Nữ hoàng Anh qua đời: Ý kiến người Anh ở VN về Hoàng gia và ‘di sản thực dân đế quốc’

16 tháng 9 2022

Ash Lacey cho biết đã mất đi nhiều người bạn ở Anh vì bất đồng quan điểm về sự ra đi của Nữ hoàng
Chụp lại hình ảnh,Ash Lacey cho biết đã mất đi nhiều người bạn ở Anh vì bất đồng quan điểm về sự ra đi của Nữ hoàng

Hoàng loạt lãnh đạo và người dân trên khắp thế giới đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.

Trong một bài trước, BBC News Tiếng Việt đã ghi nhận tâm sự từ một số người Anh ở Việt Nam nhớ thương Nữ hoàng.

Nhưng sự ngưỡng mộ về cuộc đời và di sản của bà không phải là đồng nhất.

Lần này, BBC News Tiếng Việt phỏng vấn một số người Anh đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có suy nghĩ khác về cuộc đời và di sản của Nữ hoàng.

Di sản thực dân

Với một số người, cái chết của Nữ hoàng đã gợi lại ký ức về bê bối của người con trai thứ hai của bà là Hoàng tử Andrew, lẫn thời kỳ lịch sử đẫm máu của chế độ thực dân, với cáo buộc về hành động tàn bạo đối với người bản địa, trộm tượng và cổ vật tác từ các quốc gia Tây Phi, vàng và kim cương từ Nam Phi và Ấn Độ…

Ash Lacey, một người Anh đang sinh sống tại TPHCM cho biết anh không vui mừng trước sự ra đi của một người nào đó.

Nhưng anh cho rằng sự ra đi của Nữ hoàng đưa Vương quốc Anh tiến gần hơn đến việc trở thành một nước cộng hòa, vì theo anh đất nước của mình có một chế độ quân chủ không công bằng và dân chủ.

Chia sẻ với BBC Tiếng Việt, Lacey cho biết anh đã mất rất nhiều bạn bè ở Anh do những quan điểm của mình, thậm chí phải tránh nói về chủ đề này với gia đình nhằm tránh xảy ra bất đồng về chính trị như một nguyên tắc chung.

“Đây là một chủ đề gây tranh cãi đối với nhiều người ở Vương quốc Anh! Rất nhiều người lớn tuổi ủng hộ chế độ quân chủ và Hoàng gia chỉ vì những lý do truyền thống, trong khi thế hệ trẻ nhận thức rất rõ về thể chế đó đã lỗi thời và không công bằng như thế nào.”

Lacey cho rằng chế độ quân chủ ở Anh là một thể chế lỗi thời đã tích trữ được một lượng lớn tài sản, với cái giá là sự “khốn khổ của nhiều người”, bao gồm trong khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) và những nạn nhân dưới sự thống trị của thực dân Anh.

“Tôi nghĩ rằng cái chết của Nữ hoàng sẽ cố tình được sử dụng để thao túng tình trạng kinh tế xã hội tồi tệ của nước Anh vào lúc này. Mọi người sẽ quan tâm đến cái chết của một cụ già mà họ chưa bao giờ gặp thay vì chú ý đến những vụ tham nhũng.”

Katie Reddington, một giáo viên người Anh ở Việt Nam thì cho rằng trong khi việc Nữ hoàng qua đời nhận được rất cả sự tôn trọng và nỗ lực để tôn vinh, thì không có nỗ lực tương tự nào được thực hiện cho những trẻ em chết ở Palestine, hay những người nghèo chết trên đường phố ở Anh, hoặc ủng hộ các cuộc đình công của công đoàn.

Katie Reddington là một giáo viên người Anh ở Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Katie Reddington là một giáo viên người Anh ở Việt Nam

“Ở Anh, Nữ hoàng được nhớ đến một cách trìu mến bởi những người được hưởng lợi từ sự giàu có bị đánh cắp từ khắp châu Á, Ấn Độ, châu Phi và nhiều nơi khác nữa. Theo tôi, di sản của Nữ hoàng là việc ngồi trên ngai vàng và đội vương miện đá quý bị đánh cắp từ những quốc gia bị bắt làm nô lệ, chìm trong nghèo đói và bạo lực.”

Katie cũng nói: “Một số người thân của tôi buồn bã mà quên mất tác động của Nữ hoàng đối với cuộc sống của người dân ngày nay giữa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Vương quốc Anh. Bây giờ nhiều người không đủ khả năng trả tiền thuê nhà hoặc hóa đơn tiền điện và nhiều người phải ngủ trên đường phố.”

“Mọi người quên rằng Nữ hoàng đã sống trong một cung điện được trả bằng thuế của chính những người này. Họ quên mất điều này và một số người đăng trên mạng những điều tốt đẹp những cũng nhiều người tôi biết không tha thứ cho những tội ác của bà và đã phản ứng trong dịp này.”

Đồng quan điểm, Tom Wickham từ Đà Nẵng nói với BBC rằng cái chết của một người nổi tiếng như Nữ hoàng là một nỗi đau đớn khôn nguôi với những người hâm mộ bà, nhưng không phải tất cả mọi người.

“Những người biết đến Nữ hoàng không gì khác ngoài việc là một biểu tượng sẽ rơi nước mắt, còn những người nhận ra hậu quả về hành động của bà sẽ cảm thấy ít mất mát hơn”, Wickham nói.

Tom Wickham có bố là người Anh và mẹ là người Ireland
Chụp lại hình ảnh,Tom Wickham có cha người Anh và mẹ là người Ireland

Anh cũng cho biết trong gia đình mình có mẹ là người Anh còn cha là người Ireland, đều nằm dưới sự cai trị của Nữ hoàng.

“Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều đoàn kết để lên án những hành động của Nữ hoàng và coi thời điểm này như lúc để tiếc thương cho vô số nạn nhân trong triều đại của bà.”

“Trong thời gian trị vì, Nữ hoàng Elizabeth đã gián tiếp góp phần vào những gì diễn ra ở các nước châu Phi, nơi có những món trang sức bị đánh cắp để trang trí cho vương miện của bà, và những kho báu văn hóa bị đánh cắp đã được lấp đầy trong các bảo tàng của bà. Còn trực tiếp, bà đã che đậy vụ lạm dục tình dục trẻ vị thành niên mà con trai bà phải chịu trách nhiệm.”

Tom Wickham trích dẫn với BBC một câu nói từ James Connolly, người đã lãnh đạo Cuộc nổi dậy ngày lễ Phục sinh (Easter Uprising), một đấu tranh vũ trang chống lại sự cai trị của nước Anh ở Ireland vào năm 1916:

“Chúng tôi thú nhận rằng chúng tôi tôn trọng và tôn vinh những đứa con của những người lao động nghèo nhất ở Ireland ngày nay hơn bất kỳ hậu duệ nào, thậm chí là đức hạnh nhất, của những kẻ giết người, ngoại tình và điên loạn đã từng ngồi trên ngai vàng của nước Anh.”

Trước đó, trong một bài khác hôm 10/9, BBC đã ghi nhận sự tiếc thương của một số người Anh ở Việt Nam dành cho Nữ hoàng.

Vương quốc Anh sẽ tổ chức tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 19/9.

Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời vào ngày 8/9 ở tuổi 96 tại Lâu đài Balmoral, Scotland. Thái tử, trưởng nam lên kế vị bà là vua Charles III.

Bài Liên Quan