Cục diện chiến tranh ở Ukraina cho thấy phương Tây chọn đúng chiến lược

Đăng ngày: 14/09/2022

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mặc áo mang màu quốc kỳ Ukraina phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp, ngày 14/09/2022. AP – Jean-Francois Badias

Trọng Thành

Cuộc phản công lớn của quân đội Ukraina đẩy lùi quân Nga tiếp tục là chủ đề lớn của nhiều báo Pháp. Liên Âu (EU) áp trần giá điện để đối phó với khủng hoảng năng lượng đe dọa toàn châu lục, là chủ đề nổi bật khác. Về Pháp, báo chí nói nhiều đến việc chính quyền bật đèn xanh cho luật về ‘‘An tử’’’, hay quyền lựa chọn thời điểm từ giã cõi đời, với trợ giúp y tế, một chủ đề vốn được coi là húy kỵ tại Pháp.  

Về cuộc phản công của quân đội Ukraina, Le Monde có bài xã luận ‘‘Ukraina: thực tế cho thấy chiến lược của phương Tây là đúng’’. Tờ báo nói đến chiến lược nào của phương Tây ? Le Monde nhận định : ‘‘Xu thế mới của cuộc chiến tranh, cho thấy rõ năng lực chiến đấu của người Ukraina, và đồng thời xác nhận sự lựa chọn chiến lược của các đồng minh phương Tây của Kiev là đúng : cụ thể là hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraina, nhưng không vượt quá lằn ranh đỏ để trở thành một bên tham chiến’’.  

So với thời điểm khởi đầu cuộc chiến, tình hình giờ đây đã đảo ngược. Quân đội Ukraina hiện tại ‘‘đông hơn, trang bị tốt hơn và quyết tâm hơn nhiều’’. ‘‘Sự trợ giúp quân sự đáng kể chủ yếu từ Hoa Kỳ cho Kiev đã mang lại sự khác biệt trên thực địa’’, cùng với việc các binh sĩ Ukraina được huấn luyện tốt về năng lực tác chiến, đã tỏ ra đáng gờm trên chiến trường.  

Việc phương Tây hỗ trợ mạnh mẽ Ukraina, nhưng không trực tiếp tham chiến, đặt tổng thống Nga, chính quyền Nga đối diện với trách nhiệm của mình. Nga là bên có ‘‘trách nhiệm duy nhất’’, khi gây ra cuộc chiến tranh này. Le Monde đặc biệt chú ý đến các hệ quả của cuộc phản công của Ukraina, bước đầu thành công, đối với xã hội Nga. Một mặt, các thất bại của ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’ (tên gọi mà chính quyền Putin dùng để nói về cuộc chiến tranh hạn chế chống Ukraina), với cuộc phản công nói trên, đang thổi bùng nỗi giận dữ của phe chủ trương ‘‘chiến tranh tổng lực’’ chống Ukraina, khiến xung đột Nga chống Ukraina có nguy cơ leo thang vượt tầm kiểm soát.  

Nhưng mặt khác, các thất bại của quân đội Nga cho dân chúng Nga thấy rõ thực tế trên chiến trường là ‘‘hoàn toàn trái ngược’’ với các luận điệu tuyên truyền của điện Kremlin. Bài xã luận của Le Monde khép lại với nhận định : ‘‘Chính các vũ khí của phương Tây đang góp phần chủ yếu trong việc âm thầm làm sói mòn’’ niềm tin trong xã hội Nga vào bộ máy tuyên truyền của Matxcơva.  

Ukraina thúc đẩy xây dựng dân chủ ngay trong thời chiến 

Cuộc phản công của quân đội Ukraina với sự hỗ trợ của EU, không chỉ đẩy lùi quân Nga mà còn thúc đẩy nỗ lực xây dựng dân chủ tại Ukraina là một hồ sơ khác của Le Monde. ‘‘Chống tham nhũng, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền : giới chức Ukraina đang nỗ lực chuẩn bị cho giai đoạn kết thúc chiến tranh và tái thiết’’. Le Monde coi việc xây dựng dân chủ là một ‘‘mặt trận’’ khác đối với chính quyền Kiev.  

Le Monde dẫn lại nhận xét của nhà quan sát Sergiy Solodkyy (viện tư vấn New Europe Center), tóm lại ba thời điểm mà người Ukraina đã từng thử nghiệm nhưng thất bại. Lần thứ nhất, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nỗ lực xây dựng dân chủ đã bị tầng lớp đặc quyền ở Ukraina và giới mafia trong các xã hội hậu – Xô viết ngăn cản. Lần thứ hai là cuộc Cách mạng Da cam 2004 đã không lật đổ được tầng lớp tài phiệt. Cuộc cách mạng Maidan 2014 đã có cơ hội dẫn đến dân chủ hóa, nhưng bị Nga can thiệp.  

Le Monde ghi nhận một quyết tâm cao tại Kiev hướng đến dân chủ hóa trong bối cảnh chiến tranh. Khắp nơi, mọi người truyền đi câu nói : ‘‘chúng ta không thể thất bại một lần nữa’’. Một ví dụ cho thấy sự thay đổi : thẩm phán Romand Maselko – nổi tiếng trong các nỗ lực chống tham nhũng – vừa được Quốc Hội Ukraina bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng tư pháp cấp cao, phụ trách cải cách hệ thống tư pháp, có thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán. Đây được coi là một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng là một mắt xích yếu.  Theo thẩm phán Romand Maselko, trước chiến tranh, cách nay một năm, ông ‘‘không thể tưởng tượng nổi mình được bổ nhiệm vào vị trí này’’. Chiến tranh chống xâm lược Nga đã thúc đẩy nỗ lực chống tham nhũng tại Ukraina. Nhiều tổ chức xã hội dân sự Ukraina cũng gia tăng hành động để ngăn ngừa việc các nhóm đặc quyền kiếm lợi từ các khoản viện trợ khổng lồ của phương Tây cho Ukraina.  

Le Monde khép lại bài viết với kết luận, trong cuộc chiến tranh này, chính trường Ukraina đang thay đổi sâu sắc. Tổng thống Nga Vladimir Putin rốt cuộc sẽ phải gánh thất bại kép : ‘‘không chỉ Ukraina đã chứng tỏ một cách dứt khoát họ là một dân tộc độc lập, mà điều tồi tệ hơn đối với chính quyền Putin, đó là dân tộc này có khả năng xây dựng được một Nhà nước dân chủ’’.  

‘‘Cuộc chiến tranh tại Ukraina làm EU thay đổi như thế nào’’ 

Cuộc chiến Ukraina chống xâm lược Nga tác động sâu sắc đến chính Liên Âu là một hồ sơ trang nhất của Le Figaro, với bài ‘‘Cuộc chiến tranh tại Ukraina làm EU thay đổi như thế nào’’.  Le Figaro điểm lại những cuộc khủng hoảng lớn nhất với châu lục, từ khủng hoảng tài chính 2008, khủng hoảng nhập cư 2015 dến Brexit hay đại dịch, để lưu ý là cuộc xâm lăng của Nga khiến trọng tâm của khối từ ‘‘cặp đôi Pháp – Đức kỳ cựu’’ dịch chuyển sang các thành viên ‘‘trẻ’’ của EU ở khu vực phía đông của khối, có lập trường triệt để với Nga, như khẳng định của ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius, gắn liền ‘‘vận mệnh của châu Âu và nền dân chủ’’ với vận mệnh của Ukraina, ‘‘mà Ukraina thắng có nghĩa là Nga phải bại’’.  

Các nước từng thuộc về Liên Xô (như ba nước cộng hòa Baltic) và hay khối cộng sản do Liên Xô đứng đầu (như Ba Lan) đã ‘‘có quan điểm thực tế hơn và phản ứng kịp thời hơn’’ trong cuộc khủng hoảng này, trong lúc cặp Pháp – Đức đã bị ‘‘tình thế vượt qua’’, không chỉ trong giai đoạn đầu xung đột, mà ngay đến tận bây giờ.  Vào giai đoạn đầu chiến tranh, tiếng nói của Pháp và Đức được nghe nhiều hơn tại Bruxuelles, trái ngược với hiện tại. Le Figaro nhiều lần dẫn lại nhận định của nghị sĩ châu Âu đảng Xanh Rebecca Hams, nhấn mạnh đến các ảo tưởng của Pháp và Đức, trong nhiều thập niên, hy vọng có thể ‘‘đưa lại được Putin trở về con đường đúng’’.  

Le Figaro dự báo, hai phe – phe ‘‘hòa bình bằng mọi giá’’ và phe ‘‘trước hết phải chiến thắng’’ – sẽ còn tiếp tục đối đầu vào mùa thu này, đặc biệt trong bối cảnh nước Đức đối mặt với suy thoái và nước Pháp với khó khăn về năng lượng. Tuy nhiên, bất luận thế nào, theo Le Figaro, Pháp và Đức vẫn tiếp tục là hai trụ cột của EU, Đức về mặt kinh tế, Pháp về mặt quân sự và ngoại giao. Và các thành viên EU, dù ở Đông hay Tây, Bắc hay Nam, ‘‘đều có chung một quyết tâm duy trì một đồng thuận tối thiểu trong thế đối đầu với nước Nga Putin’’. Le Figaro khép lại bài viết với nhận xét lạc quan : ‘‘Châu Âu tiến lên trong khủng hoảng. Và cuộc chiến tranh Ukraina – đã buộc EU phải đổi mới – rút cục sẽ có thể là tốt cho EU’’.  

EU áp giá trần điện, dự kiến thu hơn 100 tỉ euro tiền lãi từ ngành điện 

Giá điện tăng vọt đe dọa châu Âu, trong bối cảnh một mùa đông có nguy cơ thiếu điện đang đến gần. Cuộc khủng hoảng có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế châu Âu buộc Ủy Ban Châu Âu phải mạnh tay. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, Ủy Ban đang chuẩn bị một kế hoạch đánh thuế mạnh nhắm vào ngành điện lực. Một dự thảo kế hoạch mà Les Echos có được, cho thấy giá trần dự kiến là 180 euro Mgw/h, đối với các loại điện ngoại điện than và điện khí đốt. Nếu giá vượt quá 180 euro, chính quyền các nước sẽ thu lại phần chênh lệch. Liên quan đến các ngành năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí…), Ủy Ban dự kiến sẽ đưa ra khoản thu đặc biệt 33% lợi nhuận đối với năm tài chính 2022. Kế hoạch năng lượng của Ủy Ban Châu Âu cũng dự kiến sẽ cắt giảm 10% điện tiêu thụ doanh nghiệp và gia đình.  

Châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng cũng là chủ đề trang nhất của nhật báo Công giáo La Croix. Một nội dung chính trong bài diễn văn thường niên về tình hình Liên Hiệp của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đọc trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg hôm nay, liên quan đến các biện pháp năng lượng. Mấu chốt của vấn đề là có được các biện pháp vừa đủ mạnh, nhưng phải được sự đồng thuận của các thành viên châu Âu. Bên cạnh vấn đề giá trần điện, vấn đề giá trần khí đốt mua từ Nga cũng đang gây nhiều bất đồng. Một số ít quốc gia phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga không muốn ủng hộ sáng kiến này vì sợ bị cắt hoàn toàn khí đốt. La Croix nhấn mạnh đến xu thế khá phổ biến trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, khi nhiều nước tìm cách đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, và nghiêng về việc tự ai nấy lo.  

Tuy nhiên, theo nghị sĩ Christophe Grudler, thành viên Ủy ban Năng lượng của Nghị Viện Châu Âu, trong nội bộ khối đã tồn tại cơ chế tài chính MIE, cho phép bù lấp các mắt xích còn thiếu trong hệ thống kết nối năng lượng toàn châu lục. Nghị sĩ Christophe Grudler tin tưởng là các nước có thể thu hẹp bất đồng, như trong việc đối phó với đại dịch Covid trước đây, để đạt đồng thuận. Tuy nhiên, thành viên Ủy ban Năng lượng của Nghị Viện Châu Âu này cũng đặc biệt lưu ý trường hợp riêng của Hungary, Budepest bị nghi nghờ là thậm chí có thể ký kết riêng rẽ hợp đồng với tập đoàn Nga Gazprom.  

Bài Liên Quan