Nga dùng drone Iran ở Ukraina: Hướng tới trục Matxcơva – Teheran

Đăng ngày: 19/10/2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) gặp tổng thống Iran Ebrahim Raisi, bên lề cuộc họp thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/09/2022. © via AP

Trọng Nghĩa

Liên Hiệp Châu Âu vào hôm nay, 19/10/2022 đã loan báo việc chuẩn bị trừng phạt Teheran sau khi đã có đủ “bằng chứng” về việc các drone mà Nga đang sử dụng để tấn công Ukraina đều do Iran cung cấp. Phản ứng của Liên Âu là điều được dự đoán vào lúc ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy trục liên kết giữa Matxcơva và Teheran chống phương Tây đang được củng cố thêm, với việc Iran không ngần ngại hỗ trợ vũ khí cho Nga để xâm lược Ukraina.

Cho đến nay, cả Matxcơva lẫn Téheran đều phủ nhận việc drone do Iran sản xuất đã được chuyển giao cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraina. Thế nhưng trên hiện trường, drone loại Shahed-136 đặc thù của Iran ngày càng được quân đội Nga sử dụng nhiều hơn để tấn công vào các cơ sở hạ tầng và đô thị của Ukraina. Việc ngụy trang dưới tên gọi Nga là Geran-2 đã không che giấu được thực tế rằng đó là vũ khí do Iran cung cấp.

Ngoài loại drone “cảm tử” Shahed-136, thuộc diện “thô sơ”, nhiều nguồn thạo tin đã xác định rằng Iran còn cung cấp cho Nga những loại drone tối tân hơn, như Mohajer-6 hay Arash-2, bay nhanh hơn, có tầm hoạt động xa hơn, với khả năng hủy diệt cao hơn.

Sự hỗ trợ của Iran không chỉ giới hạn ở các loại drone. Nhiều quan chức Iran cao cấp đã không ngần ngại thừa nhận rằng chính quyền của họ sẵn sàng cung cấp cả tên lửa địa đối địa cho Nga. Bên cạnh đó, Teheran cũng đã phái cố vấn qua huấn luyện lính Nga sử dụng các loại vũ khí mà Iran cung cấp.

Vũ khí là khía cạnh nổi nhất của đà củng cố trục Nga-Iran, nhưng cũng được thấy trong những lãnh vực khác. Theo nhật báo Pháp Le Figaro ngày 17/10, nhờ cuộc chiến Ukraina, Teheran và Matxcơva đã trở nên thân thiết hơn. Một ví dụ cụ thể là vào mùa xuân năm ngoái, Teheran đã chấp thuận yêu cầu của tổng thống Nga là hoãn đúc kết thỏa thuận hạt nhân quốc tế mà Iran dường như đã sẵn sàng ký kết để xuất khẩu dầu và bổ sung ngân sách của mình. Matxcơva không muốn thấy dầu và khí đốt của Iran thay thế các nguồn năng lượng của họ trên thị trường châu Âu.

Cũng theo Le Figaro, cùng bị quốc tế trừng phạt quốc tế, cả Matxcơva lẫn Teheran đều có ý định tận dụng Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải để làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Trung Á. Việc Iran hỗ trợ Nga về vũ khí cũng thể hiện ý hướng chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu.

Đối với giới phân tích, việc Iran hỗ trợ vũ khí cho Nga vào lúc này không có gì là ngạc nhiên, vì giữa hai bên đã từng có những vụ “phối hợp” không nói ra công khai. 

Trên báo Le Monde ngày 16/10, giáo sư Jean-Pierre Filiu tại học viện chính trị Sciences Po Paris nêu bật ví dụ Syria trước đây. Theo ông, Nga và Iran, kể từ tháng 3 năm 2011, đã phối hợp để hỗ trợ vô điều kiện cho việc Bashar Al-Assad thanh toán mọi hình thức đối lập ở Syria… Chính Iran với các lực lượng tấn công đã tham gia chiến trường Syria bên cạnh các lực lượng dân quân thân Iran đến từ Liban và Irak, đã kêu gọi Nga trực tiếp tham gia, điều đã được thực hiện,vào tháng 9 năm 2015.

Đối với Giáo sư Filiu, chính tại Syria mà Điện Kremlin đã rèn luyện các kỹ thuật khủng bố nhằm vào dân thường mà sau đó sẽ được áp dụng ở Ukraina. Tướng Sergei Surovikin, người vừa được bổ nhiệm đứng đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina, đã để lại những ký ức tồi tệ nhất ở Syria, giống như người tiền nhiệm của ông, tướng Alexander Dvornikov, từng có biệt danh là “đồ tể của Syria”.

Nhìn chung, phương Tây không thể làm ngơ trước việc Iran trợ giúp Nga trong cuộc chiến Ukraina. Trước khi Liên Âu loan báo khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt Teheran, Hoa Kỳ đã đưa ra lời cảnh cáo. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã đe dọa trừng phạt tất cả những cá nhân và thực thể có dính líu đến chương trình drone của Iran, đồng thời xác định: “Cả thế giới cần phải xem việc tăng cường liên minh giữa Nga và Iran là một mối nguy hiểm nghiêm trọng”.

Bài Liên Quan