủ đề chính trong cuộc thảo luận 3 bên lần này. Bên cạnh đó là chủ đề Ukraina và các tác động của cuộc chiến tới nền kinh tế thế giới
Thượng đỉnh 3 bên hôm nay 19/07 tại Teheran là thượng đỉnh đầu tiên do tổng thống Iran Ebrahim Raïssi chủ trì kể từ khi ông lên nắm quyền cách nay 1 năm. Về phần tổng thống Nga Puitn, đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina hôm 24/02.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Erdogan họp với Putin kể khi cuộc chiến ở Ukraina khai diễn. Hôm qua, cố vấn ngoại giao của điện Kremlin, Iouri Ouchakov, được truyền thông Nga trích dẫn, cho biết đích thân lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bàn về các cơ chế cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina hiện đang bị phong tỏa ở các cảng biển miền nam nước này, góp phần giảm nguy cơ khủng hoảng thế giới về lương thực, thực phẩm.
Riêng về hồ sơ Syria, mỗi vị tổng thống đến dự thượng đỉnh với một chương trình nghị sự riêng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, hy vọng sẽ được các đồng nhiệm Nga và Iran bật đèn xanh để tiến hành một chiến dịch tấn công mới nhắm vào các lực lượng người Kurdistan tại miền bắc Syria. Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết về chiến dịch dự kiến của Ankara :
Từ 2 tháng nay, nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên thông báo về một chiến dịch sắp diễn ra nhắm vào lực lượng người Kurdistan thuộc Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân – YPG – giữa các thị trấn Tel Rifaat và Manbij, miền bắc Syria. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ thiết lập ở đó « một khu vực an ninh sâu 30 km (…) sạch bóng khủng bố ». Thổ Nhĩ Kỳ coi các đơn vị YPG là khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không cần « bất kỳ ai cho phép » thì mới thực hiện được chiến dịch tấn công tại Syria. Trên thực tế, cũng như 3 chiến dịch từng được thực hiện từ tháng 08/2016, chiến dịch lần này sẽ không thể được tiến hành nếu không có thỏa thuận dưới một hình thức nào đó với Nga, đồng minh lớn nhất của chế độ Syria, và lực lượng quân sự thống trị tại khu vực do Tayyip Erdogan chỉ định ở phía tây sông Euphrate. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải bảo đảm đạt được một thỏa thuận ngầm với Iran, do có sự hiện diện của lực lượng dân quân thân Iran quanh Tel Rifaat, một vùng phía bắc thành phố Alep.
Cho đến nay, cả Matxcơva và Teheran đều không ủng hộ kế hoạch của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Tayyip Erdogan hy vọng sẽ được tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Iran Ebrahim Raïsi bật đèn xanh để mở một chiến dịch can thiệp, cho dù chỉ với một quy mô hạn chế, mà ông hy vọng là sẽ thực hiện trong vài ngày nữa hoặc vài tuần nữa.