Khan hiếm xăng dầu tại Pháp: Nhân viên TotalEnergies tiếp tục đình công

Đăng ngày: 14/10/2022

CGT công đoàn có chủ trương đấu tranh quyết liệt nhất làm tê liệt 4 nhà máy lọc dầu của TotalEnergies trong số 6 nhà máy trên toàn quốc. REUTERS – PASCAL ROSSIGNOL

Thanh Phương

Tại Pháp, cuộc đọ sức giữa các công đoàn với ban lãnh đạo tập đoàn dầu khí TotalEnergies tiếp diễn hôm nay, 14/10/2022, sau khi các nhân viên đình công ở tập đoàn này bỏ phiếu thông qua quyết định tiếp tục phong trào. 

Trước đó, công đoàn CGT, tức là công đoàn đã phát động phong trào đình công, đã bác bỏ một dự thảo thỏa thuận về tăng lương. Như vậy là đình công tiếp diễn tại 5 cơ sở của TotalEnergies.

Trong khi đó, đình công đã chấm dứt tại nhà máy lọc dầu của tập đoàn Esso-ExxonMobil ở Gravenchon, vùng Normandie (miền tây bắc nước Pháp) và ở Fos-sur-Mer (miền nam nước Pháp). Đây là hai nhà máy lọc dầu duy nhất của tập đoàn Esso-ExxonMobil tại Pháp. 

Sau các cuộc thương lượng trong đêm 13/10/2022, cuộc thương lượng đầu tiên do tập đoàn TotalEnergies triệu tập kể từ đầu cuộc đình công 27/09, hai công đoàn chiếm đa số trong tập đoàn là CFDT và CFE-CGC đã tuyên bố ủng hộ đề nghị mới nhất của ban lãnh đạo TotalEnergies, tăng lương 7% ngay từ tháng 11, cộng thêm món tiền thưởng cuối năm từ 3.000 đến 6.000 euro. Theo thông báo của TotalEnergies, hai công đoàn nói trên hôm nay đã ký thỏa thuận này. 

Ngoài yêu sách tăng lương, phong trào đình công trong tập đoàn TotalEnergies còn nhằm bảo vệ quyền đình công, sau khi chính phủ quyết định trưng dụng nhân viên trong ngành dầu khí để bảo đảm việc phân phối nhiên liệu. 

Các công đoàn ở Pháp cũng đã ra lời kêu gọi “tổng đình công”. Trước mắt, thứ Ba tuần tới sẽ là ngày đình công toàn quốc trong các ngành nghề từ giao thông đến công chức, theo lời kêu gọi của 4 công đoàn lớn và của nhiều tổ chức của giới trẻ. Đình công lần này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF và công ty giao thông công cộng Paris RATP. 

Phong trào đình công trong các tập đoàn dầu khí khiến nước Pháp rơi vào tình trạng khan hiếm xăng dầu rất trầm trọng. Theo thống kê của bộ Chuyển đổi năng lượng, tính đến hôm 13/10, vẫn còn 30% trạm xăng ở Pháp đóng cửa vì không còn nhiên liệu. Riêng ở miền bắc nước Pháp, tỷ lệ trạm xăng đóng cửa cao hơn.

Bài Liên Quan