LHQ cảnh báo tình trạng băng sơn toàn cầu sẽ tan hết vào năm 2050

  • Tác giả,Patrick Hughes
  • Vai trò,Phóng viên khoa học, khí hậu BBC
  • 3 tháng 11 2022
Getty Images

Các băng sơn trên toàn cầu – bao gồm cả những băng sơn cuối cùng ở châu Phi – sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bị biến mất vào năm 2050 do tình trạng biến đổi khí hậu, Liên Hiệp Quốc nói trong một bản phúc trình.

Phúc trình của UNESCO cho biết băng sơn ở một phần ba các di sản thế giới của Liên Hiệp Quốc sẽ tan chảy trong vòng ba thập niên.

Các băng sơn cuối cùng trên Đỉnh Kilimanjaro sẽ biến mất, giống như các băng sơn trên dãy Alps và Công viên Quốc gia Yosemite ở Hoa Kỳ.

Các tác giả bản phúc trình nói băng sơn sẽ tan chảy bất kể thế giới có hành động thế nào nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Bản phúc trình đưa ra dự báo dựa trên dữ liệu vệ tinh, được công bố vào lúc các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị nhóm họp tại Ai Cập cho hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 vào tuần tới.

Có khoảng 18.600 băng sơn đã được xác định trên 50 di sản thế giới của Liên Hiệp Quốc. Chúng chiếm gần 10% diện tích bị đóng băng của Trái Đất và bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng cùng những nơi linh thiêng đối với người dân địa phương.

Sự thu nhỏ dần và biến mất của các băng sơn là “một trong những bằng chứng ấn tượng nhất cho thấy khí hậu Trái Đất đang ấm lên”, bản phúc trình nói.

“Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể sai, nhưng đây là một khoa học khó khăn,” Tales Carvalho Resende, một trong các tác giả của dự án UNESCO, cho biết.

“Các băng sơn là một trong những chỉ số có giá trị về biến đổi khí hậu, bởi vì chúng có thể nhìn thấy được. Đây là điều mà chúng ta thực sự có thể thấy đang xảy ra.”

Các băng sơn có ở hai phần ba di sản thế giới còn lại của Liên Hiệp Quốc có thể được cứu, nhưng chỉ khi thế giới giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, các tác giả cho biết.

Một phúc trình khác của Liên Hiệp Quốc công bố vào tuần trước cho thấy thế giới hiện không có “lối đi đáng tin” để đạt được điều đó.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Lớp băng sơn tại Công viên Quốc gia Yosemite đang có nguy cơ biến mất

Các dự báo được xây dựng dựa trên một phúc trình trước đó, sử dụng các mô hình để tính toán các băng sơn thuộc Di sản Thế giới sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian.

“Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử là điều này đang diễn ra quá nhanh,” Beata Csatho, nhà băng học từ Đại học Buffalo, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.

“Vào giữa thập niên 1900, các băng sơn khá ổn định. “Sau đó là một cuộc thu nhỏ lại cực kỳ nhanh,” bà nói.

Các di sản thế giới được liệt kê là có băng sơn sẽ biến mất vào năm 2050 là:

  • Rừng Hyrcanian (Iran)
  • Công viên Quốc gia Durmitor (Montenegro)
  • Công viên Quốc gia Virunga (Cộng hòa Dân chủ Congo)
  • Khu Di tích Lịch sử và Thắng cảnh Hoàng Long (Huanglong) (Trung Quốc)
  • Công viên Quốc gia Yellowstone (Hoa Kỳ)
  • Công viên Quốc gia Mount Kenya / Rừng Tự nhiên (Kenya)
  • Pyrenees Mont Perdu (Pháp, Tây Ban Nha)
  • Công viên Quốc gia Dãy Rwenzori (Uganda)
  • Cao nguyên Putorana (Nga)
  • Swiss Tectonic Arena Sardona (Thụy Sĩ)
  • Công viên Quốc gia Nahanni (Canada)
  • Công viên Quốc gia Lorentz (Indonesia)
  • Hệ thống Tự nhiên Khu bảo tồn Đảo Wrangel (Nga)
  • Công viên Quốc gia Kilimanjaro (Tanzania)
  • Công viên Quốc gia Yosemite (Hoa Kỳ)
  • Dolomites (Ý)
  • Rừng Virgin Komi (Nga)
Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các cộng đồng địa phương và người dân bản địa sẽ phải hứng chịu tình trạng lụt lội do băng tan gây ra

Bản phúc trình cho biết, việc mất băng ở các Di sản Thế giới có thể góp tới 4,5% vào việc mực nước biển dâng toàn cầu mà chúng ta quan sát được trong thời gian từ 2000 đến 2020. Các băng sơn này mất đi 58 tỷ tấn băng mỗi năm – tương đương với tổng lượng nước hàng năm được sử dụng ở Pháp và Tây Ban Nha.

Nhiều người cũng phụ thuộc vào các sông băng làm nguồn nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, và việc mất nước có thể dẫn đến khan hiếm nước ngọt trong mùa khô, Giáo sư Duncan Quincey, chuyên gia về băng sơn tại Đại học Leeds, Anh, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nói.

“Điều đó dẫn đến các vấn đề an ninh lương thực vì họ đã sử dụng nước đó để tưới tiêu cho cây trồng của mình,” ông Quincey nói.

Các tác giả của bản phúc trình cho biết các cộng đồng địa phương và người dân bản địa sẽ phải gánh chịu gánh nặng của lũ lụt do mất mát sông băng, đồng thời kêu gọi áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu rủi ro thiên tai 

Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất mà chúng ta cần làm là hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

“Có một thông điệp về hy vọng ở đây,” Carvalho Resende nói. “Nếu chúng ta có thể làm thế nào đó cắt giảm đáng kể lượng khí thải, chúng ta sẽ có cơ hội cứu được hầu hết các băng sơn này.”

“Đây thực sự là một lời kêu gọi hành động ở mọi cấp độ – không chỉ ở cấp độ chính trị, mà ở cấp độ chúng ta với tư cách là con người.”

Bài Liên Quan