Chính phủ Anh cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Liz Truss
Chụp lại hình ảnh,Bà Liz Truss từng tham gia một nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ chuyên cổ vũ cho chính sách tự do, vì thị trường

Ngân sách ngắn hạn mới nhất mà chính phủ Anh công bố cắt giảm thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp đi theo đúng truyền thống chủ nghĩa thị trường siêu tự do.

Mục tiêu chung là làm đảo ngược xu thế suy thoái và đặt “tăng trưởng lên trên hết” (pro-growth agenda) cho kinh tế Anh.

Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Kwasi Kwarteng vừa công bố trước Quốc hội ngân sách ngắn hạn (mini budget) của tân chính phủ thuộc đảng Bảo thủ.

Các nét chính của ngân sách này, phản ánh tư tưởng ‘siêu tự do’ (libertarianism) của Thủ tướng Liz Truss (47 tuổi), gồm các nét sau:

1.   Mức thuế thu nhập thấp nhất người dân ở Anh phải đóng cho nhà nước sẽ giảm từ 20% xuống 19%, tính từ tháng 4/2023, khi năm tài khóa mới bắt đầu.

Hiện dân Anh phải đóng ba mức thuế thu nhập: 20% cho thu nhập năm từ 12.570 – 50.270 bảng Anh; 40 0% cho mức thứ nhì, từ 50.271 tới 150 nghìn bảng Anh; và mức 45% cho ai có thu nhập năm trên 150 nghìn bảng. Người có thu nhập dưới 12.570 bảng/năm không phải đóng đồng thuế nào cả.  

Thay đ̀ổi này sẽ khiến 31 triệu người ở Anh được lợi 170 bảng/năm từ mức thuế thấp hơn.

Để so sánh, Việt Nam hiện có nhiều mức thuế thu nhập khác nhau, từ 5% tới 10, 15, 20…và cao nhất là 35% cho thu nhập trên 80 triệu VND/tháng.

2.   Theo luật ngân sách mới, mức thuế 45% cho nhóm thu nhập cao nhất ở Anh sẽ bị xóa, và họ sẽ chỉ phải trả thuế thu nhập 40%.

3.   Phí địa bạ khi mua bán nhà sẽ được điều chỉnh. Người mua địa ốc chỉ phải trả khoản phí này khi giá trị bất động sản từ 250 nghìn bảng trở lên.

Còn với người mua nhà lần đầu, giá trị BĐS phải vượt ngưỡng 425 nghìn bảng thì họ mới bắt đầu phải trả khoản phí này, gọi là stamp duty. Đây là cách giúp các gia đình trẻ có thể mua, sở hữu bất động sản vì thị trường Anh quá nóng những năm qua.

4.   Tiền thưởng cho dân làm trong ngành ngân hàng sẽ không bị hạn chế, và thuế doanh nghiệp cũng không tăng, theo như một kế hoạch chính phủ tiền nhiệm nêu.

Ý tưởng của chính phủ Truss là tạo các điều kiện thu hút tiền qua hệ thống ngân hàng quốc tế vào Anh.

5.   Thuế đánh vào bia tạm không bị tăng như dự kiến mà được hưởng 5% cẵt giảm nhằm thúc đẩy chi tiêu ngành ẩm thực, giải trí.

Riêng rượu vang được hưởng quy chế ưu đãi thuế trong vòng 18 tháng và các quán bia được hưởng thuế thấp hơn cho mọi thùng bia dưới 20 lít. Hơn 15 loại thuế khác nhau cho bia, rượu và đồ uống có cồn- tùy loại, tùy nồng độ – sẽ được đơn giản hóa, chỉ còn 6 loại từ năm 2023.

6.   Du khách nước ngoài tới Anh sẽ được hưởng chế độ miễn thuế VAT – tương tự như hàng không thuế (duty free) hiện chỉ có ở các sân bay, cửa khẩu. Quy chế này giúp tăng thu nhập cho ngành du lịch và sản xuất nội địa Anh.

Ngoài ra, chính phủ của bà Liz Truss còn tung ra kế hoạch mở 40 khu vực thu hút đầu tư (new investment zones) bằng chế độ thuế thấp, các quy định về môi trường đơn giản hóa (điều khiến các nhóm bảo vệ môi trường phê phán) trong nghị trình ‘Tăng trưởng là trên hết”.

Nhóm Truss-Kwarteng muốn đạt điều gì?

Nghị trình của chính phủ bà Liz Truss mà mục tiêu là tự do hóa tối đa các cách quản lý kinh tế, nhằm xóa bớt rào cản, để kinh tế Anh tăng trưởng trở lại, đã được nói đến từ khi bà Truss chuẩn bị lên làm thủ tướng.

Theo Robert Jackman viết hồi đầu tháng 9 trên Reason.com, một chuyên trang cổ vũ cho tự do tư tưởng và tự do kinh tế thị trường (free mind, free markets), ngay từ khi trúng cử vào Hạ viện Anh năm 2010, bà Liz Truss đã tham gia tích cực nhóm Free Enterprise Group của các nghị sĩ đảng Bảo thủ nhằm tìm cách thay đổi chính sách sao cho thân thiện với thị trường và doanh nghiệp hơn.

Ông Kwarteng, bộ trưởng tài chính (người gốc Ghana), là bạn thân của bà Truss và thường cùng chia sẻ quan điểm rằng tháo gỡ rào cản để kinh tế thị trường tăng động lực cho Anh.

Được gọi là nhóm theo chủ nghĩa siêu tự do – libertarianism, họ tin rằng quốc gia cần một chính quyền nhỏ (bộ máy tinh giản, tiêu ít tiền công cho bản thân), và vai trò của chính phủ là khuyến khích người dân tự sáng tạo, và vai trò của nhà nước hỗ trợ chứ không bắt chẹt dân, doanh nghiệp bằng vô số quy định, giấy tờ quan liêu.

Nay, đã có quyền lực trong tay, ông Kwarteng nêu ra viễn kiến để kinh tế tăng trưởng trung bình 2,5%/năm.

Pound
Chụp lại hình ảnh,Đồng bảng Anh lại vừa sụt giá so với USD

Theo một đánh giá của BBC News, nghị trình của Bộ trưởng Tài chính Anh là “đơn giản hóa luật thuế, tăng thu nhập và sức mua của dân, tăng đầu tư, khuyến khích sáng tạo, tăng năng suất sản xuất”.

Viễn kiến tự do tuy thế vẫn cần ‘đầu tư’ từ ngân sách.

Theo ông Kwarteng, để cắt giảm thuế, chính phủ sẽ phải vay thêm 37 tỷ bảng.

Thế nhưng, chính phủ Anh tính rằng chỉ cần nền kinh tế tăng trưởng thêm 1% thì nguồn thu công cho ngân khố sẽ có thêm 47 tỷ bảng. Việc đầu tư cho tương lai gần như vậy là có logic của nó.

Dù vậy, phía chỉ trích chính sách cắt thuế của nhà nước Anh cho rằng cần phải mất nhiều năm thì động lực do cắt giảm thuế mới đủ thời gian tạo tác động tăng trưởng mạnh trở lại cho Anh.

Lo ngại mới nhất về cách ‘cắt thuế mà không đủ chi’ của ngân sách khiến thị trường tiền tệ phản ứng xấu: đồng bảng Anh sụt giảm thêm nữa, xuống dưới 1,11 USD trưa ngày 23/09 giờ London.

Đây là mức đ̀ồng tiền Anh xuống thấp nhất trong 37 năm qua so với đôla Mỹ.

Đảng Lao động, đang ngồi ghế đối lập trong Hạ viện Anh vừa lên tiếng chê chính sách cắt giảm thuế mới nhất này của chính phủ Bảo thủ “chỉ làm lợi cho nhóm giàu có, thu nhập cao nhất”.

Bài Liên Quan