Nga cáo buộc Mỹ ‘đang đùa với lửa’ liên quan đến vấn đề Đài Loan

Ngoại trưởng Nga Lavrov
Chụp lại hình ảnh,Ngoại trưởng Nga Lavrov nói “Họ [Mỹ] đang đùa với lửa liên quan đến Đài Loan. Ngoài ra họ [Mỹ] còn đang hứa hẹn hỗ trợ quân sự cho Đài Loan”.

25 tháng 9 2022

Ngày 24/09, Nga cáo buộc Mỹ “đang đùa với lửa” liên quan đến vấn đề Đài Loan trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc “tái thống nhất hòa bình” với hòn đảo theo thể chế dân chủ này, đồng thời cam kết thực thi các bước đi bắt buộc để phản đối bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài, một tuyên bố có sự ám chỉ đối với Washington.

Căng thẳng liên quan đến Đài Loan giữa Washington và Bắc Kinh đã gia tăng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo này hồi tháng 8. Khi đó Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn để đáp trả, và tiếp theo là cam kết bảo vệ Đài Loan của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Vài tuần trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng 2, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về sự hợp tác “không giới hạn”.

Ngày thứ Bảy 24/09, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhắm đến lập trường về Đài Loan của Washington cũng như các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.

“Họ đang đùa với lửa liên quan đến Đài Loan. Ngoài ra họ còn đang hứa hẹn hỗ trợ quân sự cho Đài Loan,” ông Lavrov nói.

Tổng thống Nga Putin đã rõ ràng ủng hộ Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan. “Chúng tôi sẽ tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’,” ông Putin nói hồi tuần rồi. “Chúng tôi lên án những sự khiêu khích từ Mỹ và các vệ tinh của họ tại eo biển Đài Loan.”

Trước đó, hồi tuần rồi trả lời phỏng vấn trong chương trình 60 Minutes của kênh CBS về khả năng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan hay không, ông Biden đã trả lời: “Vâng, nếu thật sự có một cuộc tấn công chưa có tiền lệ.”

Đây là tuyên bố rõ ràng nhất của ông Biden cho đến nay về sự cam kết bảo vệ hòn đảo này của quân đội Mỹ. Dường như tuyên bố cũng vượt khỏi chính sách “sự mơ hồ chiến lược”, theo đó không nêu rõ liệu Mỹ sẽ có phản ứng về mặt quân sự khi có một vụ tấn công nhằm vào Đài Loan hay không.

Phát biểu ngay trước ông Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động vì “sự tái thống nhất hòa bình” với Đài Loan và sẽ chiến đấu chống “những hoạt động ly khai” nhằm vào nền độc lập của Đài Loan trong khi thực thi các bước mang tính bắt buộc để phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

“Chỉ bằng sự ngăn chặn trước các hành động ly khai thì chúng tôi mới có thể củng cố được nền tảng cho sự tái thống nhất hòa bình. Chỉ khi Trung Quốc được hoàn toàn tái thống nhất thì mới có nền hòa bình lâu dài trên eo biển Đài Loan,” ông Vương Nghị tuyên bố.

Bình luận của ông Vương Nghị được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 90 phút với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại New York, cuộc gặp đầu tiên của hai bên kể từ chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan hồi tháng 8.

Sau cuộc họp, Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ phát đi “các tín hiệu rất mạnh và nguy hiểm” về vấn đề Đài Loan. Ông Blinken nói với ông Vương Nghị rằng sự duy trì nền hòa bình và sự ổn định của Đài Loan có tầm quan trọng mang tính sống còn, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói với phóng viên.

Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh của mình và đã từ lâu tuyên bố sẽ kiểm soát Đài Loan, không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để làm điều đó.

Trong khi đó chính phủ được bầu theo thể chế dân chủ của Đài Loan phản đối bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào từ Bắc Kinh và cho biết 23 triệu dân của hòn đảo này có thể quyết định tương lai của mình

Cảnh báo về Ukraine

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng ủng hộ tất cả các nỗ lực đúng đắn về giải pháp hòa bình liên quan đến “cuộc khủng hoảng” tại Ukraine, nhưng cảnh báo về nguy cơ chiến tranh lan rộng.

“Giải pháp căn bản là giải quyết các mối quan ngại an ninh hợp pháp của tất cả các bên và thiết lập một cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững,” ông Vương nghị nói.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tránh để cuộc khủng hoảng lan rộng và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các quốc gia đang phát triển.”

Trung Quốc cũng đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Nga nhưng không ủng hộ cũng như trợ giúp chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Hồi tuần rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có các quan ngại về Ukraine.

Quân nhân Ukraine
Chụp lại hình ảnh,Nga tuyên bố các vùng đang được trưng cầu ý dân nếu được sáp nhập vào Nga sẽ được “bảo vệ đầy đủ”

‘Không thể chấp nhận’

Trong cuộc họp báo theo sau phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Lavrov nói các vùng đang tiến hành trưng cầu ý dân sẽ được “bảo vệ đầy đủ” nếu được sáp nhập vào Nga.

Khi được hỏi liệu Nga có căn cứ sử dụng các vũ khí hạt nhân để bảo vệ những vùng được sáp nhập tại Ukraine hay không, ông Lavrov nói rằng:

“Tất cả luật pháp, học thuyết và chiến lược của Liên bang Nga áp dụng cho tất cả lãnh thổ,” ông nói, đồng thời đề cập cụ thể đến học thuyết về sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.

Nhóm các nền kinh tế phát triển G7 đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân. Trong khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói về các tuyên bố của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và Kyiv sẽ không nhượng bộ.

Bài Liên Quan