Lãnh đạo Quốc Hội Mỹ đi Đài Loan, Quân đội Mỹ lo lắng: Thực hư ra sao ?

Đăng ngày: 23/07/2022

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tiếp một phái đoàn nghị sĩ Mỹ tại phủ tổng thống, Đài Bắc, ngày 15/04/2022. AP

Trọng Thành

Chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Quốc Hội Mỹ gây bất đồng từ phía Quân đội Mỹ. Bắc Kinh tuyên bố thử thành công tên lửa tầm bắn 500 km có thể tấn công mọi căn cứ ở Ấn Độ. Sự việc tổng thống Nga phải chờ đợi đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ gần một phút đồng hồ, trước cuộc hội kiến song phương tại Teheran, gây nhiều đồn đoán về quan hệ Nga – Thổ.

Tây Ban Nha chỉ trích kế hoạch cắt giảm đồng loạt 15% tiêu thụ khí đốt của Liên Âu là bất công, bất hợp lý. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Eo biển Đài Loan như một thùng thuốc súng. Quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng đến đâu ? Nguy cơ bùng nổ xung đột đến đâu ? Khả năng hòa dịu thế nào ?… Rất nhiều vấn đề trong quan hệ Mỹ – Trung thể hiện rõ qua ứng xử với Đài Loan. Ngày thứ Ba 19/07, bất ngờ lan truyền các thông tin từ nội bộ chính quyền Mỹ về các bất đồng của hành pháp đối với chuyến đi Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện, dự kiến vào tháng tới. Ngày hôm sau, thứ Tư 20/07, trả lời báo giới, tổng thống Joe Biden xác nhận : ‘‘Quân đội cho rằng một chuyến đi như vậy là không phù hợp vào lúc này’’. Hãng tin Pháp AFP cho biết trong cuộc trả lời báo chí hôm thứ Năm 21/07, chủ tịch Hạ Viện thậm chí khẳng định rõ: lý do lo ngại của Quân đội có thể là Trung Quốc liều lĩnh ‘‘bắn hạ’’ chuyến phi cơ đưa đoàn Quốc Hội Mỹ đến Đài Loan. Thông tin rò rỉ về chuyến đi của chủ tịch Quốc Hội Mỹ đầu tuần này khiến Bắc Kinh giận dữ.

Về những bất đồng trong nội bộ chính quyền Mỹ và căng thẳng Mỹ – Trung liên quan đến kế hoạch của bà Pelosi, thông tín viên David Thomson từ Miami cho biết thêm: 

‘‘Chuyến công du dự kiến của chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến Đài Loan hiện vẫn chưa được xác nhận, nhưng đã gây ra nhiều xáo động ở thượng đỉnh quyền lực Mỹ. ‘‘Quân đội cho rằng, đó không phải là ý kiến ​​hay’’ – tổng thống Joe Biden cảnh báo sáng nay. Phản ứng được đưa ra, sau khi có các cảnh báo rất cứng rắn từ Trung Quốc. Bắc Kinh đe dọa sẽ có các biện pháp mạnh mẽ để ‘‘bảo vệ chủ quyền quốc gia’’, nếu chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ diễn ra vào mùa hè này.  

Chủ tịch Hạ viện Mỹ – người công khai chỉ trích Bắc Kinh – trên thực tế đã có cuộc nói chuyện trực tuyến với phó tổng thống Đài Loan hồi tháng Giêng năm nay. Nếu chuyến đi diễn ra, bà Nancy Pelosi, nhà lãnh đạo quan trọng đứng hàng thứ ba trong hệ thống quyền lực Mỹ, sẽ là lãnh đạo cao cấp nhất của nước Mỹ công du Đài Loan kể từ năm 1997.  

Thế đối đầu nói trên khiến tình hình thêm tồi tệ, bởi tổng thống Joe Biden – dự kiến sẽ gặp đồng cấp Trung Quốc trong mươi hôm tới – vốn đã khiến Bắc Kinh tức giận vào cuối tháng 5 vừa qua, khi khẳng định là Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan sẽ chỉ là vấn đề thời gian theo cơ quan tình báo Mỹ CIA’’. 

Kế hoạch Đài Loan của bà Pelosi : Động thái nắn gân Trung Quốc ?

Nhưng thế khó xử không chỉ ở về phía nội bộ chính quyền Mỹ. Bắc Kinh khó lòng chấp nhận việc chuyến đi của lãnh đạo Quốc Hội Mỹ – nổi tiếng là người kiên trì đường lối vận động cho dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc – có khả năng khiến phe đòi độc lập tại ‘‘hòn đảo nổi loạn’’ Đài Loan thêm phần phấn chấn. Năm 1991, khi còn là dân biểu, bà Pelosi đã từng trương biển tưởng niệm các sinh viên trong vụ thảm sát 1989, ngay tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Hạ Viện Mỹ trong những năm gần đây, dưới quyền chủ tịch của bà Nancy Pelosi, cũng là định chế đưa ra nhiều ‘‘chưa từng có’’ các dự luật chống lại chế độ độc tài toàn trị Trung Quốc.

Bắc Kinh vẫn thường xuyên lên án Wahsington từ bỏ nguyên tắc ‘‘Một nước Trung Hoa’’, ủng hộ một Đài Loan độc lập, nhưng chuyến đi dự kiến của lãnh đạo Quốc Hội Nancy Pelosi (lãnh đạo cao cấp nhất đến Đài Bắc từ một phần tư thế kỷ qua), diễn ra đúng vào tháng cực kỳ nhạy cảm đối với chế độ Bắc Kinh – hơn 2 tháng trước cuộc Đại hội đảng 5 năm một lần – quả là điều càng khiến thêm chính quyền Trung Quốc khó xử. Trước đó, vào tháng 4/2022, bà Pelosi từng dự kiến đi Đài Loan, nhưng chuyến đi rút cuộc bị hủy bỏ do bà bị nhiễm Covid. Vào thời điểm đó, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) gọi kế hoạch này là một ‘‘hành động khiêu khích ác ý’’.

Phản ứng của Bắc Kinh với chuyến đi của chủ tịch Quốc Hội Mỹ có thể là một trắc nghiệm cho quan hệ Mỹ – Trung trong vấn đề Đài Loan. Trang mạng Politico chuyên về chính trị Mỹ dẫn lời của cựu đô đốc Hải quân Mỹ Mark Montgomery, cựu quan chức thuộc Ủy ban Quân lực Thượng Viện, khẳng định chuyến đi có thể của bà Pelosi là sự tiếp nối cần thiết cho các phát biểu cam kết bảo vệ Đài Loan, mà tổng thống Biden đã đưa ra ‘‘một cách vô tình hay có chủ đích’’. Giới chính trị gia đảng đối lập Cộng Hòa Hoa Kỳ cũng dường như ủng hộ mạnh mẽ chuyến đi của bà Pelosi. Tuy nhiên, lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng Viện, Mitch McConnell (trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 21/07) cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là Quốc Hội Hoa Kỳ phải thông qua được dự luật về chính sách quốc phòng trước cuối năm nay, để đáp ứng được các đe dọa lâu dài từ Trung Quốc đối với an ninh quốc gia. Và đó mới là ‘‘thông điệp thực sự’’ gửi đến Bắc Kinh.

Trung Quốc thử tên lửa tầm bắn 500 km đúng vào lúc đàm phán với Ấn Độ

Phía đông nam căng thẳng với Đài Loan, phía tây nam, Bắc Kinh duy trì trạng thái sẵn sàng chiến tranh với Ấn Độ. Hôm Chủ nhật 17/07, truyền hình nhà nước Trung Quốc thông báo vừa thử nghiệm thành công hỏa tiễn đa nòng PCL199, triển khai trên Himalaya, có tầm bắn 500 cây số, có thể bắn tới tất cả căn cứ trên đất Ấn Độ (theo chuyên gia quân sự trên South China Morning Post).

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :  

‘‘Trái tên lửa, được gắn trên một chiếc xe tải, đã bắn trúng mục tiêu cách đó vài cây số trên một sa mạc ở miền tây Trung Quốc, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin hôm Chủ Nhật. Hệ thống hỏa tiễn này không phải là chưa được biết đến. Người ta đã có dịp thấy nó được trình diễn lần đầu tiên nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc, ngày mùng một tháng 10/2019. Điểm mới lần này là ngoài tên lửa có tầm bắn 350 km, hệ thống hỏa tiễn này giờ đây có thể mang tên lửa đạn đạo mang tên là “Rồng Lửa”, có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 500 km. 

Vụ thử mới này được công bố đúng vào lúc quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang đàm phán tại một đồn biên giới bên phía Ấn Độ, thuộc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), đánh dấu ranh giới tạm thời giữa hai nước tại một số khu vực tranh chấp ở chân dãy Himalaya. Đây cũng là nơi mà các cuộc đụng độ đã nối trở lại hai năm trước, khi Trung Quốc tăng cường hiện diện tại khu vực ‘‘nóc nhà thế giới’’. 

Từ đá, dao đến tên lửa, cuộc phô trương vũ lực tiếp tục diễn ra trong lúc quan hệ ngoại giao giữa hai đại cường châu Á căng thẳng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chấp thuận để Đức Đạt Lai Lạt Ma đến vùng Ladakh. Còn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến đi gần đây tới Tân Cương, đã biểu dương các binh sĩ Quân đội Nhân dân đã tham gia vào đụng độ với các lực lượng Ấn Độ’’. 

Bài Liên Quan