Putin nói Nga bắn phá Ukraine để trả đũa vụ Hạm đội Biển Đen ở Crimea

Người dân Kyiv xếp hàng chờ nước
Chụp lại hình ảnh,Khoảng 80% cư dân ở thủ đô Kyiv bị mất nước sau cuộc tấn công của Nga hôm 31/10, theo thị trưởng thành phố

9 giờ trước

Tổng thống Putin nói vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine và quyết định đóng băng việc tham gia xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen là nhằm đáp trả đũa vụ Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea bị tấn công bằng drone, mà ông cho là do phía Ukraine gây ra.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 31/10, ông Putin nói các drone của Ukraine đã dùng những hành lang hàng hải tương tự với các tàu chở ngũ cốc di chuyển theo một thỏa thuận mà Liên Hiệp Quốc đóng vai trò trung gian.

Kyiv không tuyên bố có trách nhiệm trong vụ tấn công và bác bỏ việc sử dụng hành lang an ninh của chương trình ngũ cốc vì mục đích quân sự. Liên Hiệp Quốc nói không có tàu chở ngũ cốc nào dùng tuyến đường ở Biển Đen hôm 29/10 khi Nga nói các tàu ở Crimea bị tấn công.

Trong khi đó, vào ngày thứ 250 của cuộc chiến tranh thì Nga đã dội tên lửa khắp Ukraine, các vụ nổ đã xảy ra tại Kyiv. Lực lượng Nga đã bắn phá vào các cơ sở hạ tầng tại ít nhất sáu vùng của Ukraine hôm thứ Hai 31/10, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine nêu trong một tuyên bố trên Facebook.

“Đây không phải là tất cả những gì chúng tôi có thể làm,” Putin nói trong một cuộc họp báo được phát trên truyền hình, chỉ ra rằng có thể có thêm hành động sau đó.

Giới chức Ukraine nói các cơ sở năng lượng, bao gồm các đập nước thủy điện đã bị bắn trúng, phá hoại nguồn cung điện, nước và khí đốt sưởi ấm.

Oleh Synehubov, thống đốc vùng Kharkiv, miền đông bắc Ukraine nói trên kênh Telegram rằng 140.000 cư dân đã bị mất điện sau các vụ tấn công, bao gồm 50.000 cư dân ở thành phố Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine.

Quân đội Ukraine nói đã bắn hạ 44 trong tổng số 50 tên lửa của Nga. Nhưng các vụ tấn công đã khiến 80% khu vực thủ đô Kyiv bị mất nước, chính quyền cho biết. Cảnh sát Ukraine nói 13 người đã bị thương trong các vụ tấn công mới nhất.

Trong ba tuần qua, Nga đã tấn công vào cơ sở hạ tầng dân dụng của Ukraine, sử dụng những tên lửa tầm xa và loại drone ‘tự sát’ rẻ tiền do Iran chế tạo.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói 18 mục tiêu, hầu hết là cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị tấn công trong các vụ phóng tên lửa và drone của Nga nhằm vào 10 vùng ở Ukraine hôm 31/10.

Các tàu thương mại bao gồm những tàu thuộc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen đã phải chờ đi qua eo biển Bosphorus ngoài khơi cảng Yenikapi ở thành phố Istanbul.

Các tàu hàng thương mại qua eo biển Bosphorus
Chụp lại hình ảnh,Các tàu hàng thương mại bao gồm những tàu thuộc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen đã phải chờ đi qua eo biển Bosphorus ngoài khơi cảng Yenikapi ở thành phố Istanbul hôm 31/10

Hôm qua 31/10, Ukraine cho biết 12 con tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng ở Biển Đen, mặc cho việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu này.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Ukraine nói một trong những con tàu chở theo 40.000 tấn ngũ cống cho Ethiopia “nơi đang đối mặt với khả năng thật sự xảy ra nạn đói hàng loạt”.

Ukraine trước đó cáo buộc Nga “tống tiền thế giới bằng nạn đói”. Moscow đã rút khỏi thỏa thuận này sau vụ tấn công bằng drone nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea hôm 29/10.

Điện Kremlin khi đó lên án Kyiv về vụ tấn công và nói rằng “phía Nga không thể đảm bảo an toàn cho những tàu hàng dân dụng”.

Hôm 31/10, ông Putin nói Nga đang ngưng lại, nhưng không chấm dứt việc tham dự thỏa thuận.

Kyiv cho rằng phía Moscow đã từ lâu lên kế hoạch rời bỏ thỏa thuận này và sử dụng vụ tấn công để làm tiền đề.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine thì hải quân nước này đã chặn các cảng tại Biển Đen của Ukraine, khiến khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc không thể xuất khẩu, cùng với các loại thực phẩm khác như ngô và dầu hướng dương.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen được chính cá nhân Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đứng ra thương lượng đã trở thành một chiến thắng ngoại giao quan trọng giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng thực phẩm trên toàn cầu.

Nhưng Nga cũng phàn nàn là việc xuất khẩu vẫn còn bị vấp phải các rào cản, hầu hết ngũ cốc đã được chuyển đến các quốc gia giàu có.

Một số thực phẩm đã đến trực tiếp các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, và một số đã được chuyển đến các nước mà người dân đối mặt với nguy cơ bị đói, thuộc khuôn khổ các chương trình hỗ trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, các số liệu của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng số lượng lớn thực phẩm mà Ukraine xuất khẩu trong ba tháng qua thì đã đến Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Trung Quốc và Hà Lan.

Ukraine và Nga là hai quốc gia xuất khẩu ngũ cốc chính của thế giới, và hàng triệu người ở những nước nghèo phụ thuộc vào nguồn cung từ hai quốc gia này.

Bài Liên Quan