G20: Biden và Tập Cận Bình sẽ thảo luận gì trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Indonesia?

Biden và Tập Cận Bình
Chụp lại hình ảnh,Lần cuối Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt trực tiếp là vào năm 2015

14 tháng 11 2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2015 đến nay tại Bali vào chiều nay theo giờ Việt Nam. Cuộc gặp rất được chờ đợi này diễn ra ngay trước thềm Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali (Indonesia), vốn sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mai 15/11.

Dự kiến ông Biden và ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận về tình Đài Loan, Ukraine và các tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, đây là những vấn đề sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại G20.

Ông Biden nói hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ “vạch ra điều gì là lằn ranh đỏ của mỗi bên” liên quan đến Đài Loan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự Thượng đỉnh G20 lần nay tại Indonesia với lý do quá bận, theo Điện Kremlin.

Thay vào đó Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov sẽ đại diện ông Putin tham dự G20 – lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng Hai.

Trước đó, ông Biden nói với các lãnh đạo ASEAN tại Campuchia là các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn để mở để phòng ngừa xung đột, và gần như chắc chắn là các cuộc hội đàm khó khăn sẽ diễn ra trong những ngày tới đây.

Mỹ muốn “cạnh tranh mạnh mẽ” với Trung Quốc trong khi “đảm bảo sự cạnh tranh không dẫn tới xung đột”, ông Biden nói, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của eo biển Đài Loan trong bài phát biểu tại Thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia.

Ông Biden đã đến Bali vào tối Chủ nhật 13/11.

Thế nhưng giới chức Mỹ cho biết vẫn có các nỗ lực thầm lặng từ phía Bắc Kinh và Washington trong vòng hai tháng qua để hàn gắn mối quan hệ.

“Những cuộc gặp này không diễn ra một cách tách biệt, đều thuộc một phần của một quy trình rất kéo dài,” một quan chức trong chính quyền Biden nói. “Chúng tôi đã tham gia vào hàng chục, hàng chục giờ nghiêm túc, kéo dài trong nền ngoại giao thầm lặng đằng sau hậu trường.

“Tôi nghĩ chúng tôi cảm thấy hài lòng trước sự nghiêm túc của cả hai phía trong quá trình đó.”

Ông Biden và Tập Cận Bình đã có năm cuộc điện đàm và video kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống vào tháng 01/2021, lần cuối cùng gặp gỡ trực tiếp là vào thời kỳ chính quyền cựu Tổng thống Obama, khi đó ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ.

Biden
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Biden đã đến Indonesia vào hôm qua 13/11

Cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ diễn ra tại khách sạn The Mulia ở vịnh Nusa Dua ở Bali. Có thể không đưa ra được tuyên bố chung, như Nhà Trắng đã tuyên bố, nhưng cuộc gặp có thể giúp làm vững chắc mối quan hệ song phương.

Lưu Á Vĩ (Yawei Liu), Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Carter Center’s China Program nói với BBC Tiếng Trung: “Tôi nghĩ thái độ của Trung Quốc giờ đây rất rõ ràng… Bắc Kinh muốn phục hồi mối quan hệ.”

Ông Lưu cũng lưu ý là trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thăm Mỹ và nói rõ với giới chức Mỹ là Bắc Kinh và Washington phải tìm sự chắc chắn trong việc cùng tồn tại một cách hòa bình”.

Nhưng ông Lưu cũng bi quan về chuyện cuộc gặp lần này sẽ dẫn đến một sự đột phá.

“Mỹ thực hiện, thường theo một phong cách rất cứng rắn,” ông nói, viện dẫn lệnh cấm gần đây của Mỹ trong việc xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc.

Ông Lưu cũng lưu ý là Biden đã nhấn mạnh Washington không tìm kiếm sự xung đột.

“Nhưng cảm nhận từ phía Trung Quốc là Mỹ không hành động như những gì Mỹ nói. Ví dụ, Mỹ nói tuân theo chính sách ‘Một Trung Quốc’ nhưng đã có nhiều động thái nhỏ liên quan đến vấn đề Đài Loan.”

Biden điện đàm với Tập Cận Bình
Chụp lại hình ảnh,Ông Biden và Tập Cận Bình đã có năm cuộc điện đàm và video kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống vào tháng 01/2021

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ tham dự phiên khai mạc G20 vào ngày thứ Ba 15/11.

Một trong những chủ đề chính tại G20 sẽ là cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine và Biden sẽ “không nói lời xin lỗi” trong việc bảo vệ các quốc gia châu Âu, giới chức Mỹ nói hồi tuần rồi.

Tập Cận Bình và Putin đã trở nên ngày càng gắn bó với nhau hơn trong những năm gần đây, cùng chia sẻ việc mất lòng tin vào Phương Tây và cũng đã tái khẳng định mối quan hệ đối tác chỉ vài ngày trước khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine.

Trung Quốc cũng đã cẩn trọng không cung cấp sự hỗ trợ nào cho Nga vì có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào mình.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh đến “tính vô trách nhiệm” trong những lời đe dọa hạt nhân tại Thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia, đưa ra gợi ý là Trung Quốc không thấy thoải mái trước những tuyên bố hạt nhân từ đối tác Nga, một quan chức chính quyền Biden nói.

Phương Tây cũng cáo buộc Nga đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu. Nga đến lượt mình đã cáo buộc Phương Tây có ngôn từ hạt nhân “mang tính khiêu khích”.

“Cũng có những lĩnh vực mà Trung Quốc và Nga cùng phối hợp để làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ về mặt kinh tế,” một quan chức Mỹ nói. “Nhưng đối với một vài các vấn đề lớn này, tôi nghĩ chắc chắc là có một sự không thoải mái nào đó tại Bắc Kinh về điều chúng ta chứng kiến về ngôn từ không cẩn trọng và hoạt động về phía của Nga.”

Ngoại trưởng Lavrov nói hôm Chủ nhật 13/11 là Phương Tây “đang quân sự hóa” Đông Nam Á nhằm kiềm hãm các lợi ích của Nga và Trung Quốc, tuyên bố được xem sẽ khơi màu có thêm sự đối đầu giữa các lãnh đạo Phương Tây tại G20.

Bài Liên Quan