Iran: Giới tranh đấu kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chế độ

Đăng ngày: 15/10/2022

Người dân biểu tình ở Teheran, Iran, ngày 21/09/2022. AP

Trọng Thành

Một tháng sau ngày một nữ sinh người Iran qua đời sau khi bị lực lượng ‘‘cảnh sát đạo đức’’ bắt giam, phong trào phản kháng chống chính quyền Iran tiếp tục, bất chấp các đàn áp khốc liệt. Hôm nay, 15/10/2022, nhiều lời kêu gọi biểu tình tại Iran lan truyền trên các mạng xã hội.

Theo AFP, bất chấp việc nhà cầm quyền Iran ngăn chặn các ứng dụng Instagram và WhatsApp, giới tranh đấu đã đưa lên mạng lời kêu gọi biểu tình với các khẩu hiệu chính như ‘‘Khởi đầu cho sự chấm dứt’’ của chế độ hay ‘‘Đả đảo lãnh đạo độc tài’’, ngụ ý chỉ giáo chủ tối cao Ali Khamenei. Các nhà tranh đấu khuyến khích giới trẻ và đông đảo dân chúng Iran tổ chức biểu tình tại các địa điểm không có lực lượng an ninh.

Phong trào biểu tình gây chấn động Iran từ một tháng nay đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Hôm qua, 14/10, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định ‘‘sát cánh cùng các công dân, những người phụ nữ dũng cảm của Iran’’ và kêu gọi chính quyền Iran chấm dứt đàn áp người dân nước mình. Ít nhất 108 người bị giết hại trong các vụ đàn áp, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Iran Human Rights (IHR), ở Oslo.

Phong trào biểu tình cũng nhận được nhiều ủng hộ tại Liban. Thông tín viên Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :

‘‘Chủ nhật tuần trước, cộng đồng người Kurdistan ở Liban đã tổ chức biểu tình ngồi trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở trung tâm thủ đô Beyrouth để tố cáo cái chết của cô Mahsa Amini, người Iran gốc Kurdistan. Những người tham gia bày tỏ sự ủng hộ của họ ‘‘đối với cuộc đấu tranh giải phóng của phụ nữ ở Iran’’ và lên án việc nhà cầm quyền Iran ‘‘liên tục xâm phạm các quyền của người Kurdistan’’.

Trước đó vài ngày, hàng chục người, chủ yếu là phụ nữ, đã biểu tình trước Bảo tàng Quốc gia Beyrouth. Tại đây các khẩu hiệu mạnh mẽ hơn nhiều. ‘‘Cái chết cho kẻ độc tài’’ là tiếng hô có thể được nghe thấy trong đám đông. Từ ‘‘kẻ độc tài’’ nhằm để chỉ lãnh đạo của Cộng hòa Hồi giáo Iran, giáo chủ Ali Khamenei.

Trên truyền thông, sự tương phản thể hiện rõ ràng trong việc đưa tin về các sự kiện ở Iran. Các kênh truyền hình thân phương Tây dành không gian rộng rãi cho các phóng sự và hình ảnh cho thấy việc đàn áp người biểu tình. Ngược lại, kênh al-Manar của lực lượng Hezbollah ủng hộ chính quyền Iran với việc đưa các tin tức cáo buộc về ‘‘các âm mưu’’ và ‘‘có sự can thiệp của nước ngoài’’ trong phong trào phản kháng’’.

Bài Liên Quan